Shin Saimdang tên hồi nhỏ là In-seon, sinh năm 1504 tại Gangneung, tỉnh Gangwon. Bà là con gái thứ 2 trong số 5 người con gái của gia đình.
Từ nhỏ Shin Saimdang đã có ngoại hình thanh tú, sáng sủa và có tài năng nổi trội nên được nhiều người yêu mến. Trong số đó, bà ngoại của Shin là người đã dành cho Shin Saimdang những tình cảm yêu thương đặc biệt.
Ở Hàn Quốc, văn hóa gia đình theo chế độ phụ hệ chỉ ăn sâu bám rễ vào xã hội từ sau thế kỷ XVII, còn giai đoạn giữa thời Joseon, nhiều gia đình lấy phụ nữ làm trọng tâm, con gái có thể sống cùng và phụng dưỡng cha mẹ đẻ của mình.
Shin Saimdang sinh ra và lớn lên trong một gia đình coi trọng mẫu hệ như vậy. Nhờ bà ngoại thường xuyên mua sắm giấy bút và động viên, hậu thuẫn tích cực, từ khi 7 tuổi bà đã bắt đầu tự học vẽ tranh. Sự giúp đỡ hết lòng của bà ngoại đã giúp Shin Saimdang thể hiện được tài năng trời phú, những đường nét tinh tế và sắc màu phong phú qua các bức tranh như vẽ cành nho, cây mai, hoa lan…
Tranh của Shin Saimdang nổi tiếng là tinh tế và sống động, tới mức có chuyện kể lại rằng, một ngày, bà vẽ tranh châu chấu đậu trên cành hoa và tặng cho một người họ hàng. Khi người này trải tranh ra, bức tranh trông thực đến mức gà ngoài sân cũng tưởng là châu chấu mà lao vào mổ. Các học giả cùng thời với Shin Saimdang, ai cũng tán tụng, so sánh tài của bà với An Gyeon, một họa sĩ lớn của Joseon giai đoạn trước.
Shin Saimdang còn được biết đến là người giỏi về thơ văn, từ nhỏ đã ham đọc kinh thư Nho giáo và văn chương của các bậc thánh hiền, đồng thời còn có tài thêu thùa vượt bậc nên được coi là nữ nghệ sĩ tiêu biểu của giai đoạn trung kỳ thời Joseon.
Năm 1522, Shin Saimdang kết hôn khi bước sang tuổi 19. Chồng bà là Yi Won-su, một quan văn. Do gia đình bà không có con trai nên sau khi kết hôn, được sự đồng ý của gia đình chồng, Shin Saimdang thường xuyên về sống ở nhà cha mẹ đẻ.
Bà sinh được 4 người con trai, 3 người con gái và sinh sống hòa thuận ở cả 2 bên nội ngoại như vậy khiến mọi người kính trọng, gọi bà là "Vị phu nhân đức hạnh họ Shin". Lúc này, bà dồn hết tâm sức vào việc giáo dục con cái. Với tình yêu thương và sự nghiêm khắc, bà đã dạy dỗ các con nên người một cách tuyệt vời. Cũng vì vậy mà bà đã tự đặt cho mình tên hiệu là Saimdang (Sư Nhậm Đường) với ý nghĩa là noi theo tấm gương của bà Thái Nhậm, người phụ nữ hiền thục trong lịch sử Trung Quốc, mẹ của bậc thánh quân nhà Chu là vua Văn Vương.
Đặc biệt, con trai thứ ba của Shin Saimdang tên là Yi I, sau khi đỗ thi tiến sĩ ở tuổi 13 đã đỗ đầu tất cả 9 kỳ khoa cử, được gọi là "Cửu Độ Trạng Nguyên Công", trở thành một học giả lớn của thời Joseon. Đối với tài đức của Yi I, người ta cho rằng đó chính là nhờ quá trình thai giáo của người mẹ hiền Shin Saimdang. Bên cạnh đó, bà còn nuôi dạy con gái đầu lòng Mae-chang và con trai thứ tư là Yi Woo trở thành nghệ sĩ tài ba trong lĩnh vực thơ ca và hội họa.
Không chỉ là người mẹ hiền, Shin Saimdang còn là một người vợ đảm, hết lòng khích lệ chồng trong sự nghiệp làm quan triều đình. Bà đã làm tròn bổn phận của một người vợ có đạo đức và nhân cách cao quý, luôn hỗ trợ chồng đi theo con đường chính nghĩa. Tuy thời điểm chồng bà đi nhậm chức ở tỉnh Pyeongan vào năm 1551, Shin Saimdang đã qua đời ở tuổi 48 nhưng sau đó, tên tuổi của bà lại càng trở nên nổi tiếng, được người đời sau tán dương ca ngợi.
Hình ảnh của bà đã được chọn để đưa vào loại tiền giấy mới loại 50.000 won của Hàn Quốc năm 2009 như một nhân vật biểu trưng cho việc đề cao nhận thức về bình đẳng giới. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, hình ảnh người phụ nữ xuất hiện trên tờ tiền Hàn Quốc. Shin Saimdang là kết tinh của sự hài hòa, hoàn hảo, một người con gái hiếu thảo, một người vợ đức hạnh, một người mẹ tuyệt vời và là một nghệ sĩ tài ba xuất chúng. Bà sẽ mãi là tấm gương mô phạm của phụ nữ Hàn Quốc.