Dự án nghiên cứu khai thác, phát triển và bảo tồn nguồn gen kỳ tôm triển khai tại 3 điểm là TP. Phú Quốc, TP. Rạch Giá và huyện Gò Quao (Kiên Giang).
Thạc sĩ Ngô Văn Thống - Phó trưởng bộ môn khoa học vật nuôi Khoa Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trường Đại học Kiên Giang chủ nhiệm dự án nghiên cứu khai thác, phát triển, bảo tồn nguồn gen kỳ tôm trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Đây là dự án cấp tỉnh, thực hiện 36 tháng (từ ngày 22-12-2022 đến 22-12-2025). Tổng kinh phí thực hiện gần 810 triệu đồng, trong đó kinh phí sự nghiệp khoa học đầu tư hơn 708 triệu đồng.
Dự án nghiên cứu khai thác, phát triển và bảo tồn nguồn gen kỳ tôm nhằm góp phần duy trì đa dạng sinh học, đa dạng hóa sản phẩm vật nuôi, tạo nguồn vật liệu phục vụ nghiên cứu và góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Cận cảnh một con kỳ tôm tại điểm nuôi huyện Gò Quao (tỉnh Kiên Giang).
Dự án triển khai tại 3 điểm là TP. Phú Quốc, TP. Rạch Giá và huyện Gò Quao (Kiên Giang). Điểm nuôi kỳ tôm tại Phú Quốc đã cho sinh sản có nguồn bố mẹ 26 con bắt ngoài tự nhiên. Lượng kỳ tôm bố mẹ hiện đã hơn 100 con. Con giống tại Phú Quốc có khoảng 400 con.
Tại huyện Gò Quao, kỳ tôm đã tương đối thích nghi môi trường sống, nhưng tốc độ phát triển chưa bằng kỳ tôm nguyên vị tại TP. Phú Quốc. Tại huyện Gò Quao, người nuôi tự tạo nguồn thức ăn tại chỗ bằng cách nuôi dế nhằm đảm bảo nguồn cung cấp thức ăn liên tục cho kỳ tôm.
Kỹ thuật cải tiến nuôi kỳ tôm trong diện tích nhỏ nên dễ chăm sóc, ít bị dịch bệnh. Chi phí đầu tư không lớn, kỹ thuật đơn giản, nguồn giống chủ động.
Nền chuồng nuôi xếp gạch ống, bố trí khu vực đặt nước cho kỳ tôm tắm và uống. Người nuôi chỉ cần thay nước tắm và nước uống cho kỳ tôm 2 ngày/lần, cách 1 ngày cho kỳ tôm ăn 1 lần. Khi kỳ tôm đẻ chỉ để một khoảng đất, cát nhỏ để kỳ tôm đẻ tập trung, dễ thu gom trứng.
Thạc sĩ Ngô Văn Thống cho biết nuôi kỳ tôm thương phẩm có thể áp dụng rộng rãi vì dễ thực hiện, chi phí thấp, giá bán cao, thị trường tiêu thụ lớn.
Dự án có hai giai đoạn: Giai đoạn lưu giữ bảo tồn và giai đoạn khai thác, phát triển nguồn gen. Hiện trong giai đoạn triển khai mô hình sinh sản kỳ tôm trong điều kiện nuôi nhốt từ nguồn gen đang lưu trữ nhằm xây dựng và hoàn thiện quy trình kỹ thuật sinh sản kỳ tôm phù hợp điều kiện môi trường tại địa phương.
Sau khi dự án hoàn thành sẽ nhân rộng mô hình cho những người có nhu cầu nuôi. Mô hình nuôi kỳ tôm thương phẩm từ nguồn giống sinh sản của dự án tại TP. Phú Quốc, TP. Rạch Giá và huyện Gò Quao góp phần hạn chế việc săn bắt ngoài tự nhiên.
Kỳ tôm còn gọi là rồng đất, có tên khoa học là Physignathus cocincinus. Khi trưởng thành, kỳ tôm có chiều dài cơ thể đến 90cm. Con đực có đầu hình tam giác, lớn hơn con cái. Da kỳ tôm có màu thay đổi từ xanh lá cây, xanh đậm đến đen.
Kỳ tôm thương phẩm hiện có giá bán khoảng 900.000 đồng/kg. Do màu sắc da và gai trên lưng kỳ tôm rất đẹp có thể nuôi kiểng, làm thú cưng. Vì vậy, kỳ tôm có tiềm năng kinh tế cao.