Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia có truyền thống uống trà lâu đời trên thế giới, đã hình thành nên những nét đẹp về văn hóa trà. Tiệc trà là một nghi thức lễ tân rất đặc biệt thể hiện sự gần gũi, thân tình. Với ý nghĩa đó mà trong các chuyến thăm lẫn nhau giữa lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước Việt Nam và Trung Quốc, cùng với chương trình làm việc thường có bố trí tiệc trà.
Đối với người Việt, từ bao đời nay, trà luôn là một thức uống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Ở mỗi không gian, thời gian, mỗi tầng lớp dân cư, mỗi dân tộc, việc thưởng trà đều có những sắc thái khác nhau. Nhưng tựu trung đều thể hiện phẩm chất con người Việt Nam trọng tình, trọng nghĩa, thủy chung trước sau như một; mời trà để thể hiện sự niềm nở, nhiệt tình, hiếu khách, tôn trọng của gia chủ đối với khách đến thăm. Nhâm nhi chén trà khởi đầu cho những cuộc trao đổi, bàn thảo, hay trong những cuộc hàn huyên tri kỷ… Vì thế, văn hóa trà Việt Nam luôn mộc mạc, chân thành, bình đẳng và vô cùng trọng thị.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trân trọng mời Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thưởng thức trà do Nghệ nhân Nguyễn Cao Sơn đã đạt giải Ấn tượng thế giới tại Cuộc thi Trà quốc tế lần thứ 5 tại Paris, Pháp năm 2022 pha chế.
3 sản phẩm trà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mời Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thưởng thức đó là Trà mạn sen Đầm Trị Tây Hồ với thành phần chính là Bạch Trà Shan Tuyết Cổ Thụ Tây Côn Lĩnh Hà Giang (đạt giải ấn tượng thế giới tại Pháp) kết hợp với gạo sen Đầm Trị Tây Hồ, Hà Nội ướp hương qua 3 năm, phải cần tới 1.300 bông hoa sen mới cho ra được 1kg Trà Mạn Sen thượng phẩm.
Sản phẩm thứ hai là Trà Olong lão - từ cao nguyên Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Loại trà đã đạt giải vàng Cuộc thi Trà quốc tế Paris năm 2019 tại Cộng hòa Pháp.
Và sản phẩm thứ ba là Bạch Trà Chốt Đỉnh 2000 Shan Tuyết Cổ Thụ Tây Côn Lĩnh – Hà Giang - phẩm trà đạt giải vàng thế giới Cuộc thi Trà quốc tế (AVPA) – phẩm trà được thu hái trước Tiết Thanh Minh tháng 3 âm lịch hàng năm hay còn được gọi là Bạch Trà Chốt Tiền Thanh Minh.
Trong ba loại trà được lựa chọn từ các vùng nổi tiếng ở Việt Nam mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã mời Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thưởng thức, có một loại trà quý của người Hà Nội. Đó là trà mạn sen Đầm Trị Hồ Tây.
Từ xa xưa, thưởng trà sen vốn được coi là thú vui tao nhã của các bậc quyền quý, văn nhân, danh sĩ. Ngày nay, ngồi ngâm nhi với nhau một chén trà sen, kể cho nhau nghe về chuyện đời, chuyện người cũng là thú vui của người Hà Thành. Bởi vậy, người Hà Thành xem trà sen như một báu vật để để nâng niu, gìn giữ.
Thú thưởng trà sen cầu kỳ mà thanh nhã tuyệt diệu ấy chính là một kết tinh quý giá, đã làm nên những nét đẹp văn hóa cổ của Thăng Long – Hà Nội, thủ đô ngàn năm văn hiến, vang danh không chỉ khắp mọi miền đất nước, mà còn nức tiếng cả trên thế giới.
Mỗi cân trà, nghệ nhân Hà thành ướp cùng 1.000 -1.300 bông sen là một trong những lý do khiến người nước ngoài đã không ít lần xuýt xoa trước nghệ thuật ướp trà cầu kỳ, tinh tế của người Hà Nội.
Các nghệ nhân trà Hà Nội trân trọng, nâng niu từng búp trà này như một báu vật. Khi ướp, người ta rải một lớp trà rồi một lớp gạo sen mỏng, rồi lại một lớp trà, một lớp gạo sen. Cứ thế cho đến khi hết trà. Sau cùng, phủ một lớp giấy bản.
Thời gian ướp tuỳ thuộc vào độ ẩm của gạo sen nhiều hay ít, thường từ 18 -24 giờ. Sau đó, đem sàng để loại bỏ những hạt gạo sen. Sàng loại xong, trà được đóng vào những chiếc túi làm bằng giấy chống ẩm để giữ lấy cả hương sen lẫn hương trà, rồi sấy cho đến khi cánh trà khô, hương sen quyện thì bỏ ra. Lại ướp một lần sen thứ hai, thứ ba, thậm chí thứ tư, thứ năm tuỳ thuộc vào sở thích của người thưởng trà đậm hay nhạt. Càng ướp nhiều lần thì hương sen càng quyện, trà càng thơm. Trung bình, mỗi cân trà ướp cần từ 1.000 -1.300 bông sen. Cho nên, không phải ngẫu nhiên, mỗi 1kg trà sen thời xưa được đổi bằng 2 -3 chỉ vàng mà người sành trà vẫn nao nức lùng mua bằng được.
