Ngày 6/12, tại kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh Quảng Nam khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh, thời gian tới sẽ tăng cường quản lý chặt chẽ đất đai. Xử lý nghiêm các dự án chậm tiến độ, kinh doanh trái pháp luật, hoạt động gây ô nhiễm môi trường kéo dài...
Ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, năm 2023 đối với tình hình phát triển kinh tế của Quảng Nam gặp nhiều khó khăn, tốc độ tăng trưởng giảm so với năm 2022.
Tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2023 ước giảm 8,25%; nguyên nhân ngành công nghiệp của tỉnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng do tình hình thế giới biến động phức tạp, kinh tế phục hồi chậm, suy giảm nhu cầu tiêu dùng, khó khăn trong thị trường tiêu thụ, nhất là ô tô.
Quy mô nền kinh tế (giá hiện hành) 112,5 nghìn tỷ đồng; cơ cấu kinh tế khu vực nông nghiệp 14,8%; công nghiệp và xây dựng 29,8%; trong đó, công nghiệp chiếm 24%; dịch vụ 35,5%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp 19,8%. GRDP bình quân đầu người năm 2023 khoảng 74 triệu đồng. Thu nhập bình quân đầu người đạt 48,2 triệu đồng/người/năm, tăng gần 5%.
Ước tính cả năm 2023, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) giảm 24% so với năm 2022; trong đó IIP ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (-24,9%), riêng IIP sản xuất xe có động cơ (-35,2%). Sản lượng sản xuất ô tô các loại năm 2023 ước đạt hơn 68 nghìn chiếc (-45%; -55,4 nghìn chiếc); sản lượng ô tô tiêu thụ các loại cả năm 2023 ước đạt 75,4 nghìn chiếc (-36%; -43,3 nghìn chiếc)…
"Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu; công tác hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án khởi công mới còn chậm.
Thực hiện các chương trình MTQG và phục hồi, phát triển kinh tế gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Việc xử lý các tồn đọng, vướng mắc liên quan đến các dự án nhà ở thương mại, dịch vụ, khu dân cư, khu đô thị,… còn kéo dài.
Bên cạnh đó, công tác quản lý quy hoạch được duyệt, quản lý đất đai, quản lý hiện trạng tại một số địa phương còn hạn chế.
Xảy ra một số hạn chế, khuyết điểm liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19, quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng, đầu tư, giá đất, khoáng sản,... mà các Đoàn Kiểm tra, Thanh tra đã chỉ ra", ông Thanh nhấn mạnh.
Cũng theo ông Lê Trí Thanh, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành thu, chi ngân sách đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới, thời gian tới cần đảm bảo các nguồn thu đạt và vượt chỉ tiêu được giao.
Sẵn sàng ứng phó với các tình huống bất lợi về hoạt động sản xuất kinh doanh ảnh hưởng đến nguồn thu trong năm 2024.
Bên cạnh đó, cần triển khai thực hiện có hiệu quả quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được phê duyệt; đẩy nhanh tiến độ phê duyệt và thực hiện các quy hoạch.
Tổ chức công bố và ban hành kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; rà soát, điều chỉnh, bổ sung và xây dựng mới quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện, quy hoạch chung các đô thị; quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và các quy hoạch, đề án khác theo quy định của pháp luật về quy hoạch theo hướng đồng bộ, phù hợp với thực tiễn...
"Ngoài ra, tăng cường quản lý chặt chẽ đất đai. Xử lý nghiêm các dự án chậm tiến độ, kinh doanh trái pháp luật, hoạt động gây ô nhiễm môi trường kéo dài. Quản lý tốt tài nguyên, khoáng sản; vấn đề môi trường ở các khu, cụm công nghiệp. Chú trọng công tác xử lý chất thải nguy hại, chất thải y tế; giải quyết tốt vấn đề nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.
Đảm bảo công tác quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; giữ vững chủ quyền biên giới đất liền, biển đảo quốc gia; đấu tranh phòng, chống tội phạm. Có giải pháp khắc phục kịp thời các hạn chế, khuyết điểm do các Đoàn Thanh tra, Kiểm tra, Kiểm toán đã chỉ ra…", ông Thanh cho biết.