Dân Việt

Đại biểu ghi âm bài phát biểu của Tổng Bí thư, nhận thức sâu sắc nhiệm vụ của Hội Nông dân cấp cơ sở

Thiên Ngân 27/12/2023 07:32 GMT+7
Ông Trần Xuân Thuỷ - Chủ tịch Hội ND tỉnh Hà Giang cho biết: Chúng tôi nhận thức rất sâu sắc 7 nhiệm vụ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt ra tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội NDVN lần thứ VIII, bởi đó cũng chính là những tâm tư nguyện vọng của hội viên nông dân tỉnh Hà Giang.

Trong giờ giải lao tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội NDVN lần thứ VIII, chúng tôi có dịp gặp chị Củng Thị Quang, Chủ tịch Hội ND xã Phố Là, huyện Đồng Văn (tỉnh Hà Giang) với trang phục truyền thống rực rỡ của người Pu Péo. Trò chuyện với chúng tôi, chị Quang cho biết đây là lần đầu tiên chị được về Thủ đô Hà Nội dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hội NDVN. Chị vô cùng vinh dự khi được đón tiếp chu đáo, các chương trình diễn ra tại Đại hội đều rất hoành tráng, hấp dẫn. 

Chia sẻ về bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên khai mạc trọng thể Đại hội, chị Quang cho biết rất xúc động và đã ghi âm lại bài phát biểu của Tổng Bí thư để về nghe kĩ hơn, đồng thời sẽ chia sẻ bài phát biểu đó cho các anh chị em hội viên trong xã mình thực hiện. 

Ghi âm bài phát biểu của Tổng Bí thư, nhận thức sâu sắc nhiệm vụ của Hội Nông dân cấp cơ sở  - Ảnh 1.

Chị Củng Thị Quang, Chủ tịch Hội ND xã Phố Là, huyện Đồng Văn (tỉnh Hà Giang) trò chuyện cùng PV Dân Việt.

Với các nhiệm vụ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt ra, chị Quang cho biết, đó vừa là thách thức song cũng chính là những nhiệm vụ mà Hội ND cấp cơ sở cần quyết tâm thực hiện để giúp hội viên nông dân tháo gỡ khó khăn, vừa phát triển kinh tế vừa gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc. 

"Tuy đó đều là những nhiệm vụ khó khăn, song chúng tôi quyết tâm thực hiện bằng được. Hiện nay ở xã tôi các chương trình mục tiêu quốc gia đang được triển khai mạnh mẽ, hiệu quả, trong đó đang đẩy mạnh làm đường bê tông vào tận thôn, xóm. Hội ND xã tham gia rất tích cực vào việc vận động bà con, hội viên đóng góp ngày công làm đường, đẩy nhanh chương trình xây dựng nông thôn mới" - chị Quang cho biết.

Bản thân gia đình chị Quang đang nỗ lực cải tạo vườn tạp, tập trung chăm sóc 60 cây mận tam hoa và phát triển chăn nuôi đại gia súc. Hiện kinh tế gia đình chị Quang thuộc diện khá giả ở địa phương.

"Là đại diện cho hội viên Hội Nông dân tỉnh Hà Giang, tôi luôn mong muốn công tác hội sẽ ngày một phát triển, bà con dân tộc thiểu số sẽ học hỏi được nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hay để về quê hương xây dựng, phát triển, khát khao đưa bản làng vươn xa", chị Quang chia sẻ.

Ghi âm bài phát biểu của Tổng Bí thư, nhận thức sâu sắc nhiệm vụ của Hội Nông dân cấp cơ sở  - Ảnh 2.

Ông Trần Xuân Thuỷ - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hà Giang trò chuyện cùng PV.

Cùng trò chuyện với chúng tôi còn có ông Trần Xuân Thuỷ - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hà Giang. Ông Thuỷ cho biết: "Chúng tôi nhận thức rất sâu sắc 7 nhiệm vụ quan trọng mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề ra cho Đại hội, bởi những điều đó rất phù hợp với tâm tư nguyện vọng của hội viên nông dân tỉnh Hà Giang và cũng là các nhiệm vụ các cấp hội quyết tâm thực hiện. Mỗi nhiệm vụ đều có khó khăn nhất định, nhưng chúng tôi quyết tâm thực hiện ở mức cao nhất nhằm xây dựng hình ảnh người nông dân văn minh, nông thôn hiện đại". 

Thực tế, các phong trào, hoạt động Hội ND Hà Giang triển khai thời gian qua được bà con hội viên hưởng ứng rất mạnh mẽ, đơn cử như phong trào tích cực tham gia kết nối phát triển kinh tế tập thể, hỗ trợ nhau trong sản xuất kinh doanh, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm; phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo bền vững, làm giàu. 

