Cúc tần là cây mọc dại, có chiều cao từ 1 – 2 m. Toàn thân cây cúc có lông tơ. Cây cúc tần phân ra rất nhiều cành, cành nhỏ và có lông.
Lá cúc tần gần như không có cuống, mọc so le nhau và mép lá có hình khé răng màu lục xám. Cây cúc mọc mầm rất khỏe, cúc tần ra rất nhiều lá. Chính vì vậy, hàng rào trồng cây cúc tần ở nhiều vùng quê phải thường xuyên cắt tỉa để ngõ vào nhà thoáng rộng và đẹp.
Cúc tần là cây dại, ở nông thôn xưa được dùng trồng làm hàng rào ngõ góp phần làm không gian, khuôn viên nhà thêm xanh, mát...Ảnh: Hungda.
Hoa mọc thành từng cụm ở đầu ngọn và hình đầu có màu tím. Quả nhỏ và có cạnh.
Cây cúc tần ra hoa từng chùm. Hoa hình đầu có cuống ngắn, màu tím nhạt, nhóm họp thành 2 - 3 cái. Lá bắc 4 - 5 dãy, hoa lưỡng tính nhiều. Mào lông màu trắng bẩn.
Lá và ngọn non cây cúc tần. Cây cúc tần mọc hoang, là cây dại, xưa ở nông thôn các cụ thường trồng cúc tần làm hàng rào ngõ làm cho khung cảnh nhà quê xanh mát, thanh bình và đẹp. Lá non, ngọn non cúc tần được dùng để chế biến nhiều món dân giã nhưng ngon, tốt cho sức khỏe. Cây cúc tần được xem là cây dược liệu.
Tràng hoa cúc tần cái mảnh, 4 răng nhỏ. Tràng hoa lưỡng tính phình to ở đỉnh, có 5 thùy. Nhị 5, bao phấn có tai, hình dùi, bầu hơi có lông.
Quả cúc tần bế hình trụ - thoi, 10 cạnh. Vào tháng 12 là mùa ra hoa và quả của cây cúc tần. Thường, ở các vùng quê, dây tơ hồng-một loại thực vật sống ký gửi mọc và sống nhờ trên thân cây cúc tần mọc hoang dại.
Tại các vùng quê trồng nhiều cây cúc tần làm hàng rào, tới mùa hoa cúc tần nở trông cũng rất là đẹp.
Cây cúc tần được sử dụng trong dân gian chủ yếu là ngọn, lá, hoa và rễ...Trong toàn cây cúc tần chủ yếu có tinh dầu, mùi thơm ngải cứu.
Theo phân tích của các nhà dược liệu, cứ 100g cây cúc tần tươi có 5.7g protit, 1g lipit, 5.1g xenluloza, 2.3g tro, 179mg Canxi, 2.3mg P, 0.5mg Fe, 4.6g caroten, 15mg vitamin C.
Theo Đông y, bộ phận của Cúc tần là lá và cành non sử dụng làm thuốc trị cảm sốt, sốt khi sắc uống hoặc xông. Có tác dụng giúp sự tiêu hóa, chữa lỵ. Người ta còn giã nát lá và cành non, thêm ít rượu xào cho nóng đắp lên ở nơi đau ở hai bên thận chữa đau, mỏi lưng.
Rễ cũng được sử dụng và cho tác dụng điều trị tương tự như lá và cành nòn... Cúc tần có vị ngọt, hơi đắng, mùi thơm, tính mát, có tác dụng giải cảm, tán phong nhiệt, giáng hỏa, tiêu độc, làm sáng mắt, lợi tiểu, tiêu đờm, tiêu ứ.
Để điều trị cảm mạo, sốt không đổ mồ hôi, phong thấp, tê bại, gân xương mình mẩy đau nhức dùng lá, cành non hoặc rễ của Cúc tần. Còn có tác dụng giúp sự tiêu hóa, chữa lỵ, viêm họng, phù thũng, đái ít, có thể dùng để điều trị sốt rét.
Để chữa cảm sốt, có thể nấu nước xông lá tươi Cúc tần cùng với các lá khác như lá tre, bưởi, sả, chanh, hương nhu. Lấy lá tươi nấu nước tắm để điều trị ghẻ.
