Thăng hạng giáo viên năm 2023: Hàng trăm giáo viên tiếp tục gửi đơn đến Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn

Tào Nga Thứ hai, ngày 11/12/2023 19:41 PM (GMT+7)
Liên quan đến thăng hạng giáo viên năm 2023, hàng trăm thầy cô giáo Hà Nội tiếp tục ký tên gửi đơn kiến nghị đến Bộ trưởng Bộ GDĐT và Cục trưởng Cục nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.
Bình luận 0

Kiến nghị vụ thăng hạng giáo viên năm 2023

Chia sẻ với PV báo Dân Việt, ngày 10/12, nhiều giáo viên thuộc các cấp học trên địa bàn thành phố Hà Nội, có bằng đại học chưa đủ 9 năm bị từ chối quyền được làm hồ sơ dự thăng hạng đã tiếp tục gửi đơn đến Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và Cục trưởng Cục nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GDĐT) Vũ Minh Đức. Đơn kiến nghị này liên quan đến điều kiện xét thăng hạng giáo viên năm 2023 của Sở Nội vụ và Sở GDĐT Hà Nội.

Thăng hạng giáo viên năm 2023: Hàng trăm giáo viên tiếp tục gửi đơn đến Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn - Ảnh 1.

Cô Nguyễn Thị Hồng, giáo viên Trung tâm GDNN - GDTX Quốc Oai, Hà Nội. Ảnh: NVCC

Theo đơn kiến nghị, trước đó, ngày 25/7, đại diện nhóm giáo viên đã có đơn kiến nghị gửi Bộ GDĐT liên quan đến điều kiện xét thăng hạng giáo viên. Ngày 22/8, đại diện Bộ GDĐT, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục có Văn bản số 1066/NGCBQLGD-CSNGCB trả lời kiến nghị, kèm theo Công văn số 4306/ BGDĐT- NGCBQLGD do Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng ký.

Công văn quy định rất rõ ràng về thời gian giữ hạng tương đương là "thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, thời gian giữ các ngạch giáo viên, thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng III và hạng II và thời gian khác được cơ quan có thẩm quyền xác định tương đương khi thực hiện chuyển chức danh nghề nghiệp (không kể thời gian tập sự)".

Đối với trường hợp giáo viên Tiểu học, THCS hạng III đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng lên chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học, THCS hạng II, điều kiện thăng hạng bao gồm: Thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; thời gian giữ các ngạch giáo viên tương đương với hạng IV và hạng III; thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng IV và hạng III và thời gian khác được cơ quan có thẩm quyền xác định tương đương với hạng IV và hạng III khi thực hiện chuyển chức danh nghề nghiệp (không kể thời gian tập sự).

Với những nội dung hướng dẫn liên quan đến việc thực hiện các quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp trong bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non, phổ thông, Bộ GDĐT đã đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền tại địa phương nghiên cứu quy định tại các Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT, 04/2021/TT-BGDĐT, Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT và một số nội dung hướng dẫn của Bộ GDĐT tại để triển khai thực hiện việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương giáo viên theo đúng quy định để bảo đảm quyền lợi cho đội ngũ.

Thăng hạng giáo viên năm 2023: Hàng trăm giáo viên tiếp tục gửi đơn đến Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn - Ảnh 2.

Giáo viên gửi đơn kiến nghị đến Bộ GDĐT. Ảnh: NVCC

Bộ GDĐT và Sở Nội vụ thành phố Hà Nội chưa thống nhất về việc thăng hạng giáo viên năm 2023?

Theo các giáo viên, mặc dù Bộ GDĐT đã có phản hồi, tuy nhiên, ngày 19/9, UBND thành phố Hà Nội có Công văn số 3012/ UBND-NC về việc hướng dẫn tiêu chuẩn, điều kiện thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên và ngày 5/10, giám đốc Sở Nội vụ thành phố Hà Nội có công văn số 2887/ SNV- CCVC phúc đáp truyền thông về tiêu chuẩn, điều kiện thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên, chưa thống nhất với ý kiến của Bộ GDĐT.

Sở Nội vụ thành phố Hà Nội cho rằng: "Văn bản số 4306/BGDĐT- NGCBQLGD có nội dung hướng dẫn việc xác định thời gian tương đương với thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên THCS hạng III (mã số V.07.04.32), giáo viên tiểu học hạng III (mã số V.07.03.29) không đúng với quy định tại thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT ngày 14/4/2023 của Bộ trưởng Bộ GDĐT". Vì vậy tất cả giáo viên thuộc nhiều cấp học (THCS, Tiểu học, Mầm non) trên địa bàn thành phố đã không được làm hồ sơ thăng hạng vì lý do: bằng đại học chưa đủ 9 năm.

"Đọc các văn bản, thông báo của Bộ GDĐT cũng như của Sở Nội vụ thành phố Hà Nội khiến chúng tôi rất hoang mang, khó hiểu. Bộ cho rằng không quy định nhưng Sở lại bảo có. Rốt cuộc là Sở đúng hay Bộ đúng, Sở sai hay Bộ chưa rõ ràng... để khiến hàng trăm giáo viên đủ năng lực, đủ thâm niên nhưng lại không được xét vì chưa đủ 9 năm có bằng đại học? Dù ai đúng, ai sai thì thiệt thòi đầu tiên là những nhà giáo chúng tôi.

Vì vậy, nhóm giáo viên có bằng đại học chưa đủ 9 năm kiến nghị, Bộ GDĐT xem xét lại văn bản số 4306/ BGDĐT- NGCBQLGD ngày 14/8, bởi theo cách giải thích của Sở Nội vụ thành phố Hà Nội là: "Không đúng với quy định tại thông tư 08/2023/TT- BGDĐT" mà chính Bộ đã ban hành. Đồng thời Bộ GDĐT cũng cần có chỉ đạo rõ ràng đến các tỉnh, thành để thực hiện đúng theo hướng dẫn của Bộ", nhóm giáo viên Hà Nội cho hay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem