Dân Việt

Người dân còn băn khoăn khi mua ô tô điện, làm gì để giải quyết điều đó?

Khải Phạm 01/01/2024 14:29 GMT+7
Ô tô điện là xu hướng phát triển tương lai không chỉ ở trên thế giới mà ngay tại Việt Nam, điều đó cũng được thể hiện rõ rệt. Tuy nhiên, người dân vẫn còn nhiều băn khoăn, đắn đó khi lựa chọn loại phương tiện này dù nhiều ưu đãi, vậy làm thế nào để giải quyết điều đó.

Trong bối cảnh hiện nay khi trái đất nóng lên từng ngày vì hiệu ứng nhà kính, các quốc gia đang tìm mọi giải pháp để hạn chế điều đó. Một trong những nguyên nhân dẫn đến điều đó là do lượng phát thải lớn của các loại phương tiện sử dụng động cơ đốt trong.

Giải pháp cấp thiết cũng như về lâu dài đặt ra là phải giảm lượng phát thải từ các loại phương tiện. Không còn cách nào khác, phát triển ô tô điện, xe máy điện, được coi là nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong thời gian tới.

Việt Nam cũng không đứng ngoài guồng quay đó khi xe điện đang được tập trung đầu tư phát triển, các hãng xe điện cũng dần nhiều hơn để tăng thêm sự lựa chọn cho người dân, hạn chế động cơ đốt trong.

Ô tô điện đã bùng nổ... nhưng lại chậm nhịp

Trước đây, ô tô điện đã manh nha xâm nhập thị trường Việt Nam, nhưng đều là những xe sang có giá trị cao. Khi nhập khẩu từ Mỹ, châu Âu, xe điện phải chịu mức thuế, phí cao nên khi lăn bánh giá dao động từ 3-10 tỷ đồng. Với mức giá trên, xe điện chỉ dành cho người giàu, thích sự khác biệt, còn nó ngoài tầm với của đại đa số người dân.

Bước ngoặt thực sự đến với thị trường Việt Nam kể từ khi VinFast tuyên bố chuyển hoàn toàn sang sản xuất, phân phối ô tô điện và bỏ xe xăng truyền thống. Thời gian đầu, VinFast gặp nhiều hoài nghi, nhưng với cách làm quyết liệt của mình, ô tô điện đã dần thuyết phục bộ phận lớn người dùng.

Người dân còn băn khoăn khi mua ô tô điện, làm gì để giải quyết điều đó? - Ảnh 1.

Ô tô điện đã bùng nổ khi VinFast tung ra sản phẩm đầu tiên VF e34. Ảnh VinFast.

Ô tô điện đã bùng nổ khi VinFast tung ra sản phẩm đầu tiên VF e34, rất nhanh chóng, mẫu xe này được sự đón nhận nhiệt tình của người tiêu dùng trong nước. Thậm chí, gần một năm khi mở bán, VinFast VF e34 vẫn không kịp bàn giao đến khách hàng.

Thời điểm đó, người dùng tìm đủ mọi cách từ mua cọc, trả tăng giá, gom Voucher... để sở hữu VinFast VF e34. Đồng thời, mẫu ô tô điện này cũng nhận được nhiều đánh giá tích cực từ người dùng bởi chi phí sử dụng rẻ, hợp lý.

Sự đón nhận ô tô điện của người dùng còn kéo dài khi VinFast VF8 ra mắt vào giữa năm 2022. Đặc biệt, nhiều chính sách từ hãng áp dụng, VF8 có mức giá bán rẻ hơn nhiều so với giá trị thực tế mà chiếc xe này mang lại. Chính vì vậy, một lần nữa VinFast VF8 đã khiến người dùng phải săn lùng, tìm kiếm để sở hữu bằng được sản phẩm ô tô điện thuộc phân khúc D-SUV này.

Đặc biệt hơn, VinFast VF8 còn là sản phẩm xe điện đầu tiên tạo bước ngoặt lịch sử khi Việt Nam xuất khẩu ô tô ra thị trường thế giới với điểm đến đầu tiên là Mỹ - nơi có thương hiệu ô tô điện lớn hàng đầu thế giới là Tesla.

Ngoài VinFast, thị trường ô tô điện Việt Nam cũng đón nhận thêm một số cái tên như Mercedes-Benz có 4 dòng xe điện, Porsche Taycan, BMW i7, Wuling Hongquang MINIEV, Hyundai ioniq 5, Haima 7X-E... 

Mặc dù tăng trưởng "nóng" trong gần 2 năm qua, nhưng ô tô điện bỗng chững lại trong nửa cuối năm 2023. Người dân tỏ ra không "mặn mà" trong việc sở hữu xe điện, điều đó đến từ nhiều nguyên chủ quan và khách quan.

Về chủ quan, nhiều người dân vẫn ngại thay đổi thói quen sử dụng ô tô khi chuyển từ xe xăng sang ô tô điện là nguyên nhân chủ yếu.

