Thời gian qua, hoạt động đối ngoại diễn ra sôi động với nhiều nhà lãnh đạo, nguyên thủ các nước trên thế giới đến thăm chính thức Việt Nam như Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, Thủ tướng Australia Anthony Albanese… và gần đây nhất là chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, chuyến thăm của Thủ tướng Campuchia Hun Manet.
Tuy nhiên, lợi dụng điều này, trước, trong và sau các chuyến thăm của lãnh đạo các nước đến Việt Nam, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị tìm cách xuyên tạc về công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước, nhân dân ta nói chung, xuyên tạc về công tác đối ngoại của ta với các nước có lãnh đạo, nguyên thủ đến thăm nói riêng.
Nhận diện những luận điệu xuyên tạc
Việc xuyên tạc nội dung, ý nghĩa các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam, đặc biệt là trong những dịp Việt Nam tham dự các sự kiện ngoại giao quan trọng là một chiêu trò thường thấy của các thế lực xấu. Lợi dụng những dịp này, các đối tượng đưa ra các nhận định mang tính võ đoán, tung luận điệu bôi nhọ dưới dạng “phân tích, bình luận, kiến nghị” với mục đích gây ra sự phân tâm trong dư luận xã hội, phá hoại chủ trương, đường lối ngoại giao của Việt Nam, hạ uy tín, vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế.
Trong bối cảnh mở cửa, hội nhập quốc tế sâu rộng, Việt Nam đã sáng suốt và kịp thời có những thay đổi tư duy về công tác đối ngoại, tạo nền tảng quan trọng giúp công tác đối ngoại có những bước phát triển đột phá. Trong suốt quá trình đó, chúng ta chủ trương “là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”. Điều này cho thấy, Việt Nam luôn chú trọng đưa quan hệ với các nước trên thế giới, khu vực đi vào chiều sâu, ổn định và tăng cường sự tin cậy lẫn nhau, tạo sự đan xen lợi ích nhằm củng cố vị thế của nước ta và bảo đảm lợi ích quốc gia trong quan hệ quốc tế. Có thể nhận thấy, đây là một thông điệp đối ngoại phù hợp vì việc xây dựng lòng tin và thúc đẩy quan hệ tin cậy lẫn nhau góp phần đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển ổn định của quan hệ giữa các nước.
Tuy vậy, đi ngược lại chính sách vì lợi ích, quốc gia dân tộc, các thế lực xấu cố tình xuyên tạc, bóp méo chính sách đối ngoại của Việt Nam nhằm phá hoại công cuộc hội nhập, phát triển của đất nước. Chúng rêu rao rằng, đối ngoại của Việt Nam là “gió chiều nào theo chiều ấy”, uốn kiểu nào cũng được, từ đó bôi nhọ ngoại giao cây tre là “ẻo lả không có lập trường, không đáng tin cậy”. Với thủ đoạn dựa vào những phát ngôn, hình ảnh của lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta rồi cắt xén, thêm thắt, bình luận, làm sai lệch nội dung, bản chất vấn đề, cố tình thổi phồng theo hướng kích động chia rẽ kiểu “bắt tay bên này để chống bên kia”, từ đó họ lấy cớ xuyên tạc, bóp méo đường lối, chính sách đối ngoại của Việt Nam. Tính chất nguy hiểm của các luận điệu nêu trên là tạo ra sự hoang mang, dao động, gây chia rẽ từ bên trong, ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ đối ngoại của Việt Nam với các nước, nhất là các nước đối tác, đối tác chiến lược, khiến dư luận trong và ngoài nước hiểu sai lệch về Việt Nam.
Đáng chú ý, các thế lực thù địch, phản động thường tìm cách cường điệu hóa khi đặt Việt Nam trong mối quan hệ với những cường quốc, từ đó đưa ra quan điểm “khuyên” Việt Nam nên chọn theo nước này, chống nước kia và ngược lại; thậm chí còn “khuyến cáo” Việt Nam nên bỏ chính sách đối ngoại “bốn không” để nghiêng về phương Tây, gắn với thực hiện “dân chủ hóa Việt Nam”, xem đây là giải pháp để “bảo toàn chủ quyền lãnh thổ”. Từ đó, cổ súy, kích động tư tưởng dân tộc cực đoan, làm “ngòi nổ” để truyền bá tư tưởng chống đối, gây chia rẽ, kỳ thị về ngoại giao, gây sự hiểu nhầm đối với người dân trong đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước. Có thể thấy, không riêng gì chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình hay chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden mà nhiều chuyến thăm của lãnh đạo, nguyên thủ các quốc gia khác đến Việt Nam cũng bị các thế lực thù địch, các tổ chức, phần tử phản động lưu vong xuyên tạc, bóp méo.