Với người Hà Nội, uống trà là một thú chơi thanh đạm. Pha cho mình cũng như pha trà mời khách, người ta phải để vào đó nhiều công phu. Những công phu đó, dần trở thành lễ nghi. Trong ấm trà ngon, người ta thấy phảng phất một mùi thơ và một vị triết lý.
Khác với các loại trà thông thường. Qui trình sản xuất trà Ô long đặc thù ở hoạt động lên men bán phần lá trà. Đây là một quá trình kích thích để enzyme xúc tác quá trình tự biến đổi phân giải các hợp chất trong trà. Tạo thành hương thơm đặc trưng sau này của trà Ô Long.
Lên men là quá trình phức tạp kéo dài từ 36-48 tiếng, trong vòng 2 giờ ngay sau khi thu hoạch. Tùy điều kiện sản xuất mà sản phẩm có chất lượng khác nhau.
Các bước chính bắt đầu từ làm héo để giảm bớt hơi nước, rút dần chất chát đắng trong trà (tanin). Kích thích quá trình lên men (oxy hóa), sau đó xào diệt men khi đạt mức độ lên men phù hợp. Cuối cùng là tạo hình viên ngọc trước khi sấy cho thành phẩm cuối cùng.
Trà Ô long búp tươi được hái bằng tay, đảm bảo 1 tôm, hai ba lá non. Hái trà phải đúng kỹ thuật, lá không bị sâu, màu xanh non mượt. Hái đúng ngày sinh trưởng, đúng lúc khô sương, không để quá 2 giờ sau khi hái.
Trà Ô Long Lão làm từ giống trà ô long Trắng thuần chủng nên đòi hỏi nhiều điều kiện tối ưu hơn về đất đai, thời tiết, phân bón so với các giống lai khác cùng với sự kỳ công trong quá trình chăm sóc và chế biến, thường phải có chuyên gia Đài Loan trực tiếp sản xuất hoặc phải là người làm ô long nhiều năm kinh nghiệm mới có thể thành công với giống trà này. Có lẽ vì vậy mà loại trà ít được sản xuất ở Việt Nam và cũng có giá cao hơn các giống khác.
Trà thành phẩm đạt chất lượng phải có hương thơm nồng ấm, nước dầy mượt, vị trà đậm đà và pha được nhiều lần nước. Loại trà Ô long Lão này có lối lên men trung bình cao hơn các loại khác tư 70 - 80% nên nước trà vàng sánh, bã trà cũng sậm màu. Ô long Lão ngọt ngào hương hoa nhưng vị đậm đà, mềm mại pha thêm ít hương gỗ, điều này làm cho vị thiên nhiên trong nước trà oolong lão trở nên rất khác biệt.
Hậu vị ngọt ngào lưu luyến rất lâu cũng là điểm mà ai cũng sẽ ấn tượng mạnh với trà oolong lão này. Nếu bạn là một người có kỹ thuật pha trà tốt thì loại trà này có thể dùng để pha nhiều lượt mà hương vị vẫn gần như vẹn nguyên. Sau khi nguội, hương vị sẽ vẫn còn lưu lại mà không tan đi.
Nói đến Hà Giang cũng là nói đến "lãnh địa" của chè Shan tuyết cổ thụ Tây Côn Lĩnh, một trong những loại chè đặc biệt quý của người dân nơi đây và đã được chứng minh rất tốt cho sức khỏe. Nếu ai đã từng một lần thưởng thức trà Shan tuyết Tây Côn Lĩnh hẳn là khó có thể quên được vị trà mang trong mình hơi thở tâm hồn của núi ngàn Đông Bắc này.
Bạch Trà là loại trà làm từ búp của những cây trà Shan tuyết cổ thụ nhiều năm tuổi, trên bề mặt được phủ một lớp tuyết trắng bạc, óng ánh. Cũng vì những búp trà tuyết trắng hoàn toàn mà được gọi là Bạch Trà.
Trong các loại trà thì Bạch Trà có giai đoạn làm héo dài nhất. Có thể kéo dài từ 24 cho đến 48 tiếng. Qua giai đoạn này thì bạch trà sẽ trở nên ngọt và thơm hơn.
Trong giai đoạn làm héo thì thành phần amino acid sẽ tăng gấp đôi sau 24 giờ. Chính vì vậy nên nên lá bạch trà thành phẩm có hương vị thơm ngon hơn cả lá trà tươi.
Mục đích chính của giai đoạn làm héo đó chính là rút bớt lượng nước có trong lá trà. Ngoài ra thì các thành phần đạm và tinh bột thực vật sẽ phân hoá thành amino acid và đường, tạo nên vị ngon của trà.
Trải qua nhiều công đoạn chế biến công phu, giúp Bạch Trà giữ lại được sự tinh túy của đất trời và dưỡng chất bên trong. Khi pha ra, màu trà trong sáng tự nhiên, vàng nhạt hoặc vàng mật (tùy cách pha). Hương trà thơm mùi cỏ sớm, cảm giác ngọt, thanh mát lại hơi ngai ngái. Vị trà chát nhẹ chứ không hề đắng, đặc biệt đượm vị ngọt hậu.
Bạch Trà Hà Giang không chỉ ngon mà còn rất có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng. Ngày nay, đặc sản Bạch Trà Shan tuyết cổ thụ Hà Giang ngày càng được nhiều người tiêu dùng quan tâm và là một trong những dòng trà của Hà Giang đã được xuất khẩu sang các thị trường quốc tế, được thực khách đánh giá cao.