Ngày 20/12, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 46-NQ/TW về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới, chỉ vài ngày trước khi Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII chính thức diễn ra từ ngày 25 đến ngày 27/12. Ông đánh giá như thế nào về sự ra đời của Nghị quyết ở thời điểm này?
- Trước hết, tôi xin được chúc mừng Hội Nông dân Việt Nam chuẩn bị bước vào Đại hội VIII với rất nhiều mục tiêu, kỳ vọng về sự đổi mới. Càng vui hơn nữa là chỉ trước Đại hội 5 ngày, Bộ Chính trị đã ban hành một nghị quyết chuyên đề dành riêng cho Hội Nông dân Việt Nam.
Tôi cho rằng, việc Nghị quyết 46 ban hành ngay trước thềm Đại hội VIII Hội Nông dân Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng, là động lực để động viên, khích lệ phong trào nông dân, là món quà đặc biệt của Bộ Chính trị gửi tặng tới Hội Nông dân và giai cấp nông dân, là lời khẳng định của Đảng, Nhà nước về vị trí vai trò đặc biệt quan trọng của nông dân, Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới.
Có thể thấy, các quan điểm của Đảng về xây dựng giai cấp nông dân và Hội Nông dân Việt Nam đã được ghi nhận ở nhiều văn kiện của Đảng nhưng để có được một văn kiện chuyên đề về việc đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ mới thì đây là lần đầu tiên. Lần đầu tiên có một nghị quyết chuyên đề của Đảng về tổ chức Hội, chứng tỏ Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm đến giai cấp nông dân, Hội Nông dân.
Đại hội XIII của Đảng cũng đã xác định rõ mục tiêu tiếp tục quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tháng 6/2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII cũng đã ban hành Nghị quyết 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó, chủ thể nông dân đã được Nghị quyết 19 ghi rất rõ: "Nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Gắn xây dựng giai cấp nông dân với phát triển nông nghiệp và quá trình công nghiệp hoá, đô thị hoá nông thôn. Mục tiêu cao nhất trong phát triển nông nghiệp, nông thôn là nâng cao toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn".
Nghị quyết 46 của Bộ Chính trị cũng là để cụ thể hóa hơn nữa những chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về Hội Nông dân, xây dựng Hội Nông dân và giai cấp nông dân.
Ông đánh giá những điểm mang tính đột phá trong Nghị quyết 46 để đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam, phát huy vai trò chủ thể của nông dân là gì?
- Có thể nói, trong suốt quá trình hình thành và phát triển, Hội Nông dân các cấp đã thể hiện vai trò nòng cốt chính trị, nỗ lực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, làm tốt vai trò là cơ quan đại diện của nông dân. Hội cũng làm rất tốt công tác hỗ trợ nông dân, phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
Hội Nông dân Việt Nam đã cùng với các đoàn thể khác tham gia tích cực vào công tác phản biện xã hội, góp phần vào công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, chung tay xây dựng giai cấp nông dân, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Nhưng Nghị quyết 46 cũng đã chỉ rõ một số hạn chế trong hoạt động của Hội, trong đó, việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động chưa mạnh mẽ; vai trò đại diện của người nông dân chưa vững chắc, hoạt động giám sát, phản biện xã hội chưa theo kịp yêu cầu, bối cảnh của tình hình mới. Phong trào nông dân ở một số nơi còn hình thức, hiệu quả chưa cao.
Do vậy, Nghị quyết đầu tiên của Bộ Chính trị về Hội Nông dân Việt Nam đã đưa ra nhiều quan điểm chỉ đạo, trong đó, tôi thấy có mấy điểm nổi bật, đó là phải đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Nông dân, phong trào nông dân, xác định mục tiêu cao nhất là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân; xây dựng tổ chức Hội không phải là việc của riêng Trung ương Hội Nông dân Việt Nam mà là việc của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng nhấn mạnh, Hội Nông dân Việt Nam phải tăng cường trách nhiệm, phát huy vai trò để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của hội viên, phát huy quyền làm chủ của nông dân, làm sao hỗ trợ để nông dân làm tốt vai trò chủ thể đã được nêu trong Nghị quyết 19 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và là trung tâm của quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
Trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và hội nhập quốc tế, phải củng cố vai trò nòng cốt chính trị của Hội Nông dân, nâng cao hiệu quả, đổi mới phương thức, nội dung hoạt động.
Với quan điểm như vậy, Nghị quyết cũng nêu rõ các nhiệm vụ, giải pháp, trong đó, nổi bật lên yêu cầu Hội Nông dân cần thực sự đổi mới công tác tuyên truyền, vận động, đoàn kết người dân ở vùng nông thôn và phải tổ chức được nhiều phong trào nông dân thiết thực, hiệu quả hơn nữa.
Các cấp Hội Nông dân cần làm tốt hơn nữa công tác kiện toàn bộ máy, có một thực tế là, ở nơi này, nơi kia công tác tổ chức cán bộ Hội Nông dân còn có hạn chế nhận định, bản thân một số cấp ủy chưa thực sự quan tâm đến công tác cán bộ Hội. Do vậy, tôi cho rằng, Nghị quyết 46 sẽ giúp khắc phục được vấn đề này.
Trong mục tiêu cụ thể của Nghị quyết 46, việc nâng cao, tăng cường chất lượng đào tạo nghề cho nông dân cũng được đề cập đến với những chỉ tiêu cụ thể; việc thúc đẩy liên kết nông dân, vận động nông dân tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã cũng đã được đề cập đến, coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng để xây dựng một thế hệ nông dân mới - nông dân văn minh.
Với một nghị quyết mang tính kim chỉ nam như vậy, ông kỳ vọng như thế nào về sự phối hợp của các cấp, ngành, địa phương trong công tác xây dựng Hội Nông dân trong thời gian tới?
- Nghị quyết chỉ có thể được hiện thực hóa bằng các chương trình hành động cụ thể, bằng các đề án, dự án cụ thể của các cơ quan có liên quan, do vậy, để thực hiện Nghị quyết 46, các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể khác, các cơ quan sẽ cùng chung tay với Hội Nông dân để thực hiện, xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình.
Trong Nghị quyết cũng đã giao cho các Đảng đoàn, ban cán sự Đảng, các ban Đảng, Đảng ủy trực thuộc Trung ương cần xây dựng chương trình hành động để tổ chức thực hiện Nghị quyết và tôi tin Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự Đảng Chính phủ, các bộ ngành, các Tỉnh ủy, Thành ủy sẽ rất quyết liệt trong việc triển khai nghị quyết này bởi vị trí, vai trò của giai cấp nông dân đã được khẳng định trong suốt chiều dài lịch sử đất nước.
Xin trân trọng cảm ơn ông!