Dân Việt

Giáo viên nhận xét đề minh họa thi tốt nghiệp THPT năm 2025: Nhiều điểm mới, "biến mất" một số dạng bài

Tào Nga 29/12/2023 15:00 GMT+7
Sáng 29/12, Bộ GDĐT chính thức công bố đề minh họa thi tốt nghiệp THPT năm 2025, nhiều giáo viên đã đưa ra nhận xét.

Đề minh họa thi tốt nghiệp THPT năm 2025

Trao đổi với PV báo Dân Việt, thầy Đỗ Ngọc Hà, giáo viên Vật lý ở Hà Nội nhận xét: Đề minh họa chủ yếu giúp giáo viên và học sinh nắm được cấu trúc của đề thi tốt nghiệp theo chương trình mới. Nội dung đề chủ yếu là kiến thức 8 tuần học kỳ I của lớp 10 do học sinh theo chương trình GDPT mới 2018 đang ở lớp 11 và cũng chưa có SGK lớp 12.

Cấu trúc đề minh họa tốt nghiệp THPT năm 2025 có sự thay đổi rõ rệt so với đề thi hiện nay. Ngoài định dạng cũ "nhiều phương án lựa chọn" còn có thêm 2 định dạng trắc nghiệm mới: "Đúng-Sai" và "Trả lời ngắn". Điểm sáng ở đây là định dạng "Trả lời ngắn", yêu cầu thí sinh phải giải quyết được thật sự câu hỏi. Điều này tránh yếu điểm của định dạng cũ "nhiều phương án lựa chọn" là thí sinh không làm được nhưng vẫn có xác suất 25% chọn đúng, dẫn tới đề thi vốn đã ít câu hỏi Vận dụng và Vận dụng cao lại tăng tính may rủi, phân loại thí sinh không tốt".

img
img
img
img

Đề minh họa môn Vật lý thi tốt nghiệp THPT năm 2025.

Thầy Hà cũng chỉ ra: "Theo đánh giá của tôi, mức độ phân loại của đề minh họa thi tốt nghiệp THPT 2025 cũng chưa thật sự tốt. Số lượng lệnh hỏi Nhận biết và Thông hiểu vẫn chiếm quá lớn (70%), trong khi Vận dụng chiếm 30% và không có Vận dụng cao (0%). Hiện nay thí sinh phải thi 6 môn, còn theo chương trình mới thí sinh chỉ phải thi 4 môn, thí sinh theo chương trình mới rõ ràng sẽ chọn môn thi sát với sở trường hơn, như vậy, đề thi cũng nên phân hóa tốt hơn so với hiện nay.

Nhận định về đề minh họa thi tốt nghiệp THTP môn Ngữ văn, thầy Phạm Hữu Cường, giáo viên hệ thống Hocmai cho hay: "Dựa trên đề minh họa và các thông tin được cung cấp trước đó, cũng như định hướng trong hoạt động Kiểm tra, đánh giá của Chương trình GDPT 2018, có thể thấy, học sinh cần nắm chắc các kiến thức về mặt thể loại, hình thành kĩ năng và năng lực đọc – hiểu văn bản theo thể loại mới có thể hoàn thành bài thi. Đề thi minh họa vẫn giữ nguyên hình thức là 100% tự luận, sự “quen thuộc” này chính là lợi thế cho học sinh, đồng thời cũng kiểm tra được toàn bộ năng Viết, đặc biệt là Viết văn bản nghị luận văn học về một nhân vật, cốt truyện hoặc chi tiết trong tác phẩm văn học, nghệ thuật.

Mặc dù là ngữ liệu bên ngoài sách giáo khoa nhưng vấn đề được hỏi và nội dung văn bản đều không khó, câu hỏi không đi sâu khai thác các giá trị nghệ thuật, đặc sắc của văn bản hay yêu cầu so sánh mở rộng… đây có lẽ là bước đệm, để học sinh dần quen với việc đánh giá, kiểm tra mới và tự định hướng lại quá trình học tập của mình ngay từ bây giờ để có sự chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi năm 2025.

img
img
img
img

Nội dung đề thi minh họa thi tốt nghiệp THPT năm 2025 có nhiều điểm mới

So đề thi tốt nghiệp THPT hiện nay với đề minh họa tốt nghiệp THPT 2025 môn Toán, thầy Lưu Huy Thưởng, giáo viên Toán ở Hà Nội cho biết, có những điểm đổi mới sau:

Về số lượng câu hỏi: Gồm 50 lệnh hỏi với 34 câu hỏi làm trong thời gian 90 phút.

Về dạng thức câu hỏi và cách tính điểm: Bổ sung thêm hai dạng thức câu hỏi mới (Trắc nghiệm đúng sai và Trắc nghiệm trả lời ngắn) với cách tính điểm riêng biệt cho từng dạng thức.