"Dùng ô tô điện mất nhiều thời gian sạc, phong cách lái xe cũng phải thay đổi nên tôi vẫn rất băn khoăn. Đồng thời, giá xe điện hiện vẫn khá cao dù không mất phí trước bạ, nhưng cùng phân khúc, xe xăng vẫn có giá rẻ hơn rất nhiều", anh Xuân Thành (Xuân Đỉnh, Hà Nội) chia sẻ.

Ngoài ra, việc căn nhắc giữa việc thuê hay mua đứt pin cũng khiến không ít người chưa thực sự quyết tâm chuyển đổi phương tiện. Chính sách thuê pin ngày càng siết chặt, trong khi đó tài chính mua pin của người dân chưa sẵn sàng.

Người dân còn băn khoăn khi mua ô tô điện, làm gì để giải quyết điều đó? - Ảnh 3.

Trạm sạc vẫn là vấn đề lớn của ô tô điện. Ảnh Khải Phạm.

"Thực sự thuê pin sẽ hay hơn, có lợi hơn cho người dùng khi chai pin, sẽ không phải lo. Tuy nhiên, xe điện VinFast giờ thuê pin giá cao mà mua pin dường như ít người đủ khả năng và cũng ngại việc chai pin phải thay mới" anh Hùng (Cầu Giấy, Hà Nội) nói.

Nguyên nhân chủ quan từ người dùng là có, nhưng cũng phải nói rằng, còn nhiều nguyên nhân khách quan dẫn đến ô tô điện giảm sức hút tạm thời.

Theo chuyên gia ô tô Nguyễn Thanh Hải (Hải Kar), năm nay không chỉ ô tô điện mà tình hình chung của thị trường đều khó khăn. 

"Năm 2023, chúng ta thực sự cảm nhận rõ hậu quả của Covid-19 khi kinh tế suy thoái. Với kinh nghiệm theo dõi ngành ô tô nhiều năm, tôi thấy năm 2023 là năm khó khăn nhất với thị trường ô tô Việt Nam từ trước đến nay. Người dân vẫn còn tiền đấy, nhưng họ không muốn chi cho những khoản không cấp thiết, tiêu sản như ô tô nên thị trường chậm lại", ông Hải Kar nhận định.

Trạc sạc công cộng vẫn là vấn đề còn thiếu của thị trường ô tô điện. Video Khải Phạm.

Làm gì để ô tô điện thuyết phục người dân?

Đã bùng nổ, được săn đón... nhưng nhiều nguyên nhân dồn dập khiến ô tô điện đang chưa thực sự là ưu tiên của người Việt. Dù nhiều hãng xe mới, đa dạng sản phẩm lựa chọn, nhưng người dân vẫn còn băn khoăn.

"Giờ đây có nhiều lựa chọn xe điện hơn, nhưng đó vẫn chưa phải lựa chọn của gia đình tôi bởi mức giá, nhu cầu chưa thực sự phù hợp, có thể trong vài năm tới khi dùng xe điện đủ tiện tôi sẽ cân nhắc", anh Thành cho biết.

Thực tế, vấn đề cơ sở hạ tầng trạm sạc vẫn là nỗi lo lớn nhất của người tiêu dùng. Ngoài VinFast, các thương hiệu đã bán xe điện ở Việt Nam đều chưa xây dựng trạm sạc, do đó người dân đều phải sử dụng bộ sạc chậm ở nhà.

Người dân còn băn khoăn khi mua ô tô điện, làm gì để giải quyết điều đó? - Ảnh 5.

Cơ sở hạ tầng cần phát triển để người dân mua ô tô điện. Ảnh Khải Phạm.

Theo ông Hải Kar, ô tô điện khó bùng nổ nếu vấn đề trạm sạc không được giải quyết, đó sẽ là vấn đề cốt lõi đề người dân dám chuyển sang loại phương tiện này.

"Ô tô điện, đặc biệt xe Trung Quốc khó trở thành làn sóng xâm nhập Việt Nam như xe máy hơn 20 năm trước đây. Nguyên nhân dễ nhận thấy là bởi ngoài VinFast, không có bất cứ hãng xe nào có hệ thống trạm sạc. Trong khi đó, VinFast chỉ sẵn sàng chia sẻ cơ sở hạ tầng trong 10 năm nữa như lời của Chủ tịch Phạm Nhật Vượng", ông Hải nêu quan điểm.

Thực tế, trạm sạc của VinFast đã phủ sóng khắp 63 tỉnh thành, nhưng thực tế đều ở trung tâm, thành phố, còn các huyện, xã... hãng xe Việt vẫn cần thêm thời gian. Do đó, người sử dụng xe điện không thể tiếp nhiên liệu cho những chuyến đi dài hoặc xa trung tâm.

Nhìn sang nước phát triển ô tô điện lớn nhất thế giới là Trung Quốc, chúng ta dễ dàng nhận thấy sự chênh lệch.

Cụ thể, giữa năm 2023, Trung Quốc đã bổ sung thêm 649.000 bộ sạc công cộng, chiếm hơn 70% số lượng trạm sạc đã được lắp đặt trên toàn cầu. Trong khi đó, Liên minh xúc tiến cơ sở hạ tầng sạc điện Trung Quốc dự kiến số lượt lắp đặt sẽ tiếp tục tăng dự báo 975.000 lượt cài đặt công khai cho năm 2023. Được biết, con số này sẽ cao hơn gấp đôi số lượt cài đặt mà BloombergNEF mong đợi từ mọi quốc gia khác trên thế giới cộng lại.

Rõ ràng, việc phát triển trạm sạc là vấn đề mấu chốt để phát triển xe điện, điều mà Trung Quốc đã quyết tâm làm và thực hiện nhanh, mạnh cho đến thời điểm này để người dân sẵn sàng chuyển đổi phương tiện.

Điều đó được thể hiện qua doanh số khi ô tô điện chiếm 25% tổng lượng xe ô tô được bán ra tại Trung Quốc trong năm 2022. Doanh số bán xe năng lượng sạch ở nước này đã đạt 5,67 triệu chiếc trong năm 2022, nhiều hơn 50% tổng lượng xe bán ra trên toàn cầu. Bloomberg dự báo Trung Quốc sẽ chiếm khoảng 60% trong tổng số 14,1 triệu xe điện bán ra trên toàn thế giới trong năm nay.

Không chỉ vậy, Chính quyền Trung Quốc còn có chương trình kéo dài suốt một thập kỷ qua nhằm hỗ trợ những người mua xe điện với khoản tiền lên tới 60.000 nhân dân tệ (khoảng 197 triệu đồng). Mặc dù chương trình trợ giá toàn quốc đã kết thúc vào năm 2022 nhưng chính quyền một số địa phương như Thượng Hải vẫn tiếp tục hỗ trợ người mua xe điện khoản tiền lên tới 10.000 nhân dân tệ (khoảng 32 triệu đồng).

Người dân còn băn khoăn khi mua ô tô điện, làm gì để giải quyết điều đó? - Ảnh 6.

Trung Quốc có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển ô tô điện. Ảnh Geekpark.

Song song với đó, Trung Quốc còn có rất nhiều chương trình ưu đãi thuế như giảm thuế 10% đối với các giao dịch mua xe năng lượng sạch có giá dưới 300.000 nhân dân tệ (khoảng 1 tỷ đồng) đến năm 2025, sau đó sẽ trở lại mức 5% vào năm 2026 và 2027.

Sự hỗ trợ trực tiếp của chính phủ đối với các hãng sản xuất xe điện cũng giúp nhiều doanh nghiệp được thành lập và hoạt động.

Dù có hơn 500 thương hiệu xe điện tham gia vào thị trường trong năm 2019, nhưng sự hỗ trợ này đã tạo nên những tên tuổi thành công như BYD. Công ty có trụ sở tại Thâm Quyến đã trở thành thương hiệu xe điện bán chạy nhất ở Trung Quốc, chấm dứt thế thống trị nhiều thập kỷ của Volkswagen, tập đoàn xe hơi lớn nhất nước Đức.

Quay lại Việt Nam, hiện nay chính sách kích cầu mạnh mẽ nhất dành cho xe điện là người tiêu dùng được hỗ trợ 100% lệ phí trước bạ trong 5 năm kể từ ngày 1/3/2022. Trong vòng 2 năm tiếp theo (kể từ 1/3/2027) lệ phí trước bạ lần đầu bằng 50% mức thu đối với ô tô chạy xăng, dầu có cùng số chỗ ngồi. Miễn lệ phí cấp biển 3 năm đầu, giảm 50% lệ phí cấp biển cho ô tô điện cho 2 năm tiếp theo.

Trong khi đó, đề xuất hỗ trợ 1.000 USD cho người mua xe điện của Bộ GTVT đã bị Bộ Tài Chính bác vì  cho rằng, đây chính sách hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước ưu tiên cho người nghèo, đối tượng thuộc vùng sâu, vùng xa và có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Còn những người mua xe điện đều không phải đối tượng nghèo, khó khăn.

Ngoài ra, Bộ GTVT vẫn đang đề xuất hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng trạm sạc xe điện công cộng, nhưng đến nay vẫn chưa được thông qua.

Rõ ràng, có rất nhiều yếu tố khiến người dân còn băn khoăn khi lựa chọn ô tô điện vào thời điểm này. Trong đó, trạm sạc, chính sách hỗ trợ chuyển đổi phương tiện vẫn chưa thực sự quyết liệt như những gì Trung Quốc đã làm cả thập kỷ qua để trở thành quốc gia có lượng tiêu thụ ô tô điện lớn nhất thế giới.

Một khi đã giải quyết được vấn đề trạm sạc và có thêm những chính sách hỗ trợ dài hạn hơn, người dân sẽ có đủ lý do để sẵn sàng chuyển đổi phương tiện, xanh hóa môi trường, thúc đẩy phát triển công nghiệp ô tô không khói trong tương lai.