Dân Việt

Bạo lực học đường - nhìn từ hệ thống giáo dục

Thái Hạo 02/12/2023 08:56 GMT+7
Chúng ta sẽ không thể ngăn chặn hay giảm bớt nạn bạo lực học đường chừng nào hệ thống giáo dục còn vận hành trên một thước đo và giá trị gần như đơn nhất là thành tích học tập.


Bạo lực học đường ở Việt Nam từ nhiều năm nay đã trở thành một vấn nạn nghiệm trọng, việc mô tả hay dẫn chứng có lẽ không còn cần thiết nữa khi chỉ cần gõ cụm từ này vào Google, chỉ trong 0,28 giây đã cho ra khoảng 23.900.000 kết quả (gần 24 triệu). Một con số kinh hoàng. Mới đây nhất một nam sinh lớp 8 bị nhóm bạn cầm tay và chân, nâng lên, và nhiều lần thúc mạnh vùng háng vào cột cờ làm dập bộ phận sinh dục, một lần nữa lại gióng lên hồi chuông báo động khẩn thiết về tính chất dã man của loại tệ nạn này trong nhà trường.

Như chúng ta đã biết, bạo lực học đường có tính chất và hình thức ngày càng phức tạp, nguy hiểm, như: bạo lực thể chất, bạo lực tinh thần, bạo lực tình dục, bạo lực trên mạng xã hội... Tình trạng này gây ra rất nhiều những hậu quả tai hại về cả thể chất, tâm lý, xã hội, học tập; nghiêm trọng là dẫn đến cả những trạng thái tâm thần hoặc hành vi tự tử thương tâm ở người bị bạo hành.

Việc bàn bạc, cảnh báo và biện pháp đã được nói đến nhiều, tuy nhiên, như nhiều thống kê và sự phơi bày trên truyền thông thì nạn bạo lực này dường như không những không có chiều hướng giảm xuống mà ngược lại, ngày càng gia tăng và biến tướng khó lường. Bài viết này không muốn lặp lại những thông tin và lý giải vốn đã tràn ngập trên báo chí, cũng không có tham vọng trình bày một giải pháp tổng thể, ở đây tôi sẽ chỉ tập trung chủ yếu vào cấu trúc và kết quả của chương trình giáo dục như một trong những nguyên nhân quan trọng đã dẫn đến cái “giáo nạn” này.

Giáo dục của ta tuy đã có nhiều thay đổi theo chiều hướng cởi mở và tiến bộ hơn (ít nhất là quan sát từ chương trình giáo dục), tuy nhiên thực tế giảng dạy và thi cử thì chưa có chuyển biến cơ bản để tạo ra một khuôn mặt mới: vẫn là giáo dục khoa cử nặng về thi thố, điểm số và bằng cấp. Học để thi, và thi để lấy điểm, khi đó thành tích vẫn là mục đích cao nhất của nền giáo dục, chứ không phải sự phát triển toàn diện của con người như nó mong muốn hướng tới. Những con số sau mỗi bài kiểm tra hay sau các kỳ thi sẽ được phóng đại lên, che lấp cả người học; người học vô hình trung trở thành công cụ cho thành tích, bị biến thành một thứ phương tiện cho điểm số.

Điều này cũng có nghĩa là học sinh đang bị bỏ quên tư cách là những Con Người của họ với sự giàu có, phong phú cả trong tính tình, động cơ, thiên hướng, sở thích..., để chỉ còn hội tụ lại trên một thước đo gần như duy nhất: điểm số. Và nó cũng có nghĩa là đang từ chối, phủ nhận các giá trị nhiều mặt trong đời sống thể chất, xã hội và tinh thần của học sinh, tức là (vô tình?) phủ nhận cá tính, phủ nhận cái tôi, phủ nhận các phương thức thể hiện và khẳng định bản thân của người học – vốn là một nhu cầu tự nhiên thuộc về bản thể bất biến của con người.

Một khi học sinh (hay con người nói chung) bị lấy mất những cơ hội thể hiện bản thân để chỉ chừa lại cho nó duy nhất một thứ là thước đo điểm số, chính lúc này, cái bản năng của nhu cầu chứng tỏ/ nhu cầu khẳng định bản thân sẽ phải hành động theo cách khác. Và thường là cách tiêu cực, trong đó có bạo lực đối với người khác.

