Theo ông Bình, cuốn truyện tranh "Khéo khôn với tiền" có sự độc đáo, hữu ích, bất ngờ, sáng tạo và thú vị trong cuốn truyện tranh về tài chính thấm đẫm tình người này.
"Đây là cuốn sách mà ai đọc cũng thấy mình ở trong đó. Cuốn sách có tính ứng dụng, thực hành cao và để lại cho chúng ta nhiều suy nghĩ về cuộc sống, nhất là những bài học nhằm tránh rủi ro tài chính và đầu tư. Khi chúng ta có hiểu biết về tài chính, cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn, sống có khát vọng, trách nhiệm hơn với bản thân, gia đình và xã hội", ông Bình nhận xét.
Lần đầu tiên, một cuốn sách về tài chính khô khan, nặng tính chuyên môn lại được tác giả Lê Thị Thuý Sen thể hiện bằng hình thức truyện tranh với cách viết gần gũi, gắn với câu chuyện đời sống hàng ngày, hình ảnh của mình ở đó, dễ hiểu, dễ áp dụng và giàu tính nhân văn, giáo dục để hướng đến những điều tốt đẹp. Ngôn từ sử dụng nhiều ca dao, tục ngữ, thành ngữ, truyền thống, văn hóa, lịch sử dân tộc đã giúp tác giả dẫn dắt kiến thức tài chính, ngân hàng một cách mộc mạc, dễ hiểu đến bạn đọc, đặc biệt là những độc giả nhỏ tuổi.
Gần ba mươi câu chuyện xoay quanh kiến thức cơ bản liên quan đến tiền (lịch sử của tiền, giá trị kinh tế - xã hội của đồng tiền, lạm phát, giảm phát, lãi suất, tỉ giá… tác động ra sao đến cuộc sống, ứng xử trong giao dịch tiền tệ, nội tệ, ngoại tệ…), hiểu biết về đầu tư tài chính (chứng khoán, trái phiếu, bảo hiểm, chứng chỉ quỹ…) hoặc về ngân hàng (lịch sử, hoạt động ngân hàng, những lưu ý khi gửi tiết kiệm, vay vốn, thanh toán…). Cuốn truyện tranh "Khéo khôn với tiền" được chia thành 3 chương, kể về gia đình cậu bé Tín Dụng gồm ông bà nội, bà ngoại, mẹ Kim Ngân, bố Tiết Kiệm, Tín Dụng và em gái Tài Chính.
Đại gia đình Tín Dụng phải đối mặt với nhiều tình huống vui buồn, lo âu về tiền bạc và tài chính. Họ may mắn nhận được sự trợ giúp đặc biệt của "bác sĩ tài chính" Tiên Huyền. Từ những đơn thuốc tài chính, họ hiểu ra tầm quan trọng của việc có kiến thức và biết cách quản lý.
Trong câu chuyện quyển sổ tiết kiệm và lọ Penicillin, bác sĩ Tiên Huyền đã kê đơn thuốc "đi gửi tiết kiệm", nhấn mạnh "4 không" và "5 có". "4 không" gồm: Không nhờ người khác gửi tiền hộ, kể cả nhân viên ngân hàng; Không ký khống giấy tờ ngân hàng; Không gửi tiền ngoài địa điểm hợp pháp của ngân hàng; Không cho mượn sổ tiết kiệm.
Và "5 có" gồm: Kiểm tra các thông báo của ngân hàng để nắm được biến động số dư; Tuân thủ các quy định của ngân hàng về gửi tiết kiệm; Gửi theo khung giờ quy định của ngân hàng; Kiểm tra kỹ các thông tin trên sổ tiết kiệm; Báo kịp thời ngân hàng nếu bị mất sổ tiết kiệm.
Hay như câu chuyện "Bữa cơm của bà" để hiểu về lạm phát. Một từ ngữ rất đao to búa lớn là "lạm phát" nhưng tác giả đã dùng một câu chuyện về một buổi đi chợ của bà, một công việc hàng ngày của người nội trợ để diễn tả về nó, giảng giải về nó và một đứa trẻ rất nhỏ chưa có khái niệm gì về kinh tế, tiền bạc, mua bán vẫn có thể hiểu được một cách cơ bản nhất. Qua câu chuyện đi chợ của bà, giá cả của các mặt hàng tăng giảm cũng tác động tới lãi suất tiền gửi tiết kiệm mà cậu bé Tín Dụng đang gửi trong ngân hàng.
Ngoài ra, nhiều câu chuyện thú vị, rất gần gủi với đời sống hàng ngày và dễ đọc cũng có trong cuốn truyện tranh tài chính "Khéo khôn với tiền' của tác giả Lê Thị Thuý Sen.
