Ngày 25/12, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam với ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ", quy định tại khoản 3, Điều 356 Bộ luật hình sự.
Cơ quan điều tra xác định ông Bình đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, can thiệp, chỉ đạo giúp Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Hậu - Tổng 68 được cấp phép thăm dò, khai thác, điều chỉnh trữ lượng, công suất và khai thác trái quy định của pháp luật tại mỏ cát xã Mỹ Hiệp và Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, thu lợi bất chính số tiền đặc biệt lớn, gây thiệt hại tài sản Nhà nước.
Trước đó, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố vụ án Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, xảy ra tại Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Hậu - Tổng 68, Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh An Giang và các đơn vị liên quan.
Cơ quan CSĐT Bộ Công an đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án, rà soát, kê biên, phong tỏa tài sản của các đối tượng để đảm bảo triệt để thu hồi cho nhà nước.
Trước đó, ngày 25/8, Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng đã khởi tố, bắt tạm giam bị can Trần Anh Thư - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang về tội nhận hối lộ.
Cùng tội danh trên, ông Nguyễn Việt Trí - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang cũng bị khởi tố hồi giữa tháng 8.
Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, với thông tin ban đầu như trên, cơ quan điều tra cho rằng vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân mà làm trái công vụ, gây thiệt hại đến tài sản của nhà nước sẽ bị xử lý về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Để buộc tội, cơ quan điều tra sẽ chứng minh yếu tố vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khiến cho bị can làm trái công vụ, gây thiệt hại đến tài sản của nhà nước. Hành vi làm trái công vụ ở đây có thể là không thực hiện hoặc thực hiện sai chức trách nhiệm vụ được giao gây thiệt hại đến tài sản của nhà nước.
Hành vi vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân mà làm trái công vụ gây thiệt hại đến tài sản của nhà nước từ 10 triệu đồng trở lên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo ông Cường, khoản 6, Điều 3, Nghị quyết số 03/2020/NQ- HĐTP hướng dẫn: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn quy định tại khoản 1 Điều 356 Bộ luật hình sự là dựa vào chức vụ, quyền hạn được giao để làm trái, không làm hoặc làm không đúng quy định của pháp luật.
Bởi vậy, cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi làm trái, không làm hoặc làm không đúng quy định pháp luật của bị can trong vụ án này là gì, thể hiện qua các tài liệu chứng cứ nào và hành vi này là nguyên nhân gây ra thiệt hại đến tài sản của nhà nước. Đây là những tình tiết để định tội danh về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Trường hợp bị kết tội về tội danh trên, người vi phạm có thể phải đối mặt với khung hình phạt là phạt tù từ 10 năm đến 15 năm. Đây là khung hình phạt của khoản 3, Điều 356 mà bị can đang bị khởi tố.
Tuy nhiên, trường hợp bị kết tội, việc quyết định hình phạt sẽ căn cứ vào quy định của Bộ luật hình sự, trên cơ sở đánh giá tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Nếu bị can thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả, gia đình có công với cách mạng, có thành tích xuất sắc trong công tác... có thể được xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt theo quy định tại Điều 54 Bộ luật hình sự.