Tại Hội nghị COP26 vào tháng 11/2021, Việt Nam cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Trong quãng thời gian 2 năm từ COP26 đến COP28 diễn ra tại Dubai tháng 11/2023, Việt Nam đã lên kế hoạch để thực hiện các cam kết và một trong những nhiệm vụ quan trọng là huy động nguồn lực tài chính cho quá trình chuyển đổi.
Báo cáo quốc gia về khí hậu và phát triển cho Việt Nam được Ngân hàng Thế giới ước tính, Việt Nam cần đầu tư thêm khoảng 368 tỷ USD đến năm 2040, tương đương 6,8% GDP/năm để thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, đầu tư vào khả năng phục hồi khoảng 254 tỷ USD và 114 tỷ USD cho hành trình khử carbon theo cam kết với cộng đồng quốc tế. Điều này đòi hỏi Việt Nam sẽ cần khoản đầu tư khổng lồ trong gần 30 năm tới.
Phát biểu khai mạc Hội thảo "Dẫn nguồn vốn lớn cho tín dụng xanh" do Báo đầu tư tổ chức sáng nay (4/12), Tổng Biên tập Báo đầu tư Lê Trọng Minh cho biết, với một quốc gia đang phát triển, đang trong quá trình chuyển đổi, có thu nhập trung bình thấp, việc huy động nguồn lực lớn như vậy là một bài toán không đơn giản. Trong bối cảnh đó, tài chính xanh là một trong những lời giải, và tín dụng xanh là một chìa khóa.
"Một nguồn lực lớn vẫn đang chực chờ không chỉ tại các ngân hàng trong nước mà còn từ các đối tác bên ngoài hiện cũng đang tỏ rõ sự quan tâm cao đối với các cơ hội mở ra từ quá trình xanh hóa tại Việt Nam", ông Minh cho hay.
Tham luận tại hội thảo, ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cũng thừa nhận, nhu cầu với nguồn vốn tín dụng xanh của Việt Nam là rất rõ ràng, nhưng mức cầu này cũng phụ thuộc vào độ hấp dẫn của tín dụng xanh.
Ông Hùng lưu ý, là một quốc gia đang phát triển với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, nhu cầu sử dụng năng lượng ngày càng tăng, đồng thời phải đối mặt với những áp lực lớn từ thiên tai, ô nhiễm môi trường (không khí, nguồn nước) và biến đổi khí hậu, Việt Nam cần lượng vốn lớn đầu tư vào các lĩnh vực xanh, như: năng lượng tái tạo, chuyển đổi năng lượng, xử lý chất thải… Ước tính gần đây của IFC cho rằng đầu tư cho các hoạt động liên quan đến biến đổi khí hậu ở Việt Nam có thể lên tới 757 tỷ USD vào năm 2030. Trong đó, nguồn vốn tín dụng xanh từ các tổ chức quốc tế đóng vai trò tạo đà cho phát triển thị trường.
Ông Nguyễn Tùng Anh, Trưởng phòng Nghiên cứu Kinh tế & Tín dụng Trưởng bộ phận Dịch vụ Tài chính Bền vững, Finn Group thì nhận định, thực tế Việt Nam vẫn chưa thể so sánh với thị trường quốc tế, khi sự hình thành và phát triển của thị trường tài chính xanh đang ở giai đoạn phát triển rất sơ khai, nhưng cũng ẩn chứa rất nhiều tiềm năng.
Các sản phẩm tài chính xanh tại Việt Nam vẫn còn mới và chưa thực sự tạo được một làn sóng mới đóng góp đáng kể cho quá trình chuyển đổi và phát triển xanh của nền kinh tế. Bên cạnh một số trái phiếu doanh nghiệp xanh phát hành bằng nội tệ và ngoại tệ, vẫn còn vắng bóng trái phiếu doanh nghiệp phi tài chính bằng nội tệ trong khi đây lại là một cấu phần quan trọng trong sản xuất kinh doanh, nếu thực sự khơi thông, khai mở sẽ giúp doanh nghiệp đa dạng hóa nguồn lực cho doanh nghiệp thực hiện các dự án vừa tạo lợi ích cho doanh nghiệp, vừa góp phần chống biến đổi khí hậu và giảm khí thải nhà kính.