Từ các phong trào này, tại Hà Giang đã xuất hiện nhiều gương điển hình làm kinh tế giỏi, đời sống hội viên nông dân ngày càng phát triển; mối liên kết giữa các cấp Hội nông dân cơ sở ngày càng gắn bó. Đặc biệt từ việc tham gia các phong trào do Hội phát động, tình làng nghĩa xóm thêm gắn kết, góp phần tạo sự đồng lòng, khí thế quyết tâm triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. 

Bên cạnh phát triển kinh tế, ông Thuỷ cho biết, hội viên nông dân tỉnh Hà Giang cũng đã biết giữ gìn và phát huy giá trị bản sắc văn hoá dân tộc, gắn với du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái để khai thác những giá trị vô hình từ các nét đẹp trong mỗi gia đình, bản làng. Nhờ đó, ngày càng có nhiều du khách chọn Hà Giang làm điểm đến. 

Tuy nhiên là địa bàn miền núi biên giới, với đặc thù địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn nên việc kết nạp, phát triển hội viên cũng có những khó khăn nhất định. Toàn tỉnh Hà Giang có 11 huyện, thành Hội, 193 cơ sở Hội và 2.056 chi hội. Trong nhiệm kỳ vừa qua, công tác xây dựng tổ chức Hội là nhiệm vụ then chốt, trong đó công tác phát triển hội viên được các cấp Hội đặc biệt quan tâm. Đến nay, tổng số hội viên trên toàn tỉnh là 117.265 hội viên. 

"Với sự quyết tâm cao, trong nhiệm kỳ tới chúng tôi sẽ phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu Đại hội đã giao" - ông Thuỷ khẳng định.

Bên lề Đại hội, anh Đặng Dương Minh Hoàng, chủ thương hiệu Bơ Ông Hoàng, Giám đốc HTX dịch vụ Nông nghiệp số Bình Phước, đồng thời là tân Uỷ viên BCH Trung ương Hội NDVN khóa VIII bày tỏ niềm vinh dự khi được gặp gỡ, trò chuyện với nhiều lãnh đạo Hội ND các cấp đến từ nhiều tỉnh thành, từ đó gợi mở cho anh nhiều suy nghĩ tâm tư, nguyện vọng. 

Anh Hoàng cho biết, trên thực tế, mô hình sản xuất nhỏ lẻ, kém hiệu quả và thiếu liên kết chuỗi giá trị vẫn luôn là một lực cản lớn cho sự phát triển của nền nông nghiệp Việt Nam nói chung và hội viên nông dân nói riêng. Do đó, bên cạnh đầu tư công nghệ chế biến, chú trọng thị trường nội địa, anh Hoàng cho rằng chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp được xem là nhiệm vụ cốt lõi cho tương lai của nền nông nghiệp nước ta nhằm giúp các nông gia nâng cao năng suất, chất lượng, tối ưu hóa sản xuất, giảm chi phí, thông tin minh bạch, chính xác, đẩy mạnh kết nối sản xuất cung - cầu, khắc phục tình trạng thiếu thông tin về thị trường. 

"Tôi cho rằng cần sớm có chính sách hỗ trợ nông dân áp dụng công nghệ thông tin vào sản xuất nông nghiệp, nhất là áp dụng sổ nhật ký điện tử để giúp người nông dân và chính quyền địa phương hệ thống hóa số liệu, chủ động kết nối cung - cầu; xây dựng chuỗi kết nối giữa các nông dân với kênh thu mua cuối cùng, giảm bớt khâu trung gian, chắc chắn sẽ mang lại tính ổn định cho các sản phẩm của địa phương" - anh Hoàng bày tỏ. 

Bên cạnh đó, Giám đốc HTX trẻ đến từ tỉnh Bình Phước cũng bày tỏ mong muốn các cấp Hội ND tăng cường các hoạt động xúc tiến, đẩy mạnh truyền thông, quảng bá tuyên truyền cho những nông hộ, HTX thực hiện nghiêm túc, hiệu quả việc ứng dụng nông nghiệp số, cơ giới hóa, tự động hóa và sản xuất nông sản hữu cơ. "Bên cạnh đó, các sở, ban ngành, các ngân hàng, các tổ chức tài chính công khai, công bố rộng rãi các chương trình hỗ trợ, cho vay ưu đãi…, đặc biệt là có cơ chế tín dụng cho nông nghiệp số, nông nghiệp hữu cơ" - anh Hoàng nói.