Lễ cấp sắc, hay còn gọi là lễ Tủ cải của người Dao đầu bằng ở xã Hồ Thầu thường được tổ chức vào những tháng cuối năm.
Trò chuyện với Dân Việt, ông Tẩn A Tải ở xã Hồ Thầu cho biết: "Lễ cấp sắc là một nghi lễ quan trọng trong cuộc đời người đàn ông. Người Dao chúng tôi quan niệm, chỉ khi được "sắc phong", người con trai mới được coi là người trưởng thành, có thể tham gia gánh vác công việc gia đình, cộng đồng, khi chết, hồn mới được đoàn tụ với tổ tiên. Bất kỳ người con trai dân tộc Dao đầu bằng nào cũng đều phải trải qua lễ cấp sắc".
Theo ông Tải, mở đầu nghi lễ tủ cải có 3 thầy cúng chính, đại diện cho phái tam nguyên được mời đến làm lễ. Các thầy cúng đều có pháp thuật cao tay, được cộng đồng người Dao kính trọng. 3 thầy cúng lần lượt tiến hành khai trống, khai chiêng dao hưởng khí âm dương và thực hiện các điệu nhảy theo nghi thức tủ cải mà các cụ đã truyền dạy lại, với ý nghĩa thiêng liêng. Tiếng trống, tiếng chiêng vang vọng đến các vị thần linh, đến tận trời xanh để các vị thần linh phù hộ trong thời gian diễn ra lễ tủ cải thuận buồm, xuôi gió và an lành.
Lễ vật để làm lễ cấp sắc gồm có: Bát hương, gạo, trứng, gà, rượu, lá cờ, tấu sớ, quyển kinh, nến và con dao làm lý. Số lượng lễ vật không ấn định, gia đình nào có điều kiện thì dâng nhiều lễ vật.
Thầy cúng tam thanh thực hiện nghi thức cúng bái, lấy gạo, rót rượu và khấn: "Hỡi tổ nghề, tổ nghiệp. Hôm nay, ngày lành tháng tốt, gia đình gia chủ mời các ngài về đây cùng ngự bên đàn lễ. Làm lễ cấp sắc cho con trai…".
Sau đó ba thầy cúng cùng nhau soi đèn, đọc kinh đi ba vòng trước bàn thờ gia tiên với ngụ ý là cầu mong: "Hôm nay ở gia đình gia chủ, chúng con chọn được ngày lành tháng tốt để làm lễ cho con trai trong gia đình gia chủ. Cầu mong các thầy ở bốn phương Đông Tây Nam Bắc phù hộ cho người thụ lễ mạnh khỏe. Mời các ông tổ nghề chứng giám cho nghi lễ này".
Tiếp theo, thầy cúng lấy dải vải đỏ ra nối giữa thầy cúng và người thụ lễ, tượng trưng cho dây rốn giữa mẹ và thai nhi. Người thụ lễ từ nhà ra đến ngụ đài được che 1 chiếc ô màu đen, không cho ánh nắng mặt trời chiếu vào với ngụ ý đứa trẻ chưa chào đời.
Sau đó, đoàn thầy cúng và người thụ lễ di chuyển 3 vòng trước đàn lễ, với ý nghĩa: "Mời các ông tổ nghề và các vị thần linh cùng những người đi làm lễ đến ngụ đài để chứng giám, phù hộ cho nghi lễ cấp sắc được diễn ra thành công tốt đẹp".
"Theo quan niệm của dân tộc Dao đầu bằng, quãng đường đến ngụ đài luôn ẩn chứa những khó khăn nguy hiểm. Các thiên binh, thiên tướng lấy dao chặn đường các thầy, các thầy muốn đi qua phải nộp lệ phí cho các thiên binh, thiên tướng, lúc đó các thiên binh, tiên tướng mới khai quang thông đường đến ngụ đài cho các thầy", ông Tải cho hay.
Khi đến ngụ đài, đoàn sẽ thực hiện nghi lễ đi ba vòng ngược chiều kim đồng hồ. Ba thầy vừa đi vừa đọc kinh, với ý nghĩa giải trừ cái xấu, cái ác.
Tiếp đến, thầy cúng tam nguyên lấy cành cây xanh quét các bậc cầu thang và trên mặt ngụ đài. Thầy cầm chuông múa trên ngụ đài với ngụ ý là gạt bỏ cái xấu, cái bẩn, cái ô uế, cái ác để không làm hại đến các thầy và người thụ lễ.
Theo ông Tải, trước khi người thụ lễ lên ngụ đài, thầy cúng tam thanh dùng con dấu đặt vào các vị trí trên cơ thể người thụ lễ, tượng trưng cho quá trình hoàn thiện của thai nhi đã hoàn tất. Sau đó, thầy cúng dẫn người thụ lễ bước qua 5 bậc cầu thang lên đài và dùng lệnh bài đánh dấu ở năm vị trí trên mặt ngụ đài theo lời dẫn để xác định mốc giới Đông, Tây, Nam, Bắc cho quá trình rơi đài với ý nghĩa: "Cầu mong các tổ nghể bảo vệ cho ngụ đài luôn vững chắc để người thụ lễ thực hiện nghi thức rơi đài thành công".
Phía dưới ngụ đài căng chiếc võng bằng dây và trải ba chiếc chăn lên trên chiếc võng đó. Khi nghe thấy tiếng hô của thầy cúng, người thụ lễ từ từ nhấc tay và ngửa về phía sau, rồi rơi một cách tự nhiên xuống võng. Sau đó, thầy cúng cắt sợi dây võng và mở chăn tượng trưng cho quá trình sinh nở đã hoàn thành. Lúc này, thầy cúng bón bánh, sữa cho người thụ lễ, tượng trưng cho giọt sữa đầu đời của mẹ nuôi con.
"Lễ cấp sắc thành công, người con trai trải qua thử thách đã chính thức trở thành người đàn ông, có thể gánh vác công to, việc lớn trong gia đình và cộng đồng. Đó là niềm vui, vinh dự và tự hào to lớn của bản thân người làm lễ, gia đình và cả cộng đồng" – ông Tải thông tin.
Cũng theo ông Tải, lễ tủ cải đối với người Dao đầu bằng, ở xã Hồ Thầu, không chỉ là nghi lễ quan trọng trong đời sống tâm linh, mà còn chứa đựng bản sắc văn hóa của dân tộc. Lễ tủ cải còn mang ý nghĩa giáo dục về truyền thống, giúp con người nhận thức đúng đắn về nhân cách, đạo đức, trách nhiệm đối với gia đình và xã hội.