Vừa qua, Luật Nhà ở 2023 vừa được thông qua đã bãi bỏ điều kiện cư trú đối với đối tượng được mua, thuê mua nhà ở xã hội. Trước đó, theo quy định tại luật Nhà ở 2014, trong các yêu cầu để được mua nhà ở xã hội có điều kiện người mua là người có thường trú tại địa phương một năm trở lên.
Theo quy định này, rất nhiều trường hợp người dân khi đi làm giấy tờ để đăng ký mua nhà ở xã hội đã được cơ quan chức năng hướng dẫn phải nộp thêm bản sao công chứng sổ hồng của căn nhà đang thuê trọ và giấy xác nhận thường trú ở địa phương nơi đang sinh sống.
Điều này khiến nhiều người không áp ứng được yêu cầu vì không phải chủ nhà nào cũng chấp nhận giao sổ hồng cho khách thuê. Bởi lẽ, đây là loại giấy tờ rất quan trọng, gắn liền với tài sản của người dân.
Ngoài ra, nhiều người dân tích góp đủ tiền, có nhu cầu sở hữu nhà ở xã hội để an cư lập nghiệp nhưng lại bị vướng quy định không có thường trú tại địa phương một năm trở lên. Vì thế, rất nhiều trường hợp người dân dù có đủ tiềm lực kinh tế nhưng không thể trực tiếp mua nhà ở xã hội đành phải tiếp tục ở thuê.
Một số trường hợp khác thì chấp nhận mua sang tay, chuyển nhượng lại suất từ những người đủ điều kiện nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro vì trên giấy tờ nhà vẫn thể hiện tên của chủ cũ. Phải đợi tới 5 năm sau, người mua nhà mới được thực hiện thủ tục sang tên.
Theo đó, trước thông tin bãi bỏ quy định điều kiện cư trú đối với đối tượng được mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhiều người lao động bày tỏ sự phấn khởi.
Chị Nguyễn Thuỷ (công nhân tại khu công nghiệp Vĩnh Lộc, TP.HCM) cho biết cách đây 2 năm chị nộp hồ sơ để xin mua dự án xã hội T.L (quận Bình Tân). Tuy nhiên, do không đủ điều kiện về việc thường trú tại địa phương một năm trở lên nên hồ sơ của chị Thuỷ bị đánh rớt.
"Từ đó đến nay, tôi vẫn phải ở trọ vì số tiền tích luỹ không đủ mua nhà ở thương mại. Tuy nhiên, Luật nhà ở mới đã bãi bỏ quy định về điều kiện cư trú khiến tôi rất mừng. Gia đình tôi đáp ứng đủ các điều kiện về thu nhập, nằm dưới mức chịu thuế thu nhập cá nhân... Sắp tới, khi quy định mới có hiệu lực, tôi sẽ tiếp tục làm hồ sơ để xin mua nhà ở xã hội", chị Thuỷ cho hay.
Thời gian qua, nguồn cung nhà ở xã hội tại TP.HCM chưa đáp ứng nhu cầu người dân. Tuy nhiên, người lao động đang gặp nhiều khó khăn để đáp ứng các yêu cầu để được mua nhà ở xã hội. Các quy định này đang là rào cản lớn, khiến việc phát triển nhà ở xã hội tại TP.HCM rơi vào tình trạng "vừa thừa, vừa thiếu".
Theo đó, nhiều quy định đang là rào cản đối với người mua nhà ở xã hội như mọi thành viên trong gia đình thu nhập thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Đáng chú ý, người lao động muốn hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội phải đảm bảo chưa có nhà ở thuộc sở hữu của hộ gia đình, phải xin UBND cấp xã nơi có đăng ký thường trú hoặc tạm trú từ một năm trở lên thực hiện xác nhận về thực trạng nhà ở...
Điều này khiến người dân gặp rất nhiều khó khăn, trong khi đó chủ đầu tư, doanh nghiệp thì sốt ruột vì chờ đợi quá lâu để bán được nhà ở xã hội.
Vừa qua, tại phiên họp cuối năm của HĐND TP.HCM khoá X, Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, mục tiêu của giai đoạn 2021-2025, thành phố phát triển khoảng 35.000 căn nhà, tương ứng khoảng 2,5 triệu m2.
Trong giai đoạn này, TP.HCM có 91 dự án nhà ở xã hội với diện tích hơn 210 ha, với quy mô dự kiến khoảng 98.685 căn hộ. Trong đó có 49/91 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư/chấp thuận đầu tư với quy mô 56.200 căn hộ. Tuy nhiên, trong 49 dự án ở giai đoạn này thì có đến 46 dự án được chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020.
Về việc triển khai, thực hiện các chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội tăng thêm trên địa bàn, giai đoạn 2021-2025, kết quả đến quý II năm 2023, TP.HCM đã hoàn thành đưa vào sử dụng 2 dự án với quy mô 623 căn hộ. Có 7 dự án nhà ở xã hội và nhà lưu trú công nhân đang thi công với quy mô gần 5.000 căn hộ. Ngoài ra, TP.HCM có 82 dự án đang được thống kê để theo dõi trong kế hoạch phát triển nhà ở xã hội.
Trước đó, giai đoạn 2016-2020 là giai đoạn nhà ở xã hội phát triển mạnh mẽ, TP.HCM đã có 19 dự án nhà ở xã hội đã hoàn thành và đưa vào sử dụng với gần 15.000 căn hộ; 1 dự án nhà lưu trú công nhân với quy mô 1.449 phòng, đáp ứng 7.596 chỗ ở cho công nhân.
Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, việc phát triển nhà ở hiện nay thành phố đang gặp khó khăn, vướng mắc do một số nguyên nhân: Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng tại một số dự án nhà ở xã hội khó khăn, kéo dài, tiến độ thực hiện dự án chậm, thậm chí không thực hiện được; nguồn vốn dài hạn để hỗ trợ các chủ đầu tư vay thực hiện dự án nhà ở xã hội, vay vốn xây dựng, các đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội vay vốn mua nhà là chưa ổn định do thủ tục, các bước thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội còn phức tạp dẫn đến không thu hút nhiều nhà đầu tư quan tâm đầu tư các dự án…