Dân Việt

Hai ông bố ở Hà Nội: "Dạy con học giỏi có gì mà khó?"

Hoàng Hồng 12/12/2023 06:10 GMT+7
Anh Phạm Việt Linh cho rằng, dạy một đứa trẻ học giỏi là điều dễ dàng nhất, dạy một đứa trẻ biết sống nhân ái, trung thực, có trách nhiệm, có kỷ luật mới khó.

Muốn con học giỏi đôi khi chỉ cần tiền?

Là một ông bố hai con, anh Phạm Việt Linh khẳng định, muốn con học giỏi không khó.

"Một đứa trẻ không cần có tư chất nổi trội, chỉ cần được cha mẹ đầu tư học hành từ nhỏ, học trường tốt, thầy tốt, nhất định sẽ giỏi. Nói cách khác, cha mẹ chỉ cần có nhiều tiền. Có nhiều tiền thì có cả thời gian để phục vụ việc học hành của con", anh Linh nhận định.

Theo anh Linh, việc học giỏi là việc dễ nhất mà cha mẹ có thể giúp con. Bởi cha mẹ không phải trực tiếp tham gia vào việc học của trẻ mà chỉ cần đóng vai trò là một nhà đầu tư hay mạnh thường quân. Trong khi đó, nhiều phẩm chất, giá trị tốt đẹp khác, cha mẹ không thể dùng tiền bạc để "mua" cho con như điểm số.

Hai ông bố ở Hà Nội: "Dạy con học giỏi có gì mà khó?" - Ảnh 1.

Học sinh thi vào lớp 10 tại Hà Nội (Ảnh: Mạnh Quân)

"Nếu anh có một cô con gái, anh muốn con gái mình sống nền nếp, chỉn chu, khéo léo thu xếp nhà cửa, dịu dàng, hòa ái. Anh sẵn sàng bỏ ra rất nhiều tiền cho con học các lớp kỹ năng tốt nhất.

Nhưng con gái anh sẽ chỉ học được công thức làm bánh, công thức gấp áo quần, công thức trang trí nhà cửa chứ không bao giờ trở thành một người như anh muốn nếu chính vợ chồng anh không như vậy.

Nói cách khác, trường hợp này tiền bạc không giải quyết được vấn đề. Anh bắt buộc phải tham gia trực tiếp vào quá trình bồi dưỡng phẩm chất chỉn chu, khéo léo, hòa ái của con với vai trò làm mẫu", anh Linh nêu quan điểm.

Tương tự, anh Linh dẫn chứng với những kỹ năng, phẩm chất khác như tính kỷ luật, yêu lao động, khả năng thích nghi với môi trường có điều kiện sinh hoạt thấp… Những điều này trẻ chỉ có được nhờ ảnh hưởng tốt từ cha mẹ, kết hợp với việc được cha mẹ chú tâm rèn giũa từ nhỏ.

Cha mẹ đang dạy con dài hạn hay ngắn hạn?

Anh Trần Đức Giang - một ông bố hai con - nhận định, nếu cha mẹ chỉ tập trung vào điểm số của con trong các kỳ thi, đó là cách giáo dục ngắn hạn. Để trang bị những yếu tố mang lại giá trị dài hạn cho con trẻ sẽ luôn tốn thời gian, công sức hơn.

Anh Giang nêu 6 phẩm chất cần cha mẹ "đầu tư dài hạn" cho con cái:

"Một là đạo đức: Để có đạo đức không thể nói suông. Dạy "giáo dục công dân" cho trẻ là cha mẹ phải thực hành trước và cùng con thực hành từ các việc nhỏ hàng ngày.

Hai ông bố ở Hà Nội: "Dạy con học giỏi có gì mà khó?" - Ảnh 2.

Học sinh tham gia lớp học vẽ ngoại khóa (Ảnh: Hoàng Hồng).

Hai là sức khỏe: Muốn có sức khỏe cần duy trì sự cân bằng, kỷ luật, ăn đủ, ngủ đúng giờ, rèn luyện, thể dục thể thao hàng ngày. Việc này cần kéo dài cả đời. Dinh dưỡng, nước sạch, không khí, ánh nắng, vận động, học tập, giấc ngủ là những yếu tố cần được cân bằng theo từng độ tuổi.

Ba là kỷ luật, ý chí: Muốn có kỷ luật phải có nội quy, quy chế và thực thi nghiêm túc. Muốn có ý chí cần khuyến khích con trẻ cố gắng mỗi ngày một chút, khi đến giới hạn lại cố thêm. Tự nỗ lực mới có ý chí, còn có người giao bài tập, giao việc, đốc thúc từng giờ thì cả đời sẽ như vậy, không hình thành được ý chí.

Bốn là tư duy, óc sáng tạo: Muốn có tư duy, óc sáng tạo thì phải để không gian, thời gian cho bộ não tự nghĩ. Trẻ được thảo luận về các ý tưởng, lời giải cho một bài toán sẽ có lợi hơn 10 bài có thầy hướng dẫn. Tất nhiên điểm số sẽ kém hơn, nhưng thực chất hơn. Qua đó, năng lực của trẻ mới được bộc lộ.

Năm là thói quen tốt: Theo luật nhất quán "mình làm một việc như thế nào thì các việc khác cũng sẽ làm tương tự", thói quen góp phần lớn tạo nên giá trị và số phận con người. Rèn luyện thói quen tốt là việc rất tốn thời gian, cần môi trường thực hành hàng ngày, tốt nhất là tập từ khi còn nhỏ.

Sáu là kỹ năng nghề nghiệp: Ai cũng nên học lấy một nghề để kiếm sống và đóng góp cho xã hội. Giá trị của con người được đo bằng những gì họ tạo ra cho xã hội. Kiến thức có thể trang bị rất nhanh, nhưng kỹ năng nghề nghiệp cần nhiều thời gian và cần thái độ đúng đắn đối với lao động".

Anh Giang đặt câu hỏi: "Bạn có đang tập trung vào các nhân tố mang lại giá trị dài hạn cho con cái không, hay chỉ là điểm số trong các kỳ thi?"

Cùng góc nhìn, anh Phạm Việt Linh cho rằng các phụ huynh vùng đô thị đang bận tâm quá nhiều cho điểm số của con cái, cho cuộc cạnh tranh học hành thi cử, góp phần làm gia tăng áp lực của môi trường giáo dục.

"Cha mẹ đừng trông chờ vào việc giảm tải chương trình học hay thay đổi cách thức thi cử. Chính cha mẹ phải tự giảm tải cho con cái và chính mình bằng việc bình tĩnh, từ tốn nuôi dạy con "nên người" theo hệ giá trị của mình", anh Linh chia sẻ.