Lớp học đặc biệt của các bà, các mẹ người Raglai giữa rừng Núi Chúa ở Ninh Thuận

Đức Cường Thứ sáu, ngày 29/12/2023 09:01 AM (GMT+7)
Đều đặn mỗi tuần 3 buổi tối, lớp học xóa mù chữ cho đồng bào Raglai ở xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) lại sáng đèn. Tiếng đánh vần ê a của các bà, các mẹ người Raglai vang vọng cả một góc rừng Núi Chúa.
Bình luận 0

Một ngày cuối tháng 12/2023, PV Dân Việt có dịp về thôn Cầu Gãy và Đá Hang ở xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải (tỉnh Ninh Thuận). Đây là hai thôn đồng bào Raglai sống tách biệt giữa rừng Núi Chúa.

Tại đây, có 9 lớp học xóa mù chữ cho hơn 100 học sinh là đồng bào Raglai. Những lớp học này rất đặc biệt bởi học sinh đa phần đã làm cha, làm mẹ, người nhỏ nhất cũng đã 25 tuổi, lớn nhất cũng đã ngoài tuổi 70.

Lớp học giữa rừng Núi Chúa

Lớp học đặc biệt của các bà, các mẹ người Raglai giữa rừng Núi Chúa ở Ninh Thuận - Ảnh 1.

Lớp học xóa mù chữ cho đồng bào Raglai Trường tiểu học Vĩnh Hy ở thôn Cầu Gãy, xã Vĩnh Hải. Ảnh: Đức Cường

Khi màn đêm buông xuống, các bà, các mẹ người đồng bào Raglai ở thôn Cầu Gãy lại í ới gọi nhau ra lớp. Đúng 19 giờ, lớp học xóa mù chữ ở Trường tiểu học Vĩnh Hy bắt đầu sáng đèn, tiếng đánh vần ê a của các bà, các mẹ người Raglai vang vọng cả một góc rừng Núi Chúa.

Dù bị tật ở chân đi lại rất khó khăn nhưng anh Cao Văn Kem (38 tuổi) ở thôn Cầu Gãy luôn là học sinh tích cực nhất của lớp xóa mù chữ Trường tiểu học Vĩnh Hy. Sau hơn 1 năm theo học, anh Kem đã đọc viết rõ ràng những bài tập trên lớp.

Anh Kem cho hay, lúc trước anh không có điều kiện đi học nên không biết chữ. Mấy chục năm qua, anh rất ngại giao tiếp với mọi người xung quanh. Khi biết có lớp học xóa mù chữ mở tại địa phương, anh hăng hái theo học từ những ngày đầu tiên.

"Hồi đó đến giờ mình có biết chữ đâu, nhờ các thầy, các cô chỉ dạy mà mình đã biết đọc, biết viết tên tuổi của mình. Cuộc sống giờ tự tin hơn hẳn…", anh Kem cho hay.

Lớp học đặc biệt của các bà, các mẹ người Raglai giữa rừng Núi Chúa ở Ninh Thuận - Ảnh 3.

Anh Cao Văn Kem, bị tật ở chân nhưng là học sinh năng nổ của lớp học. Ảnh: Đức Cường

Do bị tật ở chân nên anh Kem phải nhờ người thân đưa đón. Hôm nào không có ai đưa thì anh tự đi bộ sớm hơn 20 phút để kịp giờ vào lớp. 

"Tôi chịu khó học để biết được con chữ, hơn 1 năm qua tôi chưa bỏ học ngày nào. Đến nay tôi đã theo được chương trình học lớp 3, từ làm toán cộng, trừ nay tôi biết làm phép nhân, chia rồi đó nhà báo…", anh Kem tự tin khoe.

Ở tuổi 73, cụ Lâm Thị Tiềm ở thôn Đá Hang là học sinh lớn tuổi nhất lớp học xóa mù chữ ở Trường tiểu học và THCS Ngô Quyền. Tuy tuổi đã cao nhưng cụ Tiềm vẫn đêm đêm kiên trì tới lớp.

Cụ Tiềm cho biết, dù tuổi đã cao nhưng phải là tấm gương để con cháu noi theo. Bà mong ước được biết chữ để mở mang kiến thức, đến nay bà đã tự viết được tên mình, đọc trôi chảy bài thơ "Nhớ Việt Bắc".

Lớp học đặc biệt của các bà, các mẹ người Raglai giữa rừng Núi Chúa ở Ninh Thuận - Ảnh 4.

