Dân Việt

Ông Lưu Bình Nhưỡng sẽ bị buộc thôi việc sau khi bị khai trừ Đảng?

PVCT 24/12/2023 09:58 GMT+7
Ông Lưu Bình Nhưỡng, nguyên Phó trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương khai trừ Đảng. Ông sẽ còn phải chịu kỷ luật về hành chính ở mức cao nhất đối với xử lý cán bộ công chức vi phạm.

Như Dân Việt thông tin, tại kỳ họp thứ 34, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật đối với ông Lưu Bình Nhưỡng, nguyên Phó trưởng Ban Dân nguyện.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy, ông Lưu Bình Nhưỡng đã suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi; vi phạm Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và cơ quan nhà nước.

Ông Lưu Bình Nhưỡng sẽ bị buộc thôi việc sau khi bị khai trừ Đảng - Ảnh 1.

Ông Lưu Bình Nhưỡng sẽ đối diện với kỷ luật về hành chính sau khi bị kỷ luật khai trừ Đảng. Ảnh CATB

Trao đổi với Dân Việt, một nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, theo quy định số 69 của Bộ Chính trị về kỷ luật tổ chức Đảng và đảng viên vi phạm, nguyên tắc xử lý kỷ luật đã nêu rõ: Kỷ luật đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể và các hình thức xử phạt của pháp luật. Đảng viên bị kỷ luật về đảng thì cấp ủy quản lý đảng viên đó phải kịp thời chỉ đạo hoặc đề nghị cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội có thẩm quyền, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày công bố quyết định kỷ luật về Đảng, phải kỷ luật về hành chính, đoàn thể (nếu có) theo quy định của cơ quan nhà nước, đoàn thể.

Đối với những cán bộ công chức lãnh đạo sau khi nghỉ hưu bị kỷ luật khai trừ Đảng thì bên chính quyền sẽ bị kỷ luật xóa tư cách; Còn đối với cán bộ công chức đang công tác, sau khi bị kỷ luật khai trừ khỏi Đảng, về hành chính họ sẽ bị kỷ luật ở mức tương đương, đó là buộc thôi việc (hình thức kỷ luật cao nhất). Trước đó đã có các trường hợp cán bộ công chức sau khi vi phạm pháp luật, bị tổ chức Đảng khai trừ, sau đó bị cơ quan chức năng kỷ luật buộc thôi việc, như trường hợp cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường; cựu Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc; cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng; ông Nguyễn Quang Linh, cựu Trợ lý Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng.

Ông Lưu Bình Nhưỡng giúp sức cho Cường "quắt" 

Về trường hợp của ông Lưu Bình Nhưỡng, ông bị Công an tỉnh Thái Bình ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam về hành vi Cưỡng đoạt tài sản theo khoản 4 Điều 170 Bộ luật Hình sự (ngày 14/11/2023).

Ngày 7/12, tại kỳ họp HĐND tỉnh Thái Bình, ông Lại Hợp Mạnh, Viện trưởng VKSND tỉnh Thái Bình, nêu trường hợp vi phạm của ông Lưu Bình Nhưỡng, khi báo cáo về tình hình vi phạm, tội phạm năm 2023 và kết quả công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát, điều tra, xét xử án hình sự.

Theo Viện trưởng Viện KSND tỉnh Thái Bình, việc khởi tố, bắt tạm giam ông Lưu Bình Nhưỡng căn cứ vào kết quả điều tra vụ án Phạm Minh Cường (Cường "quắt"- sinh năm 1986, trú tại xã Thụy Xuân, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình; là đối tượng có 3 tiền án) là băng nhóm xã hội phức tạp, đã thực hiện nhiều hành vi trái pháp luật, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.

Từ năm 2020 đến 2022, Cường và đồng bọn, đồng phạm đã cưỡng đoạt của một số doanh nghiệp được UBDN tỉnh Thái Bình cấp phép khai thác tại mỏ cát ven biển xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy với gần 5 tỷ đồng.

Thông qua việc Cường và đồng phạm tự ý xác lập các quyền sở hữu trái phép như cắm cọc lập vây, lập chòi các bãi triều có diện tích khoảng 180 ha; gây sức ép, buộc các doanh nghiệp phải trả tiền theo khối lượng cát khai thác được, với giá 1.500 đồng/1m3 cát và nhân với 700m3/1 tàu, theo phương thức đếm tàu tính tiền. Tức là một tàu vào khai thác cát khoảng 700m3, muốn đi qua bãi của Cường phải nộp 1.500 đồng/1m3 cát.

Quá trình cưỡng đoạt tiền của doanh nghiệp, Cường đã bị một số nhóm đối tượng xã hội cản trở, gây khó khăn dẫn đến việc chiếm đoạt được tiền của doanh nghiệp bị hạn chế. Do có mối quan hệ từ trước (ông Nhưỡng từng nhận Cường là cháu, Cường từng nói ông Nhưỡng là bố nuôi), đối tượng Cường đã nhờ ông Lưu Bình Nhưỡng can thiệp, tác động với cơ quan chức năng của tỉnh Thái Bình để các nhóm xã hội này không gây sự, gây khó khăn nữa. Sau đó, Cường tiếp tục thực hiện việc cưỡng đoạt tiền của doanh nghiệp.

Hành vi phạm tội của ông Lưu Bình Nhưỡng là đồng phạm, với vai trò giúp sức để Phạm Minh Cường cưỡng đoạt tài sản, theo khoản 4, Điều 170 Bộ Luật hình sự.

Ông Lưu Bình Nhưỡng sinh năm 1963, ông có học vị tiến sĩ, từng là đại biểu Quốc hội khóa XIV (2016-2021) thuộc đoàn đại biểu tỉnh Bến Tre, Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội. Hồi tháng 9/2018, ông Nhưỡng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều động, bổ nhiệm giữ chức Phó trưởng Ban Dân nguyện.