Theo ghi nhận PV Dân Việt, mặc thời tiết mưa rét giá lạnh nhưng các ngư dân vùng biển ở các huyện như: Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên… (tỉnh Hà Tĩnh) vẫn mang theo dụng cụ tới bãi bồi để bới cát, cào ngao, đục hàu mưu sinh.
Theo người dân địa phương, công việc đào ngao, đục hàu kéo dài quanh năm. Tuy nhiên, vào mùa đông, việc khai thác hải sản trở nên khó khăn, bù lại hàu ngon hơn bán được giá hơn. Hàng chục năm nay, đây là công việc giúp chị em phụ nữ tăng thêm thu nhập.
Bà Nguyễn Thị Châu (trú tại xã Cẩm Lĩnh, Cẩm Xuyên) đang bận rộn đào cát trên bãi biển để tìm ngao, chia sẻ: "Khu vực chúng tôi ít đất nông nghiệp để canh tác, học hành không đến nơi đến chốn, kinh tế phụ thuộc vào biển để mưu sinh. Đàn ông đi biển đánh cá, phụ nữ ngoài thời gian đi chợ bán cá, còn thời gian mang theo dụng cụ tới đây để cào ngao, đục hàu, bắt hải sản… kiếm thêm thu nhập".
"Ngay từ nhỏ cuộc sống chúng tôi đã gắn liền với biển nên dù mưa, lạnh giá chúng tôi cũng không bỏ công việc của mình. Nhờ công việc này mà gia đình chúng tôi có thêm đồng ra đồng vào, có thêm tiền để nuôi các con ăn học. Nhờ công việc này trung bình tôi kiếm được từ 100.000 -150.000 đồng/ngày", bà Châu bật mí.
Cách điểm đào ngao của bà Châu khoảng hơn 100m, nhiều ngư dân khác vẫn đang miệt mài đục hàu tại các mỏm đá dưới chân cầu Cẩm Nhượng. Người đi đục hàu thường mang theo chiếc dùi sắt, chiếc búa để tách hàu khỏi các mỏm đá.
Bà Nguyễn Thị Phương (trú tại xã Cẩm Nhượng), cho biết: "Hàu thường bám trên những mỏm đá, chân cầu. Đục hàu đòi hỏi phải chịu khó, tỉ mỉ bởi hàu rất giống đá, hàu bám chặt vào đá nên đục mạnh, nhiều lần mới lấy được. Để đục được hàu, chúng tôi phải đi trên những mỏm đá nhọn, trơn trượt hoặc lội xuống nước phía chân cầu. Tôi đã nhiều lần bị búa đập vào tay, vỏ hàu cứa chảy máu nhưng là công việc mưu sinh nên vẫn kiên trì làm".
Mỗi buổi đi đục hàu kéo dài từ 3-4 giờ, có thể đục được 2-3 kg ruột hàu, bán với giá 70.000-80.000 đồng/kg, sau buổi chiều vất vả mỗi người có thể bán được gần 200.000 đồng. Trong quá trình đục hàu, những người phụ nữ nơi cửa biển có thể bắt được thêm cua, ghẹ, ốc…. để tăng thêm thu nhập của mỗi chuyến đi.
Tận dụng khi thủy triều xuống, hàng chục người đã mang theo cào tre để săn ngao tại vùng biển Cửa Sót (xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà).
Nghề nạo ngao tại đây đã có từ lâu đời, người làm công việc này chủ yếu là phụ nữ. Không chỉ người dân huyện Lộc Hà, nhiều phụ nữ tại các huyện lân cận như: Nghi Xuân, Thạch Hà cũng đến vùng biển này để săn ngao.
Người săn ngao dùng lực tay ấn lưỡi thép xuống nền biển, khom người đi giật lùi. Khi lưỡi thép chạm trúng ngao sẽ tạo ra tiếng động nhẹ, ngư dân dừng lại lấy ngao bỏ vào trong giỏ.
Bà Lê Thị Hoa (trú tại xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà) nói: "Dù thời tiết lạnh nhưng chúng tôi vẫn ra biển đi nạo ngao. Công việc này đòi hỏi người làm phải có sức khỏe tốt vì phải đi nhiều, kéo đau vai, chịu đựng thời tiết khắc nghiệt trong thời gian dài. Vì đi chân trần nên tôi thường xuyên dẫm phải vỏ sò, ốc khiến chảy máu".
Công việc vất vả nhưng đã giúp những người phụ nữ có thêm thu nhập. Trung bình mỗi ngày đi nạo ngao, ngư dân bắt được 4-5kg, bán với giá 60.000 đồng-80.000 đồng/kg (tùy loại) đã giúp họ thu về từ 200.000-400.000 đồng/kg.