Liên quan đến vấn đề phát triển chi, tổ hội nghề nghiệp và các hoạt động của chi tổ hội trong thời gian vừa qua, PV Báo Nông thôn ngày nay/Điện tử Dân Việt đã có cuộc phỏng vấn bà Hà Hồng Hạnh - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Khánh Hòa.
-Trong những năm qua, Hội Nông dân tỉnh Khánh Hòa đã phát triển mô hình chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp, xin bà cho biết những kết quả nổi bật hoạt động của chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp?
Thực hiện Kế hoạch số 01-KH/HNDT, ngày 07/01/2020 của Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh về triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HNDTW về đẩy mạnh xây dựng chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp và Hướng dẫn số 205-HD/HNDTW, ngày 10/7/2020 của Ban Thường vụ Trung ương Hội về quy trình thành lập và tổ chức hoạt động của chi, tổ Hội nghề nghiệp. Toàn tỉnh đã thành lập được 689 tổ Hội nghề nghiệp với 5.793 hội viên và thành lập được 43 chi Hội nghề nghiệp với 806 hội viên tham gia trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, ngành nghề.
Các cấp Hội đã triển khai thực hiện đề án nghiêm túc, đồng bộ, xây dựng kế hoạch thành lập các tổ Hội nghề nghiệp phù hợp với từng địa phương, trong quá trình tổ chức đã lồng ghép với thực hiện các phong trào thi đua của Hội như: Phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, sẽ tạo tiền đề cho việc xây dựng và thành lập các mô hình liên kết, tổ hợp tác, hợp tác xã…
Bước đầu các tổ Hội nghề nghiệp đã đi vào hoạt động, phát huy hiệu quả, tạo sự gắn kết giữa các hội viên khi có chung lợi ích, trách nhiệm trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, chế biến, bảo quản, tiêu thu hàng hóa…
Từ đó định hướng cho nông dân trong việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo liên kết vùng sản xuất, vùng nuôi trồng góp phần tích cực vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, cũng như giúp hội viên nông dân chủ động hơn trong môi trường cạnh tranh hàng hóa ra thị trường.
Thông qua các tổ Hội nghề nghiệp này, Hội Nông dân càng có thêm cơ sở vững chắc để hỗ trợ cho những mô hình hiệu quả, phát huy tốt nhất đồng vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, Phong trào Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi, không ngừng nâng cao vị thế và vai trò của Hội đối với nông dân.
-Bà có thể cho biết những thuận lợi, khó khăn trong việc xây dựng và phát triển các chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp trong thời gian qua?
Do nhận thức của một số hội viên nông dân vẫn thực hiện sản xuất theo hình thức tự phát truyền thống, mạnh ai người ấy làm, tự mua, tự bán, số lượng nhỏ lẻ, ngại va chạm với người khác cùng nghề nghiệp, dẫn đến việc thành lập các mô hình tổ hội nghề nghiệp còn ít.
Tổ Hội nghề nghiệp, chi Hội nghề nghiệp được thành lập mặc dù đã có quy chế hoạt động nhưng khi thực hiện cơ bản đều mang tính tự phát, khó kiểm soát... Ngoài ra, các tổ trưởng tổ Hội nghề nghiệp và chi Hội trưởng chi Hội nghề nghiệp chưa có kinh nghiệm trong việc điều hành tổ chức hoạt động của tổ; nội dung sinh hoạt chưa được cụ thể, thông tin về các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh để chia sẻ, trao đổi cho tổ viên còn chưa nhiều, tài liệu sinh hoạt ít có nên phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của tổ Hội.
Mô hình tổ Hội nghề nghiệp sản xuất, kinh doanh vẫn còn nhỏ, lẻ, manh mún, đầu ra cho sản phẩm chưa chủ động, không ổn định, giá cả vẫn phụ thuộc nhiều vào thị trường, tư thương...
Nguồn kinh phí không có, chủ yếu do các hội viên đóng góp chỉ đủ tổ chức sinh hoạt, hội họp, chưa tổ chức cho hội viên trong chi, tổ Hội đi thăm quan, học tập kinh nghiệm ở xa.
-Thời gian tới Hội cần làm gì để đẩy mạnh thành lập, phát triển chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp, thưa bà?
Tiếp tục chỉ đạo Hội Nông dân các cấp lựa chọn mô hình phù hợp, có đủ điều kiện để chỉ đạo thành lập chi Hội nghề nghiệp theo Hướng dẫn số 205-HD/HNDTW, ngày 10/7/2020 của Ban Thường vụ Trung ương Hội về quy trình thành lập và tổ chức hoạt động của chi, tổ Hội nghề nghiệp và Kế hoạch số 01-KH/HNDT, ngày 07/01/2020 của Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh.
Hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở Hội tiếp tục duy trì và nhân rộng mới các mô hình tổ Hội nghề nghiệp; duy trì chế độ sinh hoạt theo quy chế, đổi mới sinh hoạt theo hướng thiết thực; xây dựng quỹ và tranh thủ các nguồn lực để tăng cường các hoạt động của tổ Hội.
Phối hợp với cơ quan chức năng hỗ trợ pháp lý cho các tổ Hội nghề nghiệp trong việc đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ chuyển giao KHKT, giống, vốn, tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm của các mô hình tổ Hội nghề nghiệp; cần chú trọng việc đưa ứng dụng công nghệ cao vào các mô hình sản xuất nông nghiệp (chăn nuôi, trồng trọt) để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho hội viên nông dân…
Tổ chức cho các thành viên trong tổ Hội nghề nghiệp đi tham quan các mô hình phát triển kinh tế, trang trại lớn ở trong và ngoài tỉnh để hội viên được trao đổi kinh nghiệm và học tập thêm những kiến thức thực hiện công việc có hiệu quả hơn.
- Hàng năm các cấp Hội tổ chức kiểm tra, đánh giá, sơ kết, rút kinh nghiệm; kịp thời phát hiện, khắc phục những thiếu sót, khó khăn vướng mắc trong triển khai thực hiện.
-Những ngày qua Hội Nông dân tỉnh Khánh Hòa đã có chỉ đạo cho các cấp Hội, chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp thực hiện những hoạt động cụ thể gì để hướng tới Đại hội lần VIII, nhiệm kỳ 2023 - 2028 của Hội Nông dân Việt Nam?
Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã cụ thể hóa giao chỉ tiêu cho Hội Nông dân các huyện, thị xã, thành phố, xác định là nhiệm vụ thường xuyên gắn liền với nhiệm vụ xây dựng củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở Hội, đồng thời chỉ đạo và hướng dẫn Hội Nông dân cấp huyện và cơ sở tổ chức khảo sát, căn cứ vào điều kiện cụ thể của từng đơn vị để thành lập tổ Hội nghề nghiệp phù hợp trên các lĩnh vực như: Tổ Hội Nuôi trồng thủy sản, Tổ Hội Trồng cây ăn quả, Tổ Hội Sản xuất lúa giống, Tổ Hội Cơ giới hóa nông nghiệp, Tổ Hội Chăn nuôi bò sinh sản, Tổ Hội Trồng rau sạch, Tổ Hội Mộc dân dụng, Tổ Hội Sinh vật cảnh…
Năm 2023, Hội Nông dân các cấp phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Kinh tế, các trường dạy nghề trong tỉnh tổ chức 62 lớp nghề với hơn 1.860 học viên nông dân.
Sau học nghề, có trên 92% học viên tự tạo việc làm, tự tổ chức sản xuất, mở rộng quy mô sản xuất liên kết với nông dân thành lập tổ Hội nghề nghiệp, tổ hợp tác, HTX tạo đầu ra ổn định, được tiếp cận nguồn vốn vay từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân, các ngân hàng để đầu tư phát triển sản xuất có thu nhập ổn định.
Kết quả trong năm có 38 tổ hợp tác, HTX, tổ Hội nghề nghiệp với trên 330 hộ nông dân được hỗ trợ vốn Quỹ HTND trên 16,2 tỷ đồng từ nguồn vốn TW và tỉnh, trong đó khoảng 85 hộ có nhu cầu về vốn được Quỹ HTND cho vay sau khi được đào tạo nghề các lớp do Hội mở.
Ngoài ra, hội viên trong tổ thường xuyên trao đổi kinh nghiệm thực tế trong sản xuất, chăn nuôi nên hiệu quả trong sản xuất ngày càng tăng, giảm giá thành trong sản xuất, tăng thu nhập cho hội viên.
-Xin trân trọng cảm ơn bà!