Những ngày cuối năm 2023, chúng tôi có dịp được tham dự bế giảng lớp nghề điện dân dụng tại thôn Bản Sinh, xã Lùng Vai, huyện Mường Khương. Trò chuyện với chị Hoàng Thị Bích là một trong số 35 học viên của lớp, chị Bích chia sẻ: Được sự quan tâm của Phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện phối hợp cùng Trung tâm dạy nghề tư thục Phú Minh Lào Cai, lớp nghề về điện dân dụng được mở ngay tại thôn, rất thuận tiện cho bà con chúng tôi trong thôn tham gia học.
Theo chị Hoàng Thị Bích, trong thời gian học 3 tháng, giữa học lý thuyết và thực hành, trong đó, thực hành là chủ yếu, người dân được thực hành sửa chữa, tháo lắp điện dân dụng trong gia đình và các công trình nhỏ. Mặc dù thời gian học ngắn nhưng ai cũng nắm được những kiến thức cơ bản để sửa chữa điện, trước hết là phục vụ nhu cầu trong gia đình, đảm bảo an toàn đường điện; tham gia làm việc tại các công ty, doanh nghiệp trong cả nước về ngành nghề mình đã học bởi sau khi học song lớp nghề bà con đều được cấp Chứng chỉ sơ cấp nghề.
Khác với chị Bích, anh Sùng Seo Ly, thôn Tả Thền A xã Thanh Bình, huyện Mường Khương lại tham gia lớp học dạy nghề về trồng, chăm sóc cây chè ngay tại địa phương. Với hơn 1,5 ha chè Shan Tuyết, hiện đã cho thu hoạch, góp phần giúp gia đình có thu nhập ổn định.
Để có thêm nhiều kiến thức về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây chè đúng kỹ thuật và cho năng suất cao, anh Ly quyết theo lớp học nghề. Những kiến thức thầy, cô truyền đạt thật bổ ích, giúp anh có thể áp dụng vào chính đồi chè của gia đình.
Anh Ly bảo: Qua lớp học nghề đó đã giúp tôi nắm thêm được nhiều kỹ thuật bón phân cho cây chè qua việc ủ phân vi sinh, vừa tiết kiệm chi phí không phải mua phân bón bên ngoài lại tận dụng các phụ phẩm, nguyên liệu như rơm, rạ sau khi gặt song để làm phân bón cho cây.
Những năm qua, UBND huyện Mường Khương đã chỉ đạo ngành chức năng thực hiện tốt công tác điều tra, rà soát phần "cung" - "cầu" lao động, nắm bắt kịp thời số lao động có việc làm, không có việc làm, lao động được đào tạo nghề, lao động chưa qua đào tạo nghề và nhu cầu học nghề của người lao động.
Cùng với đó, căn cứ tình hình, định hướng phát triển kinh tế của từng địa phương, nhất là chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn (từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp) để chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể từng năm, đưa ra các giải pháp thiết thực cho công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động.
Huyện Mường Khương cũng đã chỉ đạo Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội, các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các chế độ, chính sách trong công tác dạy nghề, giải quyết việc làm; tổ chức các buổi tư vấn, vận động Nhân dân tham gia học nghề, tư vấn miễn phí cho nông dân về việc làm và tham gia giám sát tình hình thực hiện.
Từ đó, giúp người lao động nông thôn có thu nhập ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần giảm nghèo bền vững ở địa phương. Đến nay, huyện Mường Khương mở được 16 lớp đào tạo nghề, thu hút 560 học viên người dân tộc thiểu số tham gia (với ngành nghề kỹ thuật trồng và chế biến chè, kỹ thuật xây dựng, điện dân dụng) học viên sau đào tạo chủ yếu tự tạo việc làm tại chỗ; tổng kinh phí thực hiện: 1,7 tỷ đồng.
Ông Đỗ Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm dạy nghề tư thục Phú Minh tỉnh Lào Cai, cho biết: Năm 2023, chúng tôi đã phối hợp tổ chức mở được 15 lớp đào tạo nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp theo chương trình mục tiêu quốc gia tại huyện Mường Khương.
Vừa đào tạo lý thuyết song song với kết hợp thực hành, trong các lớp tập huấn đều có vườn, mô hình bằng những việc làm cụ thể áp dụng vào thực tiễn hiệu quả.
Qua các lớp dạy nghề, đa số học viên đều biết áp dụng ngành nghề mình học, mạnh dạn ứng dụng kiến thức khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở rộng quy mô sản xuất để tạo việc làm cho bản thân, gia đình.
Bên cạnh đó, công tác giải quyết việc làm còn được các cấp, ngành, đoàn thể trong huyện quan tâm triển khai đồng bộ, hiệu quả thông qua công tác tuyên truyền, tư vấn người lao động tham gia xuất khẩu lao động. Trong năm 2023, huyện Mường Khương có 54 công dân đi xuất khẩu lao động tại các thị trường như: Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản...
Cùng với việc đẩy mạnh xuất khẩu lao động, một số chính sách giải quyết việc làm đã đi vào cuộc sống, người lao động được hỗ trợ thông qua các chính sách ưu đãi như vay vốn. Các nguồn quỹ giải quyết việc làm được triển khai mạnh mẽ, tạo điều kiện cho người dân trong huyện có vốn phát triển sản xuất…
Góp phần giải quyết việc làm mới cho người lao động. Từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người lao động. Bằng những giải pháp thiết thực, có hiệu quả, nhận thức của người lao động trong công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm trên địa bàn huyện ngày càng được nâng lên.
Với những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương và các cấp, năm 2023, huyện Mường Khương đã tạo việc làm mới cho hơn 1.200 người. Đây là những gam màu sáng trong bức tranh chung về thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của một huyện vùng cao biên giới Mường Khương.
Clip: Ông Đỗ Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm dạy nghề tư thục Phú Minh tỉnh Lào Cai chia sẻ về đào tạo nghề.