Theo ông Bùi Tuấn Hoàn, Trưởng phòng châu Mỹ, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, từ khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực, xuất khẩu của Việt Nam sang các nước thành viên CPTPP khu vực châu Mỹ tăng trưởng mạnh.
Có 4 quốc gia châu Mỹ tham gia CPTPP là Canada, Mexico, Peru và Chile; trong đó, ngoại trừ Chile đã có hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương với Việt Nam; Canada, Mexico và Peru là 3 thị trường lần đầu tiên có quan hệ FTA với Việt Nam, do đó những ưu đãi thuế quan trong CPTPP có tác động rất tích cực tới hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường này.
Cụ thể, năm 2021, xuất khẩu sang 4 nước CPTPP khu vực châu Mỹ đạt hơn 12 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu sang Canada đạt 5,3 tỷ USD và tăng 75% so với thời điểm trước khi Hiệp định có hiệu lực. Hay như đối với Mexico, xuất khẩu sang thị trường này đạt 4,6 tỷ USD và tăng trên 105% so với thời điểm trước khi hiệp định có hiệu lực.
Xuất khẩu sang Peru cũng tương tự, tuy mới phê chuẩn Hiệp định vào năm 2021 cũng đạt 560 triệu USD, tăng trưởng 85%. Chile, tuy chưa phê chuẩn Hiệp định, cũng đạt 1,7 tỷ USD, tăng 63%. Như vậy, đây là những con số rất ấn tượng.
Tuy nhiên, thành tích xuất khẩu cao cũng khiến các doanh nghiệp, ngành hàng và sản phẩm Việt đã và đang gặp thách thức lớn từ kiện phòng vệ thương mại do nhiều nước đã, và đang sử dụng PVTM làm cách thức bảo hộ thị trường, cạnh tranh với hàng Việt.
Về xu hướng của các vụ việc phòng vệ thương mại liên quan tới các thị trường có FTA của Việt Nam nói chung và thị trường các nước CPTPP nói riêng, đại diện Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương nhấn mạnh, hiện nhiều thành viên của CPTPP đã và đang tham gia các cuộc điều tra biện pháp phòng vệ thương mại với Việt Nam.
Chẳng hạn như pháp luật phòng vệ thương mại được các thành viên của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) cho phép sử dụng để bảo vệ sản xuất trong nước. Vì vậy, những nước chưa có FTA với Việt Nam cũng đã điều tra và áp dụng rất nhiều biện pháp phòng vệ thương mại.
Thống kê cho thấy, Australia hiện nay đã điều tra tới 18 vụ việc phòng vệ thương mại đối với Việt Nam, tương đương với Canada, Malaysia cũng đã trên 10 vụ việc. Ngoài ra, Mexico kể từ khi có FTA với Việt Nam, doanh nghiệp cũng đã tăng cường xuất khẩu sang Mexico và từ năm 2019 trở lại đây và đã có 3 vụ việc mới và phát sinh toàn bộ là sau khi ký kết Hiệp định CPTPP cùng với Mexico.
Ông Vũ Văn Phụ, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Nhôm Việt Nam cho biết, hiện nhận thức chung về phòng vệ thương mại của doanh nghiệp trong ngành tôm còn chưa đồng đều, có doanh nghiệp ý thức được, có doanh nghiệp vẫn chưa quan tâm đúng mức.
Ông này cho rằng, doanh nghiệp xuất khẩu vẫn chủ yếu quan tâm giá cả thị trường, mức thuế chưa nhiều doanh nghiệp tự bỏ thời gian, công sức để tìm hiểu chính sách, thuê bên tư vấn và có kế hoạch hạn chế rủi ro phòng vệ thương mại.
"Chỉ khi đến các vụ việc liên quan doanh nghiệp, họ mới bắt đầu đi tìm hiểu thông tin và ứng phó bị động. Gần đây, việc phòng vệ thương mại của các nước trên thế giới cũng như ở Việt Nam gia tăng, doanh nghiệp mới bắt đầu quan tâm tới việc phòng vệ thương mại nên nhận thức của doanh nghiệp đến thời điểm hiện nay cũng bắt đầu có sự thay đổi", ông Phụ nói.
Thực tế, hiện không chỉ mặt hàng thủy hải sản, nhôm thép mà nhiều sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đã và đang bị đe dọa kiện phòng vệ thương mại, chống bán phá giá, lẩn tránh xuất xứ, lẩn tránh thuế.
Xu hướng toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ, điều này khiến nhiều loại thuế nhập khẩu được bãi bỏ, các hành vi cạnh tranh bằng các vụ vụ kiện phòng vệ gia tăng nhằm loại bỏ ảnh hưởng của hàng hóa từ các nước xuất khẩu. Để tránh rủi ro kiện phòng vệ, thắng các vụ kiện của nước ngoài, doanh nghiệp cần sớm xây dựng chương trình chủ động trước các thách thức lớn về phòng vệ thương mại.