Bên cạnh đó, trong thời gian tới Việt Nam cũng cần tập trung phát triển đa dạng các loại hình sản phẩm khác như trái phiếu chính phủ xanh, chứng chỉ quỹ đầu tư xanh, chứng chỉ carbon...
"Nhìn chung, Việt Nam cần có nhiều nỗ lực và biện pháp đồng bộ để thúc đẩy thị trường tài chính xanh phát triển nhanh và bền vững hơn, tiệm cận với trình độ quốc tế", ông Nguyễn Tùng Anh nói.
Còn theo chia sẻ của bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước: Giai đoạn 2017-2022, dư nợ cấp tín dụng của hệ thống đối với các lĩnh vực xanh có mức tăng trưởng dư nợ bình quân đạt hơn 23%/năm.
Đến 30/9/2023, dư nợ cấp tín dụng xanh đạt hơn 564 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,4% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Trong số 12 lĩnh vực xanh Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn các tổ chức tín dụng cho vay, dư nợ tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm gần 45%) và nông nghiệp xanh (hơn 30%). Các tổ chức tín dụng đã tăng cường đánh giá rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng với dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt gần hơn 2,67 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 21%/tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy tín dụng xanh hiện nay còn gặp một số khó khăn.
Thứ nhất, chưa có quy định chung của Quốc gia về tiêu chí, danh mục dự án xanh cho các ngành/lĩnh vực theo hệ thống phân ngành kinh tế, làm căn cứ để các TCTD xác định cấp tín dụng xanh. Đây cũng là lý do các TCTD chưa có căn cứ để thống kê đầy đủ nguồn lực ngân hàng đầu tư cho lĩnh vực xanh (hiện số liệu dư nợ cấp tín dụng xanh ghi nhận từ phía các TCTD chiếm tỷ trọng 4,4% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế).
Hai là, việc cấp tín dụng xanh đòi hỏi yếu tố kỹ thuật về môi trường chuyên sâu sẽ là khó khăn cho cán bộ tín dụng trong việc thẩm định, đánh giá hiệu quả của dự án, khả năng trả nợ của khách hàng (nhất là lĩnh vực năng lượng tái tạo thời gian thực hiện chưa dài, hiệu quả phụ thuộc nhiều vào thỏa thuận mua bán điện), khó khăn trong việc giám sát và quản lý rủi ro khi thực hiện cấp tín dụng do còn thiếu cơ sở pháp lý, tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá công cụ đo lường tác động đến môi trường;
Ba là, việc đầu tư vào các ngành/lĩnh vực xanh, nhất là lĩnh vực năng lượng tái tạo, công trình xanh thường đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, trong khi nguồn vốn cho vay của các TCTD thường là vốn huy động ngắn hạn, khó khăn cho các TCTD trong việc cân đối vốn và đảm bảo tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn theo quy định;
Bốn là, hạn chế trong ý thức bảo vệ môi trường của người dân, doanh nghiệp dẫn đến bị xử phạt vi phạm pháp luật về môi trường ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án, tiềm ẩn rủi ro thu hồi nợ cho các TCTD;
Năm là, các kênh huy động vốn dài hạn cho dự án xanh chưa thực sự phát triển như thị trường trái phiếu xanh, gây áp lực vốn dài hạn cho hệ thống ngân hàng.
Theo bà Tùng, để tín dụng xanh phát triển cần tiếp hoàn thiện hành lang pháp lý để: một là, có hướng dẫn về Danh mục xanh và tiêu chí xác định dự án xanh phù hợp với phân ngành kinh tế của Việt Nam làm cơ sở cho các TCTD có căn cứ thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh; hai là, xây dựng lộ trình thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ các ngành xanh (thuế, phí, vốn, kỹ thuật, thị trường, đến quy hoạch, chiến lược phát triển…) của từng ngành/lĩnh vực một cách đồng bộ nhằm thu hút và phát huy hiệu quả của nguồn vốn tín dụng xanh; ba là, nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển thị trường vốn, thị trường trái phiếu xanh, tạo kênh huy động vốn cho các chủ đầu tư có thêm nguồn lực triển khai các dự án xanh.