Trong đơn thư khiếu nại, ông Luân cho biết, năm 2017, ông nhận chuyển nhượng hợp pháp thửa đất 155, tờ bản đồ số 32 phường Thạnh Mỹ Lợi từ Công ty TNHH MTV Đầu tư Long Hải Bảo do ông P.T.Đ làm Giám đốc với giá 7,7 tỷ đồng, thanh toán một lần bằng tiền mặt.
Ngày 14/11/2017, sau khi thanh toán đủ tiền chuyển nhượng, ông Luân đã được nhận bản chính Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất, vào sổ cấp GCN CI14847, do UBND TP.HCM cấp ngày 28/8/2012 cho Công Ty TNHH MTV Đầu tư Long Hải Bảo; bàn giao toàn bộ hiện trạng thực tế của thửa đất nêu trên (có biên bản bàn giao đất) cho ông Luân, đồng thời ký kết hợp đồng ủy quyền để ủy quyền cho ông Luân tiến hành các thủ tục pháp lý như giấy phép xây dựng, giấy hoàn công.
Sau đó, hai bên sẽ cùng hoàn tất thủ tục cập nhật sang tên cho ông Luân. Thời điểm bàn giao, thửa đất có hiện trạng đất trống, không có công trình xây dựng nào đang xây hay hoàn tất xây dựng
Do vừa thanh toán tiền mua đất, chưa đủ tài chính để xây nhà theo quy hoạch tổng thể của dự án, nên thời điểm này, ông Luân chưa thực hiện chuyển quyền sở hữu theo sổ hồng của thửa sang tên ông theo quy định.
Đến đầu tháng 9/2023, khi đi thăm đất, ông Luân bất ngờ khi thấy một công trình xây dựng kiên cố đang mọc lên tại đây. Bất ngờ hơn khi ông hỏi thăm thì biết chủ công trình xây dựng này cũng đưa ra được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất của thửa 155, tương tự như sổ hồng của ông.
Người chủ công trình đang xây này khẳng định, bà là người sở hữu hợp pháp thửa đất nói trên và đang thực hiện việc xây dựng, hoàn tất các thủ tục cần thiết để chuyển quyền sở hữu từ Công ty Long Hải Bảo sang tên mình. Người chủ này được nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất của thửa 155 năm 2021 sau khi hai bên ký kết hợp đồng chuyển nhượng và thanh toán tiền.
Qua tìm hiểu, Công ty Long Hải Bảo do ông P.T.Đ làm giám đốc đã trình cớ mất "Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số vào sổ cấp GCN CI14847, do UBND TP.HCM cấp ngày 28/8/2012" và được Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cấp lại sổ hồng mới vào ngày 5/10/2020, còn bản chính toàn bộ giấy tờ cũ vẫn đang do ông Luân quản lý, lưu giữ.
Ông Luân cho biết, khi liên hệ với các bên liên quan, ông được biết mảnh đất này đã được ông Đ bán cho một người khác từ năm 2010, nhưng khi đó, thửa đất 155 vẫn chưa được cấp giấy nên người mua không nhận được bất kỳ giấy tờ hợp pháp nào. Đến năm 2017, ông Đ thực hiện ký kết chuyển nhượng thửa đất trên và bàn giao toàn bộ giấy chủ quyền cho ông Luân.
Sau đó, người mua đầu tiên đã nhượng lại mảnh đất cho người khác vào năm 2020, lúc này ông Đ trình cớ mất sổ hồng để xin được cấp lại và giao cho người mua vào năm 2021 sau khi hai bên ký kết hợp đồng chuyển nhượng và thanh toán tiền. Sau khi nhận được sổ hồng mới, các bên thực hiện các thủ tục pháp lý và người chủ sau đã tiến hành xây dựng công trình trên mảnh đất này.
Trước những khuất tất xảy ra tại thửa đất 155, phóng viên Dân Việt đã liên hệ với ông Đ, Giám đốc Công ty Long Hải Bảo và chủ công trình đang xây trên thửa đất 155 nhưng đều không có phản hồi.
Được biết, sau nhiều lần liên hệ với đại diện Công ty Long Hải Bảo nhưng vấn đề vẫn không được giải quyết, ông Luân đã làm đơn gửi Cơ quan điều tra Công an TP.HCM, tố cáo ông P.T.Đ về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vụ việc hiện đang được bàn giao cho Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và chức vụ làm rõ.
Theo luật sư Nguyễn Ngọc Minh Châu, Đoàn luật sư TP.HCM, trong vụ việc này, người làm sổ hồng mới có dấu hiệu của một trong hai tội: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
"Rõ ràng, họ đã bán cho một người, giấy tờ đã bàn giao, vẫn còn những nghĩa vụ với người mua chưa hoàn thành, nhưng sau đó báo cớ mất để được cấp lại sổ mới để bán cho người thứ hai. Ngoài lỗi đầu tiên của người bán, cũng cần phải nói đến trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, ở đây là văn phòng quản lý đất đai cấp sổ hồng mới phải thẩm định, kiểm tra trước khi cấp", luật sư Châu nói.
Luật sư Châu cho biết, lỗ hổng lớn nhất ở đây chính là thửa đất này là đất dự án, theo đúng quy định, người mua phải xây nhà, hoàn công nhà theo thiết kế của chủ đầu tư mới được sang tên, công chứng. Vì là đất dự án không được công chứng nên tạo kẽ hở cho việc sang tên, chuyển nhượng nhiều lần mà người mua trước và người mua sau đều không biết.