Về cấp độ tư duy: Cấu trúc định dạng đề thi theo định hướng đánh giá năng lực, phù hợp với chương trình GDPT 2018 và được thể hiện thông qua đề minh họa, bảng năng lực - cấp độ tư duy kèm theo. Các câu hỏi trong đề minh họa cố gắng gắn với các bối cảnh có ý nghĩa (bối cảnh có tác dụng/có giá trị nhất định đến đời sống, thực tiễn, khoa học).

Tỉ trọng câu hỏi nhận biết và thông hiểu trong đề minh họa là khoảng 73% nhưng sẽ chỉ chiếm khoảng 6/10 điểm trong đề thi, 4/10 điểm vẫn là các câu hỏi vận dụng, chính vì vậy các trường đại học, cao đẳng hoàn toàn có thể sử dụng kết quả của kỳ thi để xét tuyển vào trường.

Như vậy, với đề thi minh họa này, học sinh cũng cần có sự điều chỉnh việc ôn tập, bám sát tinh thần của Chương trình GDPT mới nhằm có sự chuẩn bị sớm và tốt nhất cho kỳ thi 2025".

Với đề thi tiếng Anh, cô Nguyễn Thị Mai Hương, giáo viên Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội, nhận xét, bám sát điều chỉnh hình thức câu hỏi, dạng thức hỏi và tinh thần đánh giá năng lực như công bố trước đó của Bộ GDĐT.

Bài thi gồm 40 câu hỏi với thời gian làm bài 50 phút bao gồm các dạng bài: Phát âm (2 câu) gồm phát âm nguyên âm và phụ âm; Trọng âm (2 câu) gồm trọng âm từ 2 âm tiết và 3 âm tiết: không mới so với đề cũ; Hoàn thành câu: (5 câu) tương ứng 4 chuyên đề ngữ pháp và một câu về từ vựng; Hoàn thành nội dung quảng cáo/ thông báo (dạng bài mới).

Lồng ghép chuyên đề ngữ pháp và từ vựng như: giới từ; mạo từ; loại từ; bị động; câu điều kiện; từ vựng. Tuy vẫn là các chuyên đề ngữ pháp, nhưng học sinh cần đọc hiểu thông tin trong một văn bản. Mức độ khó hơn, phân hóa hơn hoàn thành câu với các từ đơn lẻ.

Sắp xếp thứ tự các câu thành một đoạn văn/ lá thư hoàn chỉnh. (dạng bài mới). Mỗi đoạn gồm 5, 6 câu, vị trí đang bị xáo trộn cần đọc hiểu ý và sắp xếp lại theo trình tự đúng, đây là dạng bài cần kỹ năng đọc hiểu, từ vựng và logic về sắp xếp ý.

Hoàn thành đoạn văn bằng các đoạn thông tin còn thiếu. Đây là dạng bài mới so với kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay. Thay vì chỉ điền từng từ vào chỗ trống, dạng bài đang yêu cầu học sinh có kiến thức đọc hiểu sâu, logic, đồng thời ngữ pháp phải vững để lựa chọn các cụm từ/câu văn đúng vào chỗ trống.

Hoàn thành đoạn văn với các từ còn thiếu: đại từ quan hệ; liên từ; từ vựng; liên từ. Đây là dạng bài này quen thuộc với cấu trúc thi trước đây.

Phần Đọc hiểu gồm 2 bài Bài đọc hiểu 5 câu và Bài đọc hiểu 7 câu. 2 dạng bài này giữ nguyên cấu trúc thi hay gặp của đọc hiểu gồm các câu hỏi: Nội dung chính của bài, Câu hỏi chi tiết; Câu hỏi từ vựng; Câu hỏi đại từ thay thế; Tìm từ trái nghĩa; Câu hỏi suy luận.

Có thể nói, đề thi vẫn có những dạng bài quen thuộc như bài phát âm, trọng âm, hoàn thành câu, hoàn thành đoạn văn với các từ đơn, đọc hiểu, nhưng bên cạnh đó là sự biến mất các dạng bài hay gặp trước đây như sửa lỗi sai, viết lại câu, nối câu, chức năng giao tiếp mà thay bằng các dạng bài hoàn thành đoạn văn bằng các cụm từ/câu, hoàn thành thông tin của bài quảng cáo/thông báo, sắp xếp trật tự đoạn văn/ lá thư.

Mức độ đề khó hơn, phân loại mạnh hơn và xoáy sâu vào kỹ năng đọc hiểu, phân tích thông tin và sắp xếp ý logic của học sinh, bám sát định hướng đề thi đánh giá năng lực. Với đề thi này, các trường đại học hoàn toàn có thể tự tin sử dụng để xét tuyển đại học.

Thí sinh xem chi tiết 17 đề minh họa thi tốt nghiệp THPT năm 2025 TẠI ĐÂY