Vì sao tê tê là loài động vật có vú bị buôn bán nhiều nhất thế giới
Hàng quốc cấm - tê tê và các sản phẩm từ tê tê buôn bán công khai như ngoài chợ
Nhóm Phóng viên
Thứ ba, ngày 26/12/2023 06:53 AM (GMT+7)
Dù là hàng quốc cấm, buôn bán một chiếc vảy cũng đủ điều kiện để xử lý hình sự, nhưng chỉ cần có tiền là mua được tê tê và các sản phẩm từ tê tê dù ở bất kỳ nơi đâu trên đất nước ta. Hành vi này đã góp phần đưa loài động vật "thời tiền sử" đến bờ vực tuyệt chủng.
Từ 2021 đến cuối năm 2023, nhóm phóng viên Báo điện tử Dân Việt đã thực hiện nhiều hành trình từ miền núi đến miền xuôi để ghi nhận tình trạng săn bắt, buôn bán tê tê và các sản phẩm từ tê tê trái phép.
Rao bán, chế biến động vật quý hiếm như thịt gà, vịt giữa chợ
Năm 2021 chúng tôi đã ghi nhận những cá thể tê tê được đem ra chào mời khách tại các quán hàng ở huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An và huyện Tương Dương, cùng tỉnh. Thậm chí ngay sát trung tâm thành phố du lịch - Huế một chủ nhà hàng đem tê tê sống ngoe nguẩy trong túi lưới ra chào bán.
Cùng thời điểm đó, một chủ nhà hàng ở huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum cũng mở tủ lạnh đem cá thể tê tê đông lạnh cuộn tròn ra giới thiệu. Tất cả những hình ảnh kể trên đều được chúng tôi ghi nhận, sau đó phối hợp với cơ quan chức năng xử lý các vi phạm.
Những tưởng, sau nhiều bản án được tuyên, các cuộc tuyên truyền được đẩy mạnh, nạn buôn bán tê tê sẽ thuyên giảm. Vậy nhưng, những ngày cuối năm 2023, nhóm phóng viên tiếp tục mở cuộc điều tra và phát hiện nhiều vi phạm, điều này cho thấy nạn buôn bán tê tê chưa bao giờ chấm dứt. Họ có những hành vi tinh vi hơn nhằm qua mắt lực lượng chức năng và lừa dối khách hành.
Đó là ghi nhận ở thời điểm cuối tháng 12/2023 tại một nhà hàng Ẩm thực Tây Bắc giữa thành phố "Hoa phượng đỏ" -quận Hải An, thành phố Hải Phòng. Mới bước vào nhà hàng, chỉ cần mong muốn có sản phẩm tê tê là chủ quán không chút do dự, nói vanh vách khiến chúng tôi rất sốc, bất ngờ, chỉ cần khách có tiền là ship vào tận… quận.
"Ăn thịt tê tê mới là sang trọng, mới là đẳng cấp" - chủ quán mời chào và buông lời gạ gẫm "1 con tê tê 4kg với giá 24 triệu đồng" và để che mắt lực lượng chức năng, chủ quán cho biết: "tê tê được làm thịt và chế biến ở chỗ khác, rồi mới đem về quán "đánh chén".
"Mình làm thịt và chế biến ở chỗ khác rồi nó mới mang về đây, anh mới dám làm, anh nói thật. Con đấy cứ hấp, xào lăn, ninh khoai. Để anh liên hệ, mình sẽ lấy cả tiết, cả mật, vảy anh cầm về đây em muốn làm gì thì làm", chủ quán ở Hải Phòng nói.
Dù biết rõ hành vi của mình là vi phạm pháp luật: "Tê tê anh nói thật tù đấy. Bên … nó vẫn ăn, anh ship vào tận quận luôn… Anh nói thật, … cũng run… Con đấy là con độc lạ mà là đẳng cấp!"
Rời Hải Phòng, chúng tôi trở lại Hà Nội, từ nguồn tin giới thượng lưu tiết lộ, phóng viên thâm nhập 1 nhà hàng trên phố Lê Văn Lương, quận Thanh Xuân. Tại đây, Menu không ghi thông tin các món ăn chế biến từ thịt tê tê nhưng nhân viên vẫn tư vấn công khai cho nhóm khách.
Nhớ như in trong đầu, người này kể vanh vách 6 món ăn chế biến từ tê tê kèm mức giá cắt cổ 10 triệu đồng/kg: "Tê tê thì có tiết pha dừa, hâm sâm, hấp xôi, canh khoai, lòng xào, cháo. Hàng chuẩn đấy anh, phải tầm hơn 3kg/con. Nếu ăn phải đặt trước. Khi nào ăn thì nhà em mới bắt đầu gọi hàng".