Điểm đặc biệt nữa của cuốn truyện tranh tài chính này là mỗi chương, mỗi câu chuyện được bắt đầu bằng một câu ca dao, tục ngữ, mở ra câu chuyện về tình người, tình cảm gia đình, tình đồng đội…như: "Khéo ăn thì no - Khéo co thì ấm" (Chỉ nên chi tiêu những thứ thật cần thiết); "Làm khi lành để dành khi đau" (Chi tiêu cần tiết kiệm để dự phòng tài chính cho tương lai); "Cho nhau vàng không bằng trỏ đàng đi buôn" (Nên dành một khoản tiền hoặc vay vốn để đầu tư, kinh doanh phù hợp); "Có trời cũng phải có ta" (Nên dành khoản tiền phù hợp để lo cho bản thân, như dành tiền cho sức khỏe, du lịch…); "Người không học như ngọc không mài" (Nên dành tiền để đầu tư cho giáo dục, học tập để gia tăng giá trị bản thân, chăm chỉ và yêu lao động); "Dẫu xây chín bậc phù đồ - Chẳng bằng làm phúc cứu cho một người" (Nên dành khoản tiền phù hợp để cống hiến, hỗ trợ cho cộng đồng và xã hội)…
Chia sẻ về việc viết sách, tác giả Thuý Sen cho hay với hơn 20 năm làm việc trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, truyền thông và tham gia cố vấn một số chương trình truyền hình về truyền thông giáo dục tài chính, tôi đã chứng kiến nhiều người gặp sự cố, thậm chí rơi vào cảnh trắng tay. Một trong những nguyên nhân của việc đó là do thiếu hiểu biết, kĩ năng về quản lí tài chính, ngân hàng. Nhiều người uất ức nói rằng: "Giá như tôi có hiểu biết về tài chính thì sẽ không khổ như bây giờ". Nội dung cuốn truyện tranh này là câu chuyện của chính họ.
"Ở những nước phát triển, trẻ em được tiếp cận kiến thức tài chính, ngân hàng, tiền bạc từ bé. Vì vậy khi trưởng thành, họ có kiến thức, tâm lí, sự chủ động hơn để đối mặt với thành công và thất bại về tài chính. Ở Việt Nam, không chỉ trẻ em mà người trưởng thành hiểu biết về tài chính còn hạn chế vì nhiều nguyên nhân dẫn đến rủi ro tài chính. Vì vậy, tôi đã viết cuốn sách với sự trải nghiệm, cảm thông và chia sẻ", tác giả Thuý Sen chia sẻ.
Vì vậy, viết cuốn sách này với tác giả Thuý Sen là một duyên lành dù không phải là người viết chuyên nghiệp. "Mong muốn và phần thưởng lớn nhất với tôi là cuốn sách được bạn đọc đón nhận và lan toả giá trị tốt đẹp trong cộng đồng", tác giả Thuý Sen chia sẻ.
Cuốn sách của tác giả Thuý Sen nhận được sự đánh giá rất cao của những độc giả đầu tiên. TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, nhận xét đây là cuốn truyện tranh thường thức độc đáo, sáng tạo về tài chính - ngân hàng đầu tiên của Việt Nam, dành cho trẻ em, gia đình và phần lớn chúng ta.
"Tôi mong các nhà giáo dục nghiên cứu đưa vào chương trình giáo dục cho học sinh, góp phần rút ngắn con đường trở nên an lành và thịnh vượng của cộng đồng", ông Nghĩa nói.
Ông Peter Verhoeven (Hà Lan), Chuyên gia tài chính quốc tế, Chủ tịch Công ty Prometheus Asia Sdn. Bhd cho rằng Khéo khôn với tiền sẽ giúp độc giả có cách tiếp cận dễ hiểu về thế giới tiền tệ và tài chính. "Tôi đánh giá cao cuốn sách này và ủng hộ tác giả trong việc giáo dục tài chính", ông Peter nói.
MC Quyền Linh đã giới thiệu cuốn sách này với hai con gái Mai Thảo Linh (Lọ Lem) và Mai Thảo Ngọc (Hạt Dẻ) và hai con rất vui.
"Cuốn sách đã truyền cảm hứng về sự cố gắng, lòng nhân ái, trách nhiệm của người con với gia đình và xã hội. Đây là món quà ba Linh dành cho Lọ Lem khi chuẩn bị bước vào tuổi 18", cô bé Lọ Lem tâm sự.
Cuốn sách "Khéo khôn với tiền" được Nhà xuất bản Kim Đồng giới thiệu vào ngày 14/12 tới.
ThS. Lê Thị Thúy Sen là Vụ trưởng Vụ Truyền thông Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy viên BCH Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
Bà có hơn 20 năm công tác liên quan đến lĩnh vực tài chính - ngân hàng, truyền thông, bảo hiểm tiền gửi, cố vấn các chương trình truyền hình Tiền khéo Tiền khôn - Kênh VTV3 Đài Truyền hình Việt Nam, Tay hòm chìa khóa - Kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam.