Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, hiện Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính xây dựng phương pháp tính thuế hỗn hợp (thuế suất theo tỷ lệ phần trăm và mức thuế tuyệt đối) đối với rượu, bia theo Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ.
Đây cũng là xu hướng cải cách thuế theo chuẩn quốc tế để bảo đảm mục tiêu thuế tiêu thụ đặc biệt góp phần định hướng sản xuất, tiêu dùng và tăng thu ngân sách đồng thời vừa hạn chế sử dụng các sản phẩm không có lợi cho sức khỏe.
Hiện Luật thuế tiêu thụ đặc biệt qua 4 lần được sửa đổi, bổ sung đã đi vào cuộc sống và tác động tích cực đến nhiều mặt kinh tế - xã hội. Trong đó đáng kể nhất là định hướng tiêu dùng cho người dân. Bên cạnh đó, khuyến khích sử dụng sản phẩm xanh, sạch và thân thiện môi trường như nhiên liệu sinh học.
Tuy nhiên, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt vẫn tồn tại một số hạn chế, cần sửa đổi khắc phục như quy định về các đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt; đối tượng không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt; căn cứ tính thuế; giá tính thuế; thuế suất; hoàn thuế tiêu thụ đặc biệt và hoàn thiện quy định về điều khoản thi hành.
Bà Cúc cho rằng, để đảm bảo việc sửa đổi thuế tiêu thụ đặc biệt đúng, trúng và hiệu quả, cần cân đối ba đối tượng tác động là sức khỏe của nhân dân và cộng đồng; thu ngân sách nhà nước và tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển tốt hơn.
Bà này cho rằng, xu hướng áp dụng thuế hỗn hợp với đồ uống có cồn đã rõ, bởi đây là phương pháp tiên tiến của thế giới. Hơn nữa, Quyết định số 508/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Cải cách hệ thống thuế đến năm 20230 đã yêu cầu nghiên cứu áp dụng kết hợp giữa thuế suất theo tỷ lệ và mức thuế tuyệt đối đối với một số hàng hóa, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt; và mới đây, Nghị quyết số 115 của Chính phủ đã định hướng vấn đề này.
Cùng quan điểm về vấn đề này, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cho rằng, mô hình thuế hỗn hợp, tức là kết hợp giữa thuế tương đối và thuế tuyệt đối, ngày càng được nhiều quốc gia áp dụng. Năm 2008 chỉ có 55 quốc gia áp dụng thuế hỗn hợp đã tăng lên 62 quốc gia vào năm 2018. Trong ASEAN, có Thái Lan, Malaysia và Philippines đã triển khai mô hình thuế hỗn hợp với một số danh mục đồ uống có cồn.
Về nghiên cứu xu hướng và tác động đến chính sách, TS. Đặng Thị Thu Hoài, Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng: "Không phải ngẫu nhiên các nước phát triển áp dụng mô hình thuế hỗn hợp. Chúng tôi đã có một số nghiên cứu về vấn đề này và kết quả nghiên cứu cho thấy đã đến lúc Việt Nam áp dụng thuế hỗn hợp với đồ uống có cồn thay cho thuế tương đối hiện nay. Vấn đề quan trọng là điều kiện và cách thức triển khai cụ thể như thế nào".
Bà Hoài cho rằng, nếu áp dụng phương pháp thuế hỗn hợp sẽ khiến giá sản phẩm rượu ở phân khúc cao cấp rẻ hơn tương đối so với chính nó nếu áp thuế tương đối. Đồng thời người tiêu dùng sẽ chuyển sang sử dụng nhóm sản phẩm đồ uống có cồn với chất lượng tốt hơn, hạn chế việc sử dụng các sản phẩm rẻ tiền, không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm… từ đó có thể tăng thu ngân sách thêm khoảng 25% so với thuế tương đối hiện áp dụng.
Bà Đặng Ngọc Hương, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) cho biết: Trước đây, phương pháp thuế tương đối là phù hợp với Việt Nam, vì ưu điểm là tự động điều chỉnh theo lạm phát, giảm thiểu việc điều chỉnh thuế thường xuyên; thuận lợi cho việc thu và quản lý thuế. Tuy nhiên, hiện thuế tương đối không mang lại hiệu quả mong muốn trong việc giảm tiêu thụ sản phẩm và có thể hướng người tiêu dùng đến việc tiêu thụ các sản phẩm chất lượng thấp, bất hợp pháp.
"Có thể thấy lượng tiêu thụ cồn của Việt Nam vẫn tăng lên và tới 57% đồ uống có cồn ở Việt Nam là thuộc khu vực phi chính thức", bà Hương cho biết và nói thêm: Với điều kiện của Việt Nam thì chưa nên áp dụng vì có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp nội địa. "Chúng ta cần một bước chuyển, đó là mô hình thuế hỗn hợp và mô hình này khả thi trong điều kiện hiện nay của Việt Nam", bà Hương nói.