Những lúc ấy, tim rôi run lên khe khẽ, lòng xao xuyến chộn rộn không ngừng và những thước phim cũ ngọt ngào như cổ tích bỗng ùa về lặng lẽ, chân thực đến đắm say.
Bạn biết không, lúc đó tôi chỉ ước có một phép biến hình để được về với mẹ ngay lập tức, về với quê hương yêu dấu của mình.
Tôi còn nhớ như in, trong thước phim ký ức diệu kỳ có hình bóng dịu dàng của mẹ tôi, sáng sớm cắp cái rổ ngang hông đi dọc khu vườn tìm hái rau tập tàng.
Nói là rau tập tàng nhưng thực ra chúng đều có tên rõ ràng nhưng chỉ là ít được mang ra trao đổi bán buôn nên người dân quen gọi như vậy.
Buổi sáng sương còn chưa tan, lúng la lúng liếng trên tán lá xanh, mẹ nhặt những cọng rau non và mượt nhất. Nào là rau sam phơn phớt tím, rau dền xanh non, rau tàu bay cao vút... Loanh quanh khu vườn một lúc mẹ đã có ngay một rổ rau ngon lành.
Rau tập tàng là cách gọi thứ "rau lung tung, rau lộn xộn" gồm nhiều loại rau, trong đó phần nhiều là các loại rau dại mọc hoang, không có ai gieo giống, cũng chả có ai tưới tắm, bón phân, các loại rau dại đó cứ mọc và phát triển tự nhiên ở góc vườn, chân ruộng, bờ đồng...
Chẳng cần mẹ nói, trưa hôm đó tôi đã đoán ngay là có món canh rau tập tàng mẹ nấu. Trong đầu tôi cũng đã quá quen thuộc với cách mẹ rửa từng lá rau, thái thật nhỏ cho vào nồi nước sôi sùng sục và nêm nếm muối, bột ngọt.
Canh rau tập tàng trở thành món canh của mọi người, mọi nhà, hay nói đúng hơn là món ăn của nhà nghèo ngày ấy.
Mâm cơm đạm bạc lúc nào cũng có bát canh rau tập tàng. Trong căn nhà ngói ba gian, cả nhà quây quần bên nhau ăn cơm và lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười.
Bữa cơm ngày ấy đơn giản như chưa bao giờ đơn giản hơn thế. Một món mặn thường là cá dưới ao kéo lên hoặc ngoài đồng cha bắt được. Món chủ đạo vẫn là canh rau tập tàng ngoài vườn mẹ hái.
Mẹ kể, ngày xưa, chẳng có cơm trắng mà ăn, chỉ được ăn ngô độn khoai hoặc sắn. Còn đến thời của tôi vẫn có chút cá, chút tôm, thi thoảng mẹ còn mua được dăm ba lạng thịt heo ngoài chợ...
Loài rau tập tàng mọc dại, có cây chẳng cần ươm giống, cũng chẳng cần tưới tắm. Đến mùa chúng tự mọc, tự ra hoa, hạt rụng xuống đất đợi ngày mọc mầm rồi lớn lên. Đôi lúc tôi tưởng tượng chúng như những đứa trẻ con nhà nghèo, tự khắc vượt qua số phận mà vươn lên trong cuộc sống.
Bốn chị em chúng tôi học từ những gian khó, chắt chiu từ tình thương yêu của cha mẹ và những bữa cơm nhà nghèo với canh rau tập tàng mà vững chãi bước vào đời.
Sau này lớn lên tôi nhận ra nhờ có những bữa cơm gian khó như vậy mà chị em tôi mới có được như ngày hôm nay.
Hai mươi năm xa quê, xa những bữa ăn gia đình, nhưng mỗi lần về quê tôi thấy mình lúc nào cũng nhỏ bé trong vòng tay cha mẹ.
Tôi vẫn thèm thuồng được mẹ “đãi” những bữa ăn canh rau tập tàng. Thật hạnh phúc và sung sướng biết bao khi được trở về trong vòng tay cha mẹ, được quây quần hoài niệm bên mâm cơm tuổi thơ, húp xì xụp những thìa canh rau tập tàng mát lành.