Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, địa phương hiện có gần 18.000 ha trồng sầu riêng.
Diện tích trồng sầu riêng tập trung tại các huyện, thị vùng kiểm soát lũ phía Tây: Cai Lậy, Cái Bè, thị xã Cai Lậy, Châu Thành… với sản lượng sầu riêng toàn tỉnh mỗi năm đạt khoảng 300.000 tấn quả.
Sầu riêng-cây đặc sản tới kỳ thu hoạch trong vườn sầu riêng xử lý ra trái nghịch vụ của gia đình ông Trần Văn Sống tại xã Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang). Giá sầu riêng nghịch vụ ở huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đang ở mức cao, trong đó giá sầu riêng Monthong từ 110.000 - 130.000 đồng/kg; giá sầu riêng Ri 6 từ giá từ 100.000 - 110.000 đồng/kg. Ảnh tư liệu: Minh Trí/TTXVN
Thời điểm hiện nay, nông dân vùng chuyên canh sầu riêng đang bắt đầu thu hoạch vụ nghịch trong năm. Giá sầu riêng đầu vụ đang tăng mạnh, nông dân phấn khởi bởi hứa hẹn mang lại thu nhập cao từ vườn quả chuyên canh.
Giám đốc Hợp tác xã sầu riêng Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) Huỳnh Tấn Lộc cho biết, thương lái đang thu mua sầu riêng Monthong với giá từ 110.000 - 130.000 đồng/kg, sầu riêng Ri 6 từ 100.000 - 110.000 đồng/kg, tùy theo loại và chất lượng, tăng hơn tháng trước từ 24.000 - 30.000 đồng/kg.
Ông Dương Phước Hưng, Chủ tịch UBND xã Long Trung, huyện Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) cho biết, giá sầu riêng đầu vụ nghịch tăng mạnh nên nông dân phấn khởi bởi cho lợi nhuận cao, giúp tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.
Với năng suất sầu riêng nghịch vụ bình quân đạt từ 20 - 24 tấn/ha, mỗi héc ta trồng sầu riêng thu hoạch đúng thời điểm hiện nay, nông dân thu lãi ròng hàng tỷ đồng, cao nhất trong các loại cây ăn quả đặc sản của huyện Cai Lậy.
Long Trung hiện có gần 1.000 ha trồng sầu riêng chuyên canh với sản lượng sầu riêng mỗi năm từ 20.000 - 30.000 tấn quả. Sầu riêng vụ nghịch hàng năm kéo dài từ tháng 11 năm trước đến tháng 3 - 4 năm sau thường có giá cao so với vụ thuận.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn đánh giá, sầu riêng là loại cây ăn quả đặc sản có giá trị kinh tế cao, là nguồn nông sản xuất khẩu quan trọng có lợi thế cạnh tranh của tỉnh Tiền Giang.
Do vụ nghịch, cây đặc sản sầu riêng thường trúng mùa, trúng giá nên địa phương chú trọng chuyển giao kỹ thuật trồng sầu riêng thâm canh, khuyến khích nông dân áp dụng đồng bộ các biện pháp khoa học để đạt năng suất, sản lượng cao.
Đặc biệt là xử lý cây sầu riêng cho trái rải vụ cho thu hoạch vào thời điểm nghịch vụ, tránh thu hoạch rộ lúc chính vụ nhằm giảm nguy cơ trúng mùa, dội chợ, mất giá.
Theo đó, vào khoảng tháng 4 hoặc tháng 5 hàng năm, nông dân trồng sầu riêng ở Tiền Giang xử lý để vườn sầu riêng cho thu hoạch vào tháng 11 trở đi. Thời điểm này, sầu riêng có giá, bà con thu lợi nhuận cao.
Mặt khác, để nâng chất lượng và giá trị trái sầu riêng xuất khẩu, Tiền Giang quan tâm xây dựng mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang thị trường Trung Quốc.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn cho biết, toàn tỉnh hiện có 72 mã số vùng trồng sầu riêng với tổng diện tích trên 2.600 ha và 66 mã số cơ sở đóng gói được cấp xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Nhờ cây sầu riêng, các địa phương vùng kiểm soát lũ đầu nguồn ngày càng sung túc, ấm no và xây dựng nông thôn mới thành công.
Cụ thể như huyện Cai Lậy, thị xã Cai Lậy đã được công nhận hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Trong năm 2023, huyện Cái Bè và Châu Thành tiếp tục ra mắt huyện nông thôn mới theo lộ trình đề ra. Đây là những địa phương có vùng chuyên canh trồng sầu riêng tập trung lớn nhất tỉnh Tiền Giang.