Một học sinh giỏi các hoạt động thể dục - thể thao nếu được thừa nhận và tôn vinh, em ấy sẽ không cần phải chứng tỏ mình trước bạn bè bằng những cách khác nữa như phô trương sức mạnh và uy thế trong việc bắt nạt người khác. Cũng thế, với những em vẽ đẹp/ hát hay/ múa giỏi/ biết nấu ăn ngon/ biết chăm sóc động vật và cây cối, v.v., mà được hệ thống giáo dục thừa nhận, tôn trọng và tôn vinh như những giá trị đích thực và cần nâng niu, nuôi dưỡng thì các em sẽ không cần và không muốn chứng tỏ mình theo những cách tiêu cực nữa.

Một hệ thống giáo dục biết tạo điều kiện và trao cơ hội cho mọi học sinh được phát triển theo thiên hướng và sở thích của tất cả các em, nền giáo dục ấy không những không phải gồng lên để chống lại nạn bạo lực học đường một cách vô vọng như hiện nay, mà còn hơn thế, chỉ lúc đó nó mới đang đi đúng đường và thực hiện đúng giá trị mà nó đã đề ra: phát triển con người.

Chống bệnh thành tích, hạ thấp vị trí của điểm số, đề cao giá trị nhiều mặt của việc học và người học, tôn trọng sở thích, đam mê phong phú của học sinh... để các em được khẳng định bản thân và xây dựng con người cũng như cuộc đời mình theo tố chất và mong muốn chính đáng của cá nhân, lúc đó chúng ta sẽ có một môi trường học đường năng động, lành mạnh và “trăm hoa đua nở”. Trong một vườn hoa chỉ có duy nhất một loài và một màu thì không thể bằng một khu vườn với kỳ hoa dị thảo đua nhau khoe sắc và tỏ hương. Không những thế, khu vườn ấy còn tạo thành một “hệ sinh thái” tự nhiên biết tự cân bằng và cân bằng cho nhau để cùng phát triển.

Muốn làm được như thế, bên cạnh việc thay đổi nội dung, phương pháp trong dạy học và kiểm tra đánh giá thì cần tạo ra đa dạng các mô hình, các hình thức hoạt động từ câu lạc bộ đủ loại đến việc xây dựng một hệ giá trị nhằm hướng đến tôn vinh nhiều giá trị bên cạnh điểm số, như sở thích, năng khiếu và sự độc đáo của cá nhân.

Chúng ta sẽ không thể ngăn chặn hay giảm bớt nạn bạo lực học đường chừng nào hệ thống giáo dục còn vận hành trên một thước đo và giá trị gần như đơn nhất là thành tích học tập. Chỉ có sự khai phóng để con người được phát triển một cách giàu có và hài hòa, giúp giải phóng năng lượng và trao cơ hội xây dựng cá nhân cho người học để họ trở thành và được là các nhân vị độc đáo trong xã hội, khi ấy nạn bạo lực như một hiện tượng xã hội nhức nhối hiện nay sẽ tự khắc lui sụt và dần biến mất.

Cũng xin nói thêm, tuy không phủ nhận, nhưng nếu chỉ áp dụng các biện pháp pháp lý hay rao giảng đạo đức một cách giáo điều như đang làm, thì cùng lắm chỉ giúp ức chế tạm thời căn bệnh bạo lực này chứ không thể trị tận gốc khi học sinh vẫn chưa có cơ hội được phát triển bản thân một cách lành mạnh như sự đòi hỏi tự nhiên và mạnh mẽ trong bản thể của các em. Và để làm được điều căn bản nhưng hệ trọng ấy, điều tiên quyết là hệ thống giáo dục phải tự nhận thức được rằng việc quy giản mục tiêu của giáo dục vào điểm số/ thành tích và lấy nó làm thước đo gần như duy nhất để đánh giá con người như đang thực hiện hiện nay cũng chính là một hình thức bạo lực tinh thần có tính chất như một nguyên nhân gốc rễ sẽ làm phát sinh những loại bạo lực ngày càng phức tạp và tai hại không gì có thể ngăn cản được trong học đường.