Nhiều nơi người dân còn sử dụng lá cúc tần non, ngọn cúc tần làm rau xanh hay làm rau sống, kèm với các thứ rau thơm khác khi thưởng thức các món ngon có tính hàn, giàu đạm như cá, thịt...
Lá cúc tần, ngọn cúc tần dùng để kho cá. Kho cá với lá cúc tần làm cho cá kho hết mùi tanh, thịt cá kho săn chắc, ăn tốt cho sức khỏe. Ảnh: Phạm Đức Cường.
Lá cúc tần còn có thể nấu cháo giúp chữa ho do viêm khí quản.
Chỉ cần 1 nắm lá cúc tần già băm nhỏ, ít gừng tươi, thịt lợn nạc băm rồi cho vào nấu cùng với gạo tới khi chín nhừ.
Món cháo cúc tần thịt nạc băm hơi có vị đắng, lại có vị ngọt của thịt nên rất dễ ăn.
Đặc biệt, lá và ngọn non cây cúc tần có vị đắng nhẹ, mùi thơm của tinh dầu ngải cứu nên khi ăn kèm với món gỏi cá nhệch rất hợp vị.
Lá cúc tần xào trứng cũng là món khoái khẩu, ưa thích của nhiều người dân vùng nông thôn.
Đặc biệt, lá cúc tần kho cá là món ăn tốt cho sức khỏe. Cá kho với lá cúc tần không còn mùi tanh, miếng cá kho săn chắc.
Lá cúc tần kho cá trắm, cá mè… là một món ăn ngon với hương vị lạ đối với nhiều người, món này được nhiều người ở nông thôn, làng quê ưa chuộng.
Ngoài ra, ngọn cúc tần cũng được dùng để xào tôm, xào các bộ phận "lục phủ ngũ tạng" của các loại vật nuôi như lợn, gà, vịt...
Ngọn non, lá non của cây cúc tần trần qua nước sôi, để ráo nước, vắt khô nước rồi trộn với ít lạc rang, hạt vừng rang thơm, nêm nếm gia vị, rau thơm là thành một món nộm ăn ngon, bổ dưỡng và tốt cho sức khỏe.
Cây cúc tần rất dễ trồng. Ở nông thôn, người ta chặt các cành bánh tẻ, xắt hết ngọn, lá rồi giâm xuống đất, thường xuyên tưới ẩm, khoảng 15 ngày là mầm cúc tần sẽ bật và phát triển thành cây.
Ở thành phố, nhiều gia đình cũng xin cành cây cúc tần từ quê ra trồng như trồng cây cảnh. Chậu cúc tần để ở ban công đón nắng, cây sẽ mọc nhiều ngọn, lá.
Ngọn non cây cúc tần, lá non của cây cúc tần dùng làm rau, ăn tốt cho sức khỏe, nhất là những người bị bệnh đường tiêu hóa (dân gian hay gọi là bụng yếu) ăn rau cúc tần tốt.
CÔNG DỤNG CỦA CÂY CÚC TẦN, RAU CÚC TẦN
Theo Y học cổ truyền, cây cúc tần mang tính mát, thơm nhẹ, vị có chút cay và đắng. Cây cúc tần đóng vai trò lớn trong các bài thuốc chữa các vấn đề về bệnh tiêu hóa, xương khớp, thận, hô hấp,...
Theo đó, tất cả là vì cúc tần mang những công dụng như tán phong hàn, uất hỏa, tiêu độc, tiêu đờm, lợi tiểu, hoạt huyết, kháng viêm, hạ áp, bồi bổ cơ thể, kích thích hệ tiêu hoá,...
Còn trong Y học hiện đại, bên trong cúc tần có thành phần chính tinh dầu và acid chlorogenic. Bên cạnh đó còn có vitamin C, canxi , sắt, protid,… Loại dược liệu có có thể giúp hạ sốt, trị ho, cảm mạo, cải thiện bệnh xương khớp, đường tiết niệu, thúc đẩy hoạt động của hệ tiêu hóa, giảm căng thẳng,...