Ngày 29/12, trao đổi với Dân Việt, bà Châu Thị Xéo, nông dân sản xuất giỏi ở xã Phước Hải huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) cho biết, mấy ngày qua bà đã theo dõi kỹ chương trình Đại hội và buổi truyền hình trực tiếp Đại hội Đại biểu Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII và rất phấn khởi trước những quyết sách mà Đại hội đã đề ra.
Theo bà Xéo, những nội dung này thể hiện rõ sự quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân. Trong đó có nông dân là đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và nông dân dân tộc Chăm ở Ninh Thuận nói riêng.
"Đại hội lần này có sự tham dự của nhiều lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Đặc biệt Đại hội còn đón tiếp đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự và trực tiếp phát biểu đạo. Đây là vinh dự rất lớn, tạo khí thế cổ vũ nông dân cả nước hăng hái lao động sản xuất trong giai đoạn mới.
Qua theo dõi trực tiếp Đại hội từ truyền hình, tôi thấy Đại hội đã đề ra 5 mục tiêu chung cho cả nhiệm kỳ 2023 – 2028. Trong đó tôi tâm đắc nhất là các cấp hội sẽ tiếp tục thúc đẩy việc đổi mới và nâng cao hiệu quả các phong trào nông dân. Đặc biệt là đẩy mạnh phong trào 'Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững' gắn với hỗ trợ nông dân khởi nghiệp đổi mới sáng tạo...", bà Châu Thị Xéo nói.
Theo bà Xéo, những quyết sách trên là kim chỉ nam, là điểm tựa để nông dân vùng đồng bào dân tộc Chăm như bà có thêm động lực phấn đấu lao động sản xuất. Việc chú trọng phát triển các mô hình liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị sẽ là mở ra hướng đi mới làm tăng giá trị nông sản cho nông dân. Trong đó, có chuỗi liên kết sản xuất măng tây xanh của đồng bào Chăm ở Ninh Thuận…
Chung niềm vui như bà Châu Thị Xéo còn có diêm dân Trần Thanh – Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất-kinh doanh-dịch vụ muối Khánh Nhơn (HTX muối Khánh Nhơn) ở xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải (Ninh Thuận).
Theo ông Thanh, Đại hội lần này đã thông qua Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam (sửa đổi, bổ sung) gồm 8 Chương, 26 Điều, quy định về chức năng, nhiệm vụ của hội. Đặc biệt, Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam (sửa đổi, bổ sung) đã tách khái niệm hội viên của Hội thành hội viên Hội Nông dân Việt Nam và hội viên danh dự của Hội Nông dân Việt Nam.
"Việc này sẽ giúp mở rộng, thu hút nhiều hội viên kết nạp vào tổ chức Hội nhằm nâng cao chất lượng hội viên và tạo điều kiện cho hội viên tham gia phát triển kinh tế, đóng góp xây dựng tổ chức Hội và giai cấp nông dân…", ông Thanh cho hay.
Để dẫn chứng, ông Thanh cho biết, HTX muối Khánh Nhơn được Hội Nông dân xã Nhơn Hải vận động thành lập từ năm 2018.
Sau khi thành lập HTX, đời sống diêm dân xã viên đã từng bước được nâng cao. Hạt muối làm ra không còn bấp bênh như trước mà được các doanh nghiệp liên kết thu mua với giá rất ổn định từ 1.500 – 1.600 đồng/kg. Đến nay, HTX muối Khánh Nhơn đã có 15 thành viên với vốn điều lệ hơn 1,1 tỷ đồng.
Cũng theo ông Thanh, hiện nay có nhiều cá nhân là chủ doanh nghiệp kinh doanh muối, dù không phải là chủ thể trực tiếp tham gia vào hoạt động sản xuất ở địa phương nhưng các chủ doanh nghiệp này đóng vai trò rất quan trọng trong việc kết nối thị trường, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm muối ở địa phương. Đây có thể là những Hội viên danh dự đóng góp tích cực vào sự phát triển của Hội Nông dân các cấp.
Theo ông Thanh, việc Đại hội khóa VIII đã thông qua Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam (sửa đổi, bổ sung) là rất kịp thời, đáp ứng nhu cầu phát triển và sát với tình hình thực tế hiện nay.
"Với những quyết sách đúng đắn này, tôi tin tưởng trong 5 năm tới, các cấp Hội Nông dân sẽ tiếp tục lớn manh. Nông dân sẽ thực sự là chủ thể trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi gắm tại Đại hội…", ông Thanh cho hay.
Theo Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận, đến cuối năm 2023 toàn hội có gần 50.000 hội viên. Các hội viên nông dân tham gia sinh hoạt tại 65 cơ sở hội, 398 chi hội và 1.033 tổ hội, đạt 39% so với lao động nông nghiệp. Công tác tham mưu, củng cố kiện toàn tổ chức bộ máy các cấp Hội tổ chức thường xuyên, kịp thời, đủ số lượng, chất lượng.
Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững trong hội viên, nông dân ngày càng lan tỏa. 5 năm qua đã có 68.381 lượt hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp (trung bình 14.000 hộ/năm).
Trong đó, các mô hình mang lại hiệu quả cao như: Mô hình sản xuất lúa giống 400 ha liên kết bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp, mô hình sản xuất bắp giống ở huyện Ninh Phước. Liên kết trong sản xuất nho theo chuẩn VietGAP ở huyện Ninh Hải và TP.Phan Rang-Tháp Chàm..., xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ gắn với phát triển năng lượng tái tạo tại thôn Tuấn Tú, xã An Hải, huyện Ninh Phước...
Qua đó, đã góp phần phát triển ngành nông nghiệp tỉnh ta phát triển; Giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và thủy sản tăng bình quân hàng năm đạt 7,6%/năm (kế hoạch 6-7%) chiếm 38,35% thu nhập nội tỉnh.