Ngày 24/12, lãnh đạo xã Đông Quan (huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) xác nhận trên địa bàn vừa xảy ra vụ việc một cô dâu bị người yêu cũ chém trọng thương khi đang tổ chức đám cưới.
Theo thông tin ban đầu, 7h45 cùng ngày, trong lúc gia đình chị H. (23 tuổi, trú tại xã Đông Quan, huyện Đông Hưng) tổ chức tiệc cưới và chuẩn bị tiệc đãi khách trước khi nhà trai đến đón dâu như đã định thì Đoàn Hữu Dũng (28 tuổi, trú tại xã Sơn Hà, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình), xuất hiện tại đám cưới.
Giữa hai bên có lời qua tiếng lại và Dũng bỏ đi. Sau đó người này mang dao trở lại, chém nhiều nhát vào vùng mặt và đâm vào bụng của chị H. khiến chị bị thương nặng.
Dũng sau đó đã bị tạm giữ đưa về cơ quan công an để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích. Gia đình của cô dâu và bạn bè có mặt đưa chị H. đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình.
Bước đầu cơ quan chức năng xác định đối tượng này là người yêu cũ của cô dâu, vì ghen tuông nên đã thực hiện hành vi tấn công gây thương tích nghiêm trọng cho nạn nhân.
Cố ý gây thương tích hay giết người?
Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, cơ quan điều tra sẽ làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ diễn biến hành vi của đối tượng, xác định khả năng nhận thức điều khiển hành vi của đối tượng khi thực hành hành vi nguy hiểm cho xã hội, đánh giá hậu quả xảy ra đối với nạn nhân để xử lý theo quy định của pháp luật.
Trường hợp kết quả xác minh cho thấy đối tượng thực hiện hành vi nhằm mục đích tước đoạt tính mạng nạn nhân hoặc hành vi có thể dẫn đến chết người, cơ quan điều tra có thể sẽ khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với đối tượng về tội giết người theo quy định tại Điều 123 Bộ luật hình sự.
Theo ông Cường, để làm rõ hành vi của đối tượng là cố ý gây thương tích hay giết người, cơ quan điều tra sẽ làm rõ tư thế thực hiện hành vi chém người, vị trí mà đối tượng này hướng đến, khả năng chống cự của nạn nhân, khả năng sát thương của hung khí, mức độ thương tích và hậu quả có thể xảy ra để xác định hành vi này có thể dẫn đến chết người hay không làm cơ sở xác định tội danh sẽ xử lý đối với đối tượng.
Về mặt lý luận, tội giết người là tội danh có cấu thành hình thức, đối tượng thực hiện hành vi nguy hiểm có thể tước đoạt tính mạng trái pháp luật của người khác là bị xử lý về tội danh này, không phụ thuộc vào việc nạn nhân có tử vong hay không.
Theo quy định của pháp luật khi thực hiện hành vi nguy hiểm, có thể trước đoạt tính mạng của người khác, trong đó có hành vi sử dụng hung khí nguy hiểm đánh vào vùng trọng yếu, bỏ mặc hậu quả chết người có thể xảy ra hoặc mong muốn hậu quả chết người xảy ra (nạn nhân không chết là do được cấp cứu kịp thời, nằm ngoài ý thức chủ quan của đối tượng gây án), đây là hành vi giết người, đối tượng sẽ bị xử lý hình sự về tội giết người mà không phụ thuộc vào việc nạn nhân có tử vong hay không.
Còn trường hợp nếu không có đủ căn cứ để xử lý đối tượng về tội giết người, cơ quan điều tra có thể xử lý đối tượng về tội cố ý gây thương tích.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.