Bơm tạp chất, nhồi tinh quặng vào bụng tê tê
Như Báo điện tử Dân Việt đã phán ánh ở các bài viết đăng tải ngày 25 và 26/12 về việc những người buôn bán vảy tê tê ở phố Lãn Ông quảng bá vảy tê tê có thể chữa được bệnh ung thư và một số bệnh nan y khác. Tuy nhiên, đến nay chưa có công trình khoa học nào nghiên cứu và chứng minh vảy của loài vật này có thể chữa bệnh.
Một số nhà hàng, quán ăn thì cho rằng ăn thịt tê tê là sang trọng, là đẳng cấp khi thiết đãi khách VIP để mời chào khách. Vì thế, giá mua bán tê tê trên thị trường dịp cuốn năm được đẩy lên rất cao. Vậy nhưng, có cầu ắt có cung, chỉ cần khách có nhu cầu là chủ nhà hàng sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của các "thượng đế".
Quy luật cung cầu vẫn cứ tiếp diễn, làm cho thị trường buôn bán, tiêu thụ trái phép tê tê và các sản phẩm từ tê tê chưa bao giờ hết sôi động. Thế nhưng, ít ai biết rằng khi sử dụng các sản phẩm từ loài động vật quý hiếm này có thể bị xử lý hình sự bất kỳ lúc nào, đó là chưa kể tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh tật.
Tìm hiểu của Nhóm phóng viên Báo điện tử Dân Việt cho thấy, do là hàng quý hiếm, cấm buôn bán, giá cả đắt đỏ nên các đối tượng bán đã tìm mọi cách tăng trọng lượng cho tê tê khi giao hoặc cân hàng cho khách xem. Ngoài việc nhồi chất lỏng thì ngô, cơm, thậm chí là tinh bột quặng sẽ được bơm, nhồi vào bụng tê tê.
Chưa hết, một số nơi khi buôn bán tê tê bị chết trong quá trình vận chuyển, bẫy bắt người ta thường dùng các chất bảo quản để thịt được tươi ngon lâu hơn, các chất đó chủ yếu là chất hóa học, khi sử dụng nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của con người.
Trao đổi với Phóng viên Báo điện tử Dân Việt, ông Nguyễn Văn Thái, Phó Chủ tịch Hộ tê tê thế giới, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam khẳng định, cơ hội sống của tê tê rất thấp khi cứu hộ bởi trước đó trong quá trình vận chuyển chúng bị nhồi nhiều thứ vào bụng.
"Trong quá trình vận chuyển, các đối tượng buôn thường cho tê tê vào các túi lưới, buộc rất chặt và tê tê không giãy giụa được. Khi bán từ đối tượng này qua đối tượng kia thì họ luôn luôn bơm chất lỏng vào bụng tê tê, khi chúng tôi cứu hộ thì thường xuyên thấy tê tê nôn ra chất màu vàng, cơ hội sống rất thấp" - Phó Chủ tịch Hội tê tê thế giới nói.
Tê tê không phải là thuốc chữa bệnh
Với nhiều đời, nhiều năm kinh nghiệm bốc thuốc dưới chân núi Ba Vì, Hà Nội, lương y Lý Sinh Trình, Phòng khám chuyên khoa y học cổ truyền lương y Lý Sinh Trình cho rằng có nhiều loại thuốc nam có thể thay thế để chữa bệnh mà không cần sử dụng đến các sản phẩm từ động vật.
Ông Trình cho biết:"Theo đông y, tê tê có vị mặn, tính hơi hàn, tác dụng bài nùng, lợi sữa, hoạt huyết, thông kinh và được sử dụng để hỗ trợ điều trị u xơ tuyến tiền liệt, bế kinh, tắc sữa, xơ gan, bệnh trĩ…Trong khi đó có người hợp thuốc, có người không hợp thuốc nên không nhất thiết phải sử dụng vẩy tê".
"Để hỗ trợ các bệnh u bướu như u gan, xơ gan ta có các vị bạch mao căn, xạ đen.. Vì vậy ta không nên sử dụng vảy tê tê vừa vi phạm pháp luật lại gây ảnh hưởng đến đa dạng sinh học, mất cân bằng sinh thái của môi trường, tự nhiên" - Lương y Lý Sinh Trình nói thêm.
Cũng theo lương y Lý Sinh Trình, về bản chất vảy tê tê được cấu tạo từ chất sừng, cũng giống như móng tay và tóc con người… Việc thổi phồng công hiệu của vảy tê tê chỉ nhằm mục đích duy nhất là thu lợi bất chính. Cho nên một số chủ hiệu thuốc vẫn bất chấp tuyên truyền vảy tê tê chữa bách bệnh, chữa được cả bệnh ung thư để kiếm lợi.
Một số chuyên gia trong giới bảo tồn luôn kêu gọi, hãy ăn các thức ăn khác, ngoài những loài có nguy cơ tuyệt chủng và mất đi mãi mãi… Đối với tê tê cũng vậy, mỗi cá nhân cần nhận thấy việc sử dụng tê tê và các sản phẩm từ tê tê là tiếp tay cho các mạng lưới buôn lậu tê tê trong nước và quốc tế. Góp phần đẩy loài động vật hoang dã quý hiếm này đến bờ tuyệt chủng nhanh hơn.