Mấy ngày qua, thời tiết miền Bắc chuyển rét đậm dưới 10 độ C khiến cho lịch đi học của học sinh bị thay đổi. Cứ 6 giờ sáng mỗi ngày, phụ huynh mong ngóng bản tin thời tiết để xem con có đi học hay không.
Theo thông báo ngày 18/12 của Sở GDĐT Hà Nội, để đảm bảo sức khỏe cho học sinh, đề nghị Trưởng phòng GDĐT và hiệu trưởng thường xuyên theo dõi thông tin nhiệt độ ngoài trời của khu vực Hà Nội trong những ngày trời rét đậm, rét hại được phát tại bản tin dự báo thời tiết lúc 6h của chương trình "Chào buổi sáng" trên kênh VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam và chương trình "Hà Nội buổi sáng" trên kênh H1, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội. Các nhà trường học chủ động điều chỉnh giờ học hoặc cho học sinh nghỉ học khi nhiệt độ ngoài trời dưới 10⁰C với học sinh mầm non, tiểu học; học sinh trung học cơ sở nghỉ học khi nhiệt độ ngoài trời dưới 7⁰C.
Tuy nhiên, do thời tiết không mưa và đúng vào giai đoạn học sinh kiểm tra học kỳ 1 nên nhiều trường từ mầm non đến THPT vẫn cho học sinh đi học bình thường. Thay vào đó, có trường điều chỉnh giờ vào học của học sinh.
Chị Nguyễn Thanh Tâm, quận Thanh Xuân, Hà Nội, có con theo học ở Trường Tiểu học Thanh Xuân Bắc chia sẻ: "Trong khi đang băn khoăn không biết con có đi học hay không thì tôi nhận được thông báo của nhà trường về việc lùi giờ học để phòng chống rét cho học sinh. Tôi rất mừng, lùi giờ học đồng nghĩa với việc 2 con tôi sẽ được ngủ thêm giờ và được giữ ấm cơ thể hơn. Người lớn thức dậy vào lúc 6h sáng trong tiết trời lạnh khắc nghiệt như này còn thấy khó khăn, đổ bệnh, huống hồ trẻ nhỏ. Dậy sớm sẽ rất vất vả và thương bọn trẻ".
Vừa co ro trong lớp áo dày, khuôn mặt bịt kín chỉ hở mỗi đôi mắt, anh Nguyễn Tiến Minh, cho biết, dù biết nhà trường có thông báo lùi giờ học nhưng anh vẫn phải đưa con đến trường sớm hơn giờ thông báo bởi bản thân anh là một nhân viên kế toán, công việc cuối năm bận rộn. Thật may, nhà trường vẫn tạo điều kiện cho học sinh đến trường theo lịch cũ nếu bố mẹ phải đi làm sớm".
Có con đang học tại trường mầm non ở quận Cầu Giấy, chị Nguyễn Phương Thảo ủng hộ việc cho học sinh đi học: "Con ở nhà hở ra là xem điện thoại tivi, ăn uống lung tung không được đảm bảo. Đến trường đi học, ăn ngủ có nếp sinh hoạt lại có bạn mà chơi. Tôi nghĩ các trường tăng cường các biện pháp phòng chống rét cho học sinh, linh động giờ vào lớp cho các em là phù hợp với thời tiết này'.
Phó Trưởng phòng GDĐT huyện Ứng Hoà Đặng Văn Khoái cũng cho biết, trong những ngày rét đậm, rét hại căn cứ điều kiện thời tiết, các trường có thể điều chỉnh thời gian học sao cho học sinh không phải đến trường quá sớm. Trường hợp học sinh đến muộn vì lý do thời tiết, cần linh hoạt giải quyết để học sinh được vào học.
Bên cạnh đó, các trường kiểm tra và sửa chữa kịp thời các phòng học, phòng chức năng, phòng bán trú, phòng ăn… bảo đảm tránh gió lùa, đủ sáng và giữ ấm cho học sinh. Đối với các trường có tổ chức bán trú, cần đặc biệt quan tâm bảo đảm cơm, thức ăn, nước uống nóng; chỗ nghỉ trưa đủ ấm. Đối với các trường, nhóm lớm mầm non cần bảo đảm có nước ấm để chăm sóc và phục vụ trẻ em.
Không tổ chức hoạt động tập trung học sinh ngoài trời trong những ngày rét đậm, rét hại; các trường phối hợp với cha mẹ học sinh nhắc nhở các em mặc đủ ấm; nhà trường không bắt buộc học sinh mặc đồng phục trong ngày trời rét.
Điều chỉnh lịch học hoặc cho nghỉ là phương án tối ưu hiện nay của học sinh vào những ngày rét đậm. Tuy nhiên, về phía gia đình, phụ huynh cũng cần chú ý đảm bảo sức khỏe cho các em khi ở nhà hoặc trên đường đi học. Theo các chuyên gia, có 4 bệnh hô hấp trẻ em hay mắc phải đó là:
Bệnh cúm do virus gây ra nên vào mùa lạnh trẻ em rất dễ mắc. Khi mắc cúm trẻ thường sốt từ 5 - 7 ngày, đau cơ, mệt mỏi, ho và sổ mũi.
Hen phế quản chính là bệnh hô hấp mạn tính thường gặp nhất ở trẻ em, vào mùa lạnh rất dễ mắc và khiến trẻ tái phát căn bệnh này. Thống kê cho thấy tại Hà Nội có 8,1% trẻ em nội thành và 6,7% trẻ em ngoại thành mắc bệnh hen phế quản. Bệnh nhân sẽ bị ho, thở khò khè, nặng ngực, khó thở, mà thường gọi là lên cơn hen. Tuy hen là một bệnh không thể trị dứt được, nhưng có thể kiểm soát tốt. Phòng ngừa hen sẽ giúp cho trẻ giảm hoặc không còn lên cơn, trẻ có thể sinh hoạt – học tập – vui chơi, phát triển bình thường cả về thể chất lẫn tinh thần.
Viêm phế quản là bệnh thường gặp ở trẻ, bất kể lứa tuổi nào và thời tiết nào, đặc biệt là trẻ ở thành thị, cũng như ở các nơi tập trung dân cư đông đúc thì tỉ lệ bệnh còn cao hơn. Bệnh rất hay gặp ở trẻ em, thời tiết lạnh là một yếu tố nguy cơ khiến bệnh gia tăng.
Viêm phổi là tình trạng nhiễm trùng ở phổi, bệnh hay gặp ở trẻ nhỏ, nhất là khi thời tiết lạnh, thời tiết chuyển mùa. Ở trẻ em, viêm phổi có thể xuất hiện ở bất kỳ lứa tuổi nào, nhưng thường thấy ở nhóm trẻ nhỏ từ 1 - 5 tuổi.