Từ diễn đàn Đại hội VIII Hội NDVN: Làm thế nào để nông dân được hưởng lợi nhiều nhất?

T.Loan Thứ ba, ngày 26/12/2023 13:39 PM (GMT+7)
Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của hội viên, nông dân, phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh-Đó là niềm trăn trở của nhiều đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hội NDVN lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023-2028 qua các ý kiến đóng góp...
Bình luận 0

Phát biểu tại thảo luận tổ, ông Hoàng Thanh Nam, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng) cho hay, qua nhiều lần nghiên cứu, góp ý, ông nhận thấy chủ đề, bố cục các văn kiện đại hội đã hoàn thiện hơn, trong đó có cập nhật các chủ trương của Đảng trong việc đánh giá nhiệm vụ nhiệm kỳ Đại hội VII.

Ông Nam đề cập: Chúng ta đang trong xu hướng chuyển đổi số, và ngay trong phiên họp sáng nay chúng ta đã được chứng kiến sự ra mắt của Ứng dụng Nông dân Việt Nam. Hiện ông dân nào cũng đều có điện thoại thông minh, thậm chí xem đó là công cụ lao động, bởi có thể cập nhật rất nhanh thông tin, các định hướng, chủ trương, cách làm… chứ không đợi tập huấn mới năm được.

Từ diễn đàn Đại hội VIII Hội NDVN: Làm thế nào để nông dân được hưởng lợi nhiều nhất? - Ảnh 1.

Từ diễn đàn Đại hội VIII Hội NDVN: Làm thế nào để nông dân được hưởng lợi nhiều nhất? - Ảnh 2.

Từ diễn đàn Đại hội VIII Hội NDVN: Làm thế nào để nông dân được hưởng lợi nhiều nhất? - Ảnh 3.

Các đại biểu chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng của nông dân, cho ý kiến đóng góp vào dự thảo Văn kiện Đại hội VIII Hội NDVN, nhiệm kỳ 2023-2028.

"Do đó, tôi kiến nghị nên đưa vào chỉ tiêu 100% Hội Nông dân cơ sở tổ chức chương trình vận động, hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ số trong sản xuất và kinh doanh sản phẩm nông nghiệp; Đến năm 2027, 95% hộ gia đình hội viên nông dân lập và sử dụng tài khoản thanh toán điện tử. Điều này cũng thể hiện vai trò của tổ chức Hội trong tham gia xây dựng xã hội số, cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" – ông Nam đề xuất.

Ông Võ Văn Thuận - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Củ Chi (TP. HCM) iwr Tổ thảo luận số 8 kiến nghị T.Ư Hội xem xét phối hợp với các ban, ngành tạo cơ chế chính sách giữa 3 nhà (nông, nhà nước, nhà khoa học) để làm sao sản phẩm của nông dân làm ra được tiêu thụ hết, giúp nông dân yên tâm sản xuất. Chứ không thể cứ theo tín hiệu thị trường rồi đua nhau làm sau đó lại kêu gọi hỗ trợ tiêu thụ. 

Cùng với đó là làm thế nào tạo cơ chế tạo đầu ra có lợi nhất cho nông dân khi mà giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, còn giá sản phẩm thường xuyên bấp bênh, thường xuyên bị ép giá. "Tại diễn đàn hôm nay tôi rất mong muốn nhiệm kỳ mới T.Ư Hội NDVN sẽ quyết liệt hơn, có những giải pháp tích cực giải quyết những hạn chế này" – đại biểu Thuận bày tỏ.

Tại Tổ thảo luận số 4, đại biểu Đào Trọng Mười - Công ty Mười Quý (chuyên sản xuất, kinh doanh nước mắm truyền thống), Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của tỉnh Quảng Ngãi, cho hay: "Tôi tham gia câu lạc bộ đổi mới sáng tạo của tỉnh 7 năm nay, tham gia Hội Nông dân mấy năm nhưng vẫn chưa nhận được nhiều chính sách hỗ trợ cho nông dân, nhất là áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật. Tôi rất mong trong nhiệm kỳ tới, Hội NDVN có thêm nhiều chương trình, dự án giúp bà con, hội viên đưa thêm nhiều máy móc, thiết bị mới vào sản xuất hiệu quả hơn.

Thứ 2 là công tác đào tạo, tập huấn rất quan trọng với các hội viên, nông dân. Đặc biệt là trong việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao, Hội Nông dân các cấp cần tổ chức thêm nhiều chương trình hội thảo, tọa đàm để nâng cao kiến thức cho người dân giúp bà con sử dụng trang thiết bị hay kiến thức bán hàng qua các sàn thương mại, mạng xã hội đạt hiệu quả cao nhất.

Thứ 3 là hỗ trợ tiêu thụ cho người dân, hội viên. Hiện chúng tôi tự tìm kiếm kênh bán hàng như siêu thị, mạng xã hội và tự kết nối. Sở NNNPTNT cũng có kênh kết nối tiêu thụ nhưng còn mới, về phía Hội Nông dân cũng cần có thêm kênh để hỗ trợ hội viên, nông dân tiêu thụ sản phẩm hiệu quả hơn. Hiện nay, người nông dân sản xuất đã rất vất vả, rủi ro nhiều nhưng khi bán sản phẩm lại phải qua nhiều khâu trung gian nên rất bấp bênh, thu nhập thấp. Chúng tôi rất mong được đào tạo, hướng dẫn tiếp cận được các kênh bán hàng hiệu quả để tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo thu nhập tốt hơn".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem