Thị trường việc làm ở Trung Quốc sẽ đối diện với những thách thức mới trong năm tới khi số lượng sinh viên đại học sắp tốt nghiệp đạt kỷ lục. Theo như các nhà phân tích đã cảnh báo, số lượng lao động này đặt áp lực lớn đối với Bắc Kinh để giải quyết vấn đề việc làm.
Bộ Giáo dục Trung Quốc thông báo vào ngày 7/12 rằng, dự kiến số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học sẽ đạt 11,79 triệu vào năm tới, tăng 210.000 so với năm nay. Điều này làm gia tăng áp lực cho Bắc Kinh, đặc biệt là trong bối cảnh phục hồi kinh tế không đồng đều sau đại dịch Covid-19, khi thị trường bất động sản và khu vực kinh doanh tư nhân đang gặp khó khăn.
Năm 2022, số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học của Trung Quốc vượt quá 10 triệu lần đầu tiên. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm tuổi từ 16 đến 24 vẫn duy trì ở mức cao, đạt 21,3% vào tháng 6/2022, trước khi Bắc Kinh đình chỉ công bố dữ liệu.
Mao Yufei, nhà nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Việc làm Trung Quốc, lưu ý: "Các công ty sẽ giảm nhu cầu tuyển dụng để giảm chi phí làm việc, đặc biệt là đối với sinh viên mới tốt nghiệp đại học thiếu kinh nghiệm, trong bối cảnh kinh tế không ổn định hiện nay."
Trong khi ngành dịch vụ đang đối mặt với nhiều khó khăn và các nhà máy đang thiếu lao động, tâm lý ưa chuộng công việc "cổ trắng hơn cổ xanh" (thích công việc văn phòng hơn lao động chân tay - PV) của giới trẻ làm tăng thêm các vấn đề khó giải quyết liên quan tới việc làm. Mao nói thêm rằng, để giải quyết tình trạng mất cân bằng này, các trường cao đẳng nên tận dụng Internet để cung cấp thông tin việc làm và xây dựng nền tảng cho khóa học lập kế hoạch nghề nghiệp.
Haibin Zhu, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế Trung Quốc tại JPMorgan, cũng đề xuất Bắc Kinh nên tăng cường nỗ lực khôi phục khu vực tư nhân và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ông nhấn mạnh rằng môi trường chính sách minh bạch và dự đoán là quan trọng hơn hỗ trợ tài chính và cần loại bỏ các biến dạng của chính sách.
Bộ Giáo dục Trung Quốc đã đưa ra 26 biện pháp để thúc đẩy việc làm và tinh thần kinh doanh cho sinh viên tốt nghiệp đại học đến năm 2024. Điều này bao gồm kiểm tra sớm công việc trong khu vực công và khuyến khích tìm kiếm cơ hội việc làm ở các khu vực kém phát triển. Bộ cũng khuyến khích sử dụng nền tảng Internet để tìm kiếm việc làm và khuyến khích các trường đại học cung cấp tư vấn nghề nghiệp thông tin.
Từ năm 2021, khái niệm "tang-ping" (Thảng-Bình) đã xuất hiện trong giới trẻ Trung Quốc, nghĩa là "Nằm thẳng". Hiểu nôm na chỉ cần làm đủ ăn, hưởng thụ cuộc sống chống lại chủ nghĩa vật chất, tránh xa áp lực nhà cửa, xe cộ, con cái. Sau khái niệm "tang-ping", lại rộ lên thuật ngữ "bailan" xuất hiện trong giới trẻ.
Phó Giáo sư Alfred Wu - Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore: "Tang ping chỉ để chỉ giới trẻ Trung Quốc không muốn thăng tiến, thì đến Bailan đề cao lối sống buông bỏ".
Đây là cách phản ứng của giới trẻ trước văn hóa làm việc "996" rất phổ biến những năm gần đây ở các công ty công nghệ lớn, công ty khởi nghiệp và các doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc, theo đó người lao động làm việc từ 9h sáng đến 9h tối, 6 ngày mỗi tuần.
Tháng 8 vừa qua, chủ đề "những người trẻ mong đợi N+1" đang đứng đầu danh sách tìm kiếm trên nền tảng phong cách sống Xiaohongshu. "N+1" ám chỉ khoản trợ cấp thôi việc, cộng với một tháng lương mà các công ty Trung Quốc có nghĩa vụ phải trả cho nhân viên. Một bộ phận người trẻ mong muốn bị sa thải để nhận trợ cấp thôi việc, rồi nằm thẳng.
Vậy nhưng thực sự đa phần người trẻ Trung Quốc có thực sự muốn "nằm thẳng"? Khảo sát do Cơ quan Truyền thông Thanh niên Trung Quốc thực hiện đối với sinh viên đại học cho thấy, 2/3 số người được hỏi cho rằng "nằm thẳng" chỉ là một cách nói thể hiện trạng thái của tâm trí - tức là cho phép bản thân cần nghỉ ngơi, giảm bớt áp lực; trước khi tập trung tâm sức để vượt qua những vấn đề hóc búa trong công việc và cuộc sống như kết hôn, sinh con hay mua nhà.
Với những sự chuyển dịch trong xã hội hiện nay, tại Trung Quốc cũng xuất hiện xu hướng sinh viên mới tốt nghiệp chưa có nghề nghiệp, quay về sống với cha mẹ.
Ông Liu Wenrong, nhà nghiên cứu thuộc Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải cho biết, nhiều gia đình Trung Quốc đang dần có cái nhìn cởi mở hơn với thanh niên khi họ gặp tình trạng này. Bên cạnh đó, số liệu mới nhất của Cục thống kê Quốc gia Trung Quốc, trong nửa đầu năm nay, dù tỷ lệ thất nghiệp của người trẻ tăng lên, nhưng ở các nhóm tuổi lao động khác, tỷ lệ thất nghiệp được khảo sát ở khu vực thành thị giảm. Với việc chính phủ Trung Quốc chấn chỉnh mạnh mô hình làm việc vắt kiệt "996", dự kiến giới trẻ Trung Quốc cũng sẽ có thêm cơ hội và môi trường làm việc chất lượng, hài hòa hơn.