Mục đích của các thế lực thù địch nhằm xuyên tạc đường lối đối ngoại của Việt Nam, trong đó xuyên tạc mối quan hệ Việt Nam với các nước khác. Các luận điệu xuyên tạc nhằm tìm cách cô lập, hạ thấp vị thế, uy tín Việt Nam trên trường quốc tế; phá hoại mối quan hệ nước ta với các nước, chia rẽ tinh thần đoàn kết, hợp tác, hữu nghị của Việt Nam với các nước; khiến dư luận hiểu sai để tạo sự kỳ thị, ác cảm với Việt Nam. Mục tiêu cuối cùng mà các thế lực này hướng tới không gì khác là nhằm xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, xoá bỏ con đường phát triển đất nước mà Đảng, nhân dân ta đã lựa chọn.
Đối ngoại góp phần khẳng định vị thế Việt Nam
Đại hội XIII của Đảng xác định nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại bao gồm ba trụ cột là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân. Nhiệm vụ của đối ngoại là phát huy vai trò tiên phong trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước. Triển khai thực hiện hiệu quả đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng, công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế trong hơn nửa nhiệm kỳ vừa qua tiếp tục được mở rộng, đạt nhiều kết quả quan trọng; tiếp tục củng cố, nâng cao vị thế và uy tín của nước ta trên trường quốc tế.
Những hoạt động đối ngoại cấp cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta trong năm 2023 không chỉ truyền tải thông điệp về một Việt Nam phát triển năng động, đổi mới, hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả mà còn giới thiệu hình ảnh Việt Nam đóng góp tích cực, chủ động, có trách nhiệm vào các công việc chung của cộng đồng quốc tế. Có thể nói năm 2023 là một năm rất thành công về công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta với nhiều lãnh đạo, nguyên thủ các nước đến thăm và làm việc tại Việt Nam, trong đó có chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tới Việt Nam từ ngày 10-11/9/2023; chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từ ngày 12-13/12.
Trong các chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, lãnh đạo các nước còn có dịp trải nghiệm không gian văn hoá và sự mến khách của người Việt như: Thủ tướng Malaysia cùng Thủ tướng Việt Nam đi dạo phố sách, thưởng thức cà phê; Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cùng Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đi dạo ven hồ Hoàn Kiếm, điểm tâm sáng ở nhà hàng ẩm thực Hà thành; Thủ tướng Luxembourg cùng Thủ tướng Việt Nam đi thăm Văn Miếu, Bảo tàng Mỹ thuật; Thủ tướng Úc đi tìm hiểu một món rất dân dã, phổ biến của Hà Nội là bia hơi, bánh mì. Các chuyến thăm khác của Thủ tướng Singapore (8/2023); Tổng thống Mông Cổ (11/2023)… cũng có nhiều hoạt động bên lề ý nghĩa. Hay trước đây, trong chuyến thăm đến Việt Nam năm 2016, Tổng thống Mỹ Obama đã dành thời gian đi thưởng thức bia chai, bún chả Hà Nội.
Hiện nay, với hơn 500 hiệp định song phương và đa phương cùng việc phê chuẩn, triển khai có hiệu quả Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), tham gia ký Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và đã có hơn 70 quốc gia công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường, nước ta đã trở thành mắt xích quan trọng trong nhiều liên kết kinh tế. Qua đó tạo ra động lực to lớn cho sự phát triển.
Những hoạt động đối ngoại quan trọng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta đã thể hiện dấu ấn đậm nét của ngoại giao đa phương, đóng góp quan trọng vào việc nâng cao vai trò và vị thế của đất nước trên trường quốc tế. Chúng ta không chỉ giới thiệu một Việt Nam đổi mới, năng động mà còn giới thiệu một Việt Nam là điểm hẹn của cơ hội, của tiềm năng và môi trường đầu tư.
Qua đó, chúng ta bảo vệ và thúc đẩy các lợi ích chính đáng của đất nước; triển khai mạnh mẽ đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng XIII là “độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại”… Đây cũng là dịp để Việt Nam và các nước bạn bè đối tác tạo thêm xung lực mới cho hợp tác đa phương năm 2024 và các năm tiếp theo, vì hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực và thế giới.