Trên thế giới hiện nay có 8 loài tê tê, trong đó có 2 loài tê tê phân bố tự nhiên ở Việt Nam là tê tê vàng và tê tê java. Hai loài tê tê này được bảo vệ ở cấp độ cao nhất theo quy định của luật pháp Việt Nam và quốc tế. Tất cả các hành vi vi phạm liên quan đến 2 loài tê tê vàng và tê tê java này thì có thể xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự với mức án cao nhất lên đến 15 năm tù đối với cá nhân và 15 tỉ đồng đối với pháp nhân. Chỉ cần một chiếc vảy tê tê buôn bán hay tàng trữ trái phép cũng đã hoàn toàn bị truy cứu trách nhiệm hình sự rồi. Đối với các loài tê tê còn lại cũng hoàn toàn bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc phạt tiền tùy theo số lượng hoặc giá trị của tang vật.
Chỉ buôn bán một chiếc vảy tê tê đã bị xử lý hình sự
Theo tìm hiểu của Phóng viên Báo điện tử Dân Việt, tê tê loài quý hiếm trong Sách đỏ Việt Nam, nằm trong nhóm động vật có mức độ đe dọa Nguy cấp và thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ cấp cao nhất.
Từ lâu, tê tê vẫn được xem là loài động vật bị săn bắt và buôn bán nhiều nhất ở trên thế giới. Thịt tê tê được quảng cáo và buôn bán ở trong các nhà hàng, vảy tê tê thì được buôn bán ở trong các nhà thuốc y dược cổ truyền.
Hay có những lời đồn thổi là uống máu tê tê có thể tăng cường sức lực, đấy là lý do vì sao dẫn đến nhu cầu tiêu thụ, sử dụng đối với tê tê và là nguyên nhân đẩy các loài tê tê đến bờ vực tuyệt chủng.
Trao đổi với Phóng viên Báo điện tử Dân Việt, bà Bùi Thị Hà, Phó giám đốc Trung tâm giáo dục thiên nhiên (ENV) khẳng định: "Chỉ cần buôn bán một chiếc vảy tê tê đã bị xử lý hình sự".
Cũng theo bà Hà, trong thời gian vừa qua, ENV nhận thấy là tình trạng buôn bán tê tê vẫn diễn biến phức tạp. Theo số liệu của ENV, chỉ trong vòng 5 năm, từ 2018 đến 2022 đã ghi nhận khoảng gần 600 vụ việc liên quan đến tê tê và vảy tê tê. Khoảng 50% các vụ việc liên quan đến việc quảng cáo buôn bán tê tê trên internet. Riêng trong 9 tháng đầu năm 2023, ghi nhận gần 100 vụ việc.
Theo một số chuyên gia bảo tồn, Việt Nam có vai trò chính là quốc gia chung chuyển và buôn bán vảy tê tê lớn trên thế giới. Với vai trò là quốc gia chung chuyển và buôn bán vảy tê tê này thì tôi nghĩ rằng là để chúng ta có thể ngăn chặn việc buôn bán và săn bắt tê tê ở trên thế giới thì chúng ta cần phải có nhiều nỗ lực để thực thi pháp luật để có thể là xử lý những vụ án, vụ việc buôn bán tê tê và vảy tê tê quy mô lớn.
Thời gian qua, những nỗ lực của cơ quan chức năng đối với việc xử lý những hành vi vi phạm đang có những ý nghĩa nhất định trong việc răn đe những vi phạm về tê tê và vảy tê tê.
Điều đáng nói, trong tự nhiên, tê tê gần như không bị đe dọa bởi những loài thú hung dữ mà kẻ thù lớn nhất của chúng lại chính là con người dù vi phạm liên quan đến 2 loài tê tê vàng và tê tê java ở Việt Nam đều có thể xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự với mức án cao nhất lên đến 15 năm tù đối với cá nhân; và 15 tỉ đồng đối với pháp nhân…
Pháp luật quy định rất rõ ràng, thế nhưng, tình trạng săn bắt, buôn bán trái phép tê tê vẫn thường xuyên diễn ra bởi có cầu ắt có cung.
Cả hai loài tê tê vàng và tê tê Java đều được pháp luật Việt Nam bảo vệ ở mức độ cao nhất. Hai loài này được liệt kê trong Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ ban hành kèm theo Nghị định 160/2013/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 64/2019/NĐ-CP). Theo đó, mọi hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của từ một cá thể đã bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự.
Vi phạm đối với từ 6 cá thể tê tê trở lên đã đáp ứng dấu hiệu định khung theo Khoản 3 Điều 244, sửa đổi bổ sung năm 2017 với mức hình phạt từ 10-15 năm tù đối với cá nhân.
Riêng hành vi quảng cáo bán tê tê hoặc các sản phẩm, bộ phận của tê tê được coi là hành vi quảng cáo hàng cấm và sẽ bị xử phạt hành chính từ 70 - 100 triệu đồng theo Điều 50, Nghị định 158/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 28/2017/NĐ-CP).
Năm 2016, tại Hội nghị lần thứ 17 các nước thành viên CITES (COP17), cả 8 loài tê tê trên thế giới đều được chuyển lên Phụ lục I của Công Ước CITES. Hai loài tê tê bản địa của Việt Nam đã được pháp luật trong nước bảo vệ ở mức cao nhất. Tuy nhiên, với vai trò là nước trung chuyển lớn nên việc nâng cấp mức độ bảo vệ tất cả các loài tê tê trên thế giới là một điều vô cùng quan trọng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.