Dân Việt

Chuyện về căn nhà cổ nằm trên "đất vàng" ở phố cổ Hà Nội

Hải Đường 10/12/2023 07:50 GMT+7
Căn nhà số 36 phố Châu Long (quận Ba Đình, TP.Hà Nội) là một trong những căn nhà cổ còn giữ hình dáng nguyên vẹn giữa Thủ đô.

Căn nhà cổ còn gần như nguyên vẹn trên phố cổ Hà Nội. Thực hiện: Hải Đường.

Khoảng không gian xưa cũ nép mình giữa phố xá nhộn nhịp

Phố Châu Long, quận Ba Đình, TP.Hà Nội được biết đến là một khu phố đông đúc, hàng quán khang trang, người xe qua lại tấp nập. Nép mình cạnh biệt thự Pháp cổ tráng lệ là căn nhà cổ khiêm tốn, tọa lạc tại số nhà 36. 

Trong thời gian gần đây, ngôi nhà nhận được đông đảo sự quan tâm của giới trẻ bởi sự mộc mạc, cổ kính, mang đậm màu sắc phố thị Hà thành những năm xưa cũ.

Chuyện về căn nhà cổ nằm trên "đất vàng" ở phố cổ Hà Nội - Ảnh 1.

Căn nhà nằm sát cạnh căn biệt thự Pháp cổ từng được rao bán hàng trăm tỷ đồng. Ảnh: Hải Đường.

Ngôi nhà được xây dựng từ năm 1900, tính đến nay đã hơn 100 năm tuổi. Từ năm 1935 cho tới hiện tại, nhà số 36 và 38 thuộc quyền sở hữu của gia đình ông Nguyễn Văn Khang.

Trong suốt hơn một thế kỉ, ngôi nhà gần như không thay đổi gì. Vào năm 2017, để sửa sang, làm đẹp vỉa hè, phần bậc tam cấp trước hiên nhà đã bị tháo dỡ hai bậc. 

Trước sự khắc nghiệt của thời gian, phần mặt trước của ngôi nhà đã có dấu hiệu xuống cấp và hư hỏng nhiều: những lớp sơn bạc phếch, những mảng tường bong tróc, những cánh cửa gỗ mục nát được chắp vá đầy đinh vít, những góc tường bám đầy rêu phong,... Tuy nhiên, tất cả những điều đó lại tạo nên một không gian hoài niệm đối với mỗi du khách khi đến với ngôi nhà cổ này.

Chuyện về căn nhà cổ nằm trên "đất vàng" ở phố cổ Hà Nội - Ảnh 2.

Dấu vết thời gian in hằn trên những bức vách phía mặt trước của căn nhà. Ảnh: Hải Đường.

Là một người trẻ đam mê phong cách cổ hoài niệm, chị Hoàng Như Nguyệt (25 tuổi, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cảm thấy vô cùng thích thú khi có thể lưu lại những thước phim quý giá về một Hà Nội cổ kính ngay giữa lòng phố phường hiện đại. 

Chị Nguyệt chia sẻ: "Vào những ngày cuối thu, rất nhiều bạn trẻ tìm đến đây để mong muốn lưu lại những bức hình đậm chất Thủ đô xưa. 

Không chỉ vậy, không gian này còn là nơi lý tưởng để chụp ảnh cưới của những cặp đôi yêu mến nét cổ kính, phong trần. Còn với bản thân tôi, mỗi khi được nhìn ngắm ngôi nhà, trong lòng tôi lại dâng lên một cảm xúc xao xuyến, yên bình, thân thuộc".

Bất ngờ bên trong ngôi nhà cổ

Ít ai biết rằng ông Nguyễn Văn Khang và gia đình anh trai ông Khang vẫn sinh sống bên trong ngôi nhà đó. 

Ông Khang nay đã 91 tuổi. Cả cuộc đời độc thân của ông gắn liền với ngôi nhà cổ này. Được biết, gia đình ông đều là những người có học thức cao, người là bác sĩ, người là công nhân viên chức Nhà nước.

Chuyện về căn nhà cổ nằm trên "đất vàng" ở phố cổ Hà Nội - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Văn Khang, người đang sống tại gian trước của ngôi nhà. Ảnh: Hải Đường.

Trái ngược với vẻ ngoài đơn sơ, mộc mạc, nội thất bên trong căn nhà lại khiến bất cứ ai khi lần đầu tiên đến khám phá cũng không khỏi ngỡ ngàng. Căn nhà số 36 được chia thành hai gian nhà tách biệt, ngăn cách bởi một khung cửa. 

Gian nhà phía trước là nơi ở của ông Nguyễn Văn Khang, còn gian nhà phía sau là nơi ở của gia đình anh trai ông Khang. Nhà số 38 trước kia cho thuê, còn hiện tại đang đóng cửa. 

Gian nhà của ông Khang chất đầy những phế phẩm, vật dụng hỏng như tivi, giày dép, xô, móc treo, phích, ấm,... Từ một gian nhà gần 25m2 rộng rãi, khang trang, giờ chật kín chỉ còn chừa một lối đi nhỏ.

Chuyện về căn nhà cổ nằm trên "đất vàng" ở phố cổ Hà Nội - Ảnh 5.

Không gian chật chội, xập xệ bên trong căn nhà số 36. Ảnh: Hải Đường.

Bà Nguyễn Thị Hiên (70 tuổi), người sinh sống trong khu phố, cho biết do ảnh hưởng của tuổi tác cao, lại không có vợ con chăm sóc nên hoàn cảnh của ông Khang khá éo le.

"Ông Khang tuổi cao, ông thường ngồi một chỗ khuất sau cánh cửa cả ngày, thỉnh thoảng đi lang thang ngoài đường và nhặt lượm những đồ vật người ta vứt đi, đem về chất trong nhà. Các cháu trong gia đình anh trai ông Khang cũng thường xuyên nhắc nhở nhưng không được, chỉ biết âm thầm đến chăm sóc ông những lúc ông ốm đau".

Bà Hiên cũng cho biết thêm, ông Khang sống khép kín, ít quan hệ với hàng xóm láng giềng. Thỉnh thoảng có một vài người đem đồ ăn đến biếu, ông nhận và sau đó lại đóng cửa một mình.