Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London điều chỉnh giảm. Kỳ hạn giao tháng 1 giảm 39 USD, xuống 2.572 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 3 giảm 18 USD, còn 2.528 USD/tấn, các mức giảm rất đáng kể. Khối lượng giao dịch duy trì rất cao trên mức trung bình.
Trái lại, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York có xu hướng hỗn hợp. Kỳ hạn giao tháng 3 giảm 0,35 cent, xuống 184,35 cent/lb, trong khi kỳ hạn giao tháng 5 tăng thêm 0,95 cent, lên 181,70 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 7 tăng thêm 1,40 cent, lên 182,10 cent/lb, các mức tăng rất đáng kể. Khối lượng giao dịch duy trì rất cao trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên hôm nay dao động trong khoảng 57.700 - 58.500 đồng/kg. Giá cà phê tuần qua nhìn chung tăng. So với đầu tuần, các tỉnh thành đã ghi nhận mức tăng tổng cộng 1.200 - 1.600 đồng/kg. Trong đó, tỉnh Lâm Đồng có mức giá thấp nhất là 58.900 đồng/kg - tăng 1.200 đồng/kg. Kế đến là tỉnh Gia Lai và tỉnh Kon Tum với 59.700 đồng/kg - tăng 1.500 đồng/kg. Tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông có giá 59.900 đồng/kg, tương ứng tăng 1.400 đồng/kg và 1.600 đồng/kg.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết, ước tính xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 11/2023 đạt 80 nghìn tấn, trị giá 252 triệu USD, tăng 83,0% về lượng và tăng 59,9% về trị giá so với tháng 10/2023, so với tháng 11/2022 giảm 37,9% về lượng và giảm 17,5% về trị giá.
Tính chung 11 tháng năm 2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước đạt xấp xỉ 1,38 triệu tấn, trị giá 3,54 tỷ USD, giảm 12,9% về lượng và giảm 2,5% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Ước tính, tháng 11/2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt mức 3.148 USD/tấn, giảm 12,6% so với tháng 11/2023, nhưng tăng 32,8% so với tháng 11/2022.
Lũy kế 11 tháng năm 2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ước đạt mức 2.570 USD/tấn, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong khi xuất khẩu cà phê Robusta và Arabica giảm so với cùng kỳ năm 2022, nhưng xuất khẩu cà phê Excelsa và chế biến tăng.
Đáng chú ý, xuất khẩu cà phê Robusta của Việt Nam sang hầu hết các thị trường truyền thống giảm, nhưng xuất khẩu sang Mexico, Hà Lan, Indonesia… tăng mạnh.
Với cà phê Arabica, hiện Việt Nam chủ yếu xuất khẩu cà phê Arabica sang các thị trường Bỉ, Hoa Kỳ, Đức, Hà Lan, Nhật Bản, Thái Lan…
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đức Dũng, Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết, hiện nhiều tổ chức đã dự báo nguồn cà phê toàn cầu sẽ thặng dư 3,38 triệu bao trong niên vụ 2024/25. Điều này sẽ còn khiến giá cà phê biến động mạnh.
Cụ thể: Hiệp hội Các nhà Xuất khẩu Cecafe cho biết, xuất khẩu cà phê của Brazil trong tháng 10/2023 đạt 4,08 triệu bao (loại 60kg), tăng 24,5% so với một năm trước đó, do cả hai loại cà phê Arabica và Robusta đều ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ. Brazil là nước sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới.
Trong đó, xuất khẩu cà phê Arabica tăng 8% đạt 3,42 triệu bao; cà phê Robusta tăng mạnh 479,5% đạt 662.051 bao, cao hơn nhiều so với niên vụ trước, do các nhà sản lớn như Indonesia và Việt Nam báo cáo sản lượng thấp hơn.
Doanh số bán cà phê của nông dân Brazil đã tăng trong nửa đầu tháng 11/2023 khi giá tăng, nhưng vẫn thấp hơn so với mức cùng kỳ năm ngoái và mức trung bình dài hạn trong giai đoạn này.
Các nhà sản xuất Brazil đã bán được 64% sản lượng vụ mùa 2023/24 của họ tính đến ngày 13/11/2023, tăng 8 điểm phần trăm so với tháng trước đó nhưng thấp hơn một chút so với mức 65% được bán vào thời điểm này của năm 2022 và mức trung bình 5 năm là 66%.
Trong một báo cáo, nhà môi giới và nhà phân tích hEDGEpoint Global Markets cho biết, sản lượng cà phê ở Brazil dự kiến sẽ đạt mức cao nhất lịch sử ở 74,24 triệu bao (loại 60kg) trong niên vụ 2024/25, vượt qua mức kỷ lục trước đó được công bố trong niên vụ 2020/21.
Đây là dự báo đầu tiên trên thị trường cho mùa vụ cà phê năm tới, với sản lượng Arabica dự kiến đạt 48,31 triệu bao, tăng so với dự báo trước đó là 47,63 triệu bao; sản lượng Robusta dự kiến đạt 25,93 triệu bao tăng so với mức 23,28 triệu bao dự báo trước đó.
Hầu hết các nhà phân tích đều mong đợi sản lượng cà phê lớn hơn trong vụ tới 2024/25, nhưng không phải tất cả dự đoán đều cho rằng sản lượng có thể đạt mức kỷ lục, vượt qua mùa vụ 2020/21.
Sản lượng cà phê Robusta ở Brazil sẽ tăng mạnh nhờ sự phát triển tốt tại các cánh đồng cà phê ở bang Espirito Santo, bất chấp đợt khô hạn gần đây. Nhiệt độ cực cao gần đây chỉ ảnh hưởng đến sản xuất cà phê Arabica.
Với việc điều chỉnh vụ mùa Brazil, người ta đang kỳ vọng cán cân cung cầu cà phê toàn cầu sẽ thặng dư 3,38 triệu bao trong niên vụ 2024/25, so với mức thâm hụt 1,5 triệu bao trong niên vụ 2023/24.
Honduras là nước trồng cà phê hàng đầu ở Trung Mỹ và là nước xuất khẩu lớn thứ năm trên toàn cầu.
Theo Viện cà phê quốc gia Honduras (IHCAFE), các nhà xuất khẩu cà phê nước này đã xuất đi 5,34 triệu bao trong niên vụ 2022/23 vừa kết thúc, thấp hơn so với mức 5,5 triệu bao ước tính trước đó.
Theo Cơ quan Dịch vụ Nông nghiệp Nước ngoài (FAS) của Bộ Nông nghiệp Mỹ, hơn 100.000 hộ gia đình Honduras tham gia kinh doanh cà phê, đóng góp khoảng 5% sản lượng kinh tế của đất nước.
Dữ liệu sơ bộ của Viện cà phê quốc gia Costa Rica (ICAFE) cho thấy, xuất khẩu cà phê của nước này trong tháng 10/2023 tăng vọt gần 120% so với cùng tháng năm ngoái đạt gần 19.200 bao (loại 60kg).
Là một trong những nước trồng cà phê nhỏ ở Trung Mỹ, Costa Rica nổi tiếng với hạt cà phê Arabica chất lượng cao. ICAFE không đưa ra bình luận về sự gia tăng xuất khẩu đột biến trong tháng 10, đợt thu hoạch đầu tiên của vụ 2023/24, thường có lượng xuất khẩu thấp.
ICAFE ước tính vụ thu hoạch 2023/24 của Costa Rica sẽ đạt sản lượng 1.465 triệu bao, giảm 0,2% so với niên vụ trước.
Vụ mùa cà phê ở Trung Mỹ và Mexico thường kéo dài từ tháng 10 năm trước đến tháng 9 năm sau.