Cụ Lâm Thị Tiềm (73 tuổi) là học viên cao tuổi nhất lớp xóa mù chữ ở Trường TH và THCS Ngô Quyền thôn Đá Hang. Ảnh: Đức Cường

"Mắt tôi đã kém, trí nhớ cũng không còn tốt nữa nên việc học chữ khá khó khăn. Nhờ thầy cô chỉ dạy tận tình tôi đã biết viết, biết đọc. Khi về nhà, tôi nhờ cháu nội chỉ bài thêm, 2 bà cháu càng thêm thân thiết…", cụ Tiềm phấn khởi.

Mẹ cùng con cùng băng rừng đi học

Thầy giáo Trần Trọng Đạo – Hiệu trưởng Trường tiểu học Vĩnh Hy cho hay, học sinh trong lớp có hoàn cảnh không ai giống ai nhưng họ đều có chung ước mơ biết đọc, biết viết. Có nhiều trường hợp mẹ dẫn con đến lớp, tay trái ôm con, tay phải cần cù tập viết.

Lớp học đặc biệt của các bà, các mẹ người Raglai giữa rừng Núi Chúa ở Ninh Thuận - Ảnh 5.

Chị Cao Thị Tiêu một tay ôm con, một tay làm bài tập trên lớp. Ảnh: Đức Cường

Vừa ôm con, vừa làm bài tập nhưng chị Cao Thị Tiêu ở lớp xóa mù chữ thôn Đá Hang luôn có thành tích nổi bật nhất lớp.

Chị Tiêu cho hay, không có người chăm sóc con nhỏ nhưng vì không muốn nghỉ học nên chị quyết định đèo con đến lớp. Đến đây, cả hai mẹ con đều được thầy cô chỉ dạy tận tình nên hai mẹ con cùng vui.

"Giờ tôi quen rồi, không đi học thấy buồn lắm. Ngoài học chữ chúng tôi còn học được sự quan tâm, chia sẻ từ thầy cô và mọi người. Lớp học như chính gia đình thứ hai của mình vậy…", chị Tiêu bộc bạch.

Lớp học đặc biệt của các bà, các mẹ người Raglai giữa rừng Núi Chúa ở Ninh Thuận - Ảnh 6.

Không khó để bắt gặp cảnh "mẹ và bé" cùng đi học. Ảnh: Đức Cường

Thầy Trần Trọng Đạo – Hiệu trưởng Trường tiểu học Vĩnh Hy cho biết thêm, những ngày đầu mở lớp, việc vận động bà con ra lớp gặp nhiều khó khăn. Để duy trì sĩ số, Ban giám hiệu nhà trường thường phối hợp với chính quyền địa phương, các già làng đến tận nhà để vận động ra lớp.

"Nhiều người muốn đi học nhưng có tâm lý e ngại. Chúng tôi và lãnh đạo thôn phải làm công tác tư tưởng nhiều lần bà con mới ra lớp. Giờ đây, các lớp đã đi vào ổn định. Mọi người có ý thức học tập tốt hơn, nghỉ học đều xin phép để thầy cố sắp xếp…", thầy Đạo cho hay.

Ông Cao Văn Đen – Trưởng thôn Cầu Gãy nói, từ ngày lớp học được mở, nhịp sống trong thôn càng thêm rộn ràng, vui tươi hẳn lên. Đêm mùa đông ở rừng Núi Chúa vì thế cũng rộn ràng, đầm ấm hơn.

Lớp học xóa mù chữ cho các bà, các mẹ người Raglai giữa rừng Núi Chúa. T/h: Đức Cường

Xóa mù chữ để giảm nghèo bền vững

Theo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ninh Hải, hiện nay toàn huyện đã có 3 điểm trường mở lớp học xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, có một điểm trường mở 3 lớp xóa mù chữ cho đồng bào Chăm ở xã Xuân Hải.

Lớp học đặc biệt của các bà, các mẹ người Raglai giữa rừng Núi Chúa ở Ninh Thuận - Ảnh 7.

Cụ Cao Thị Khắng và Nguyễn Thị Sinh là 2 trong số những học sinh lớn tuổi nhất lớp xóa mù chữ thôn Đá Hang. Ảnh: Đức Cường

Riêng lớp học xóa mù chữ ở Trường tiểu học Vĩnh Hy ở thôn Cầu Gãy có 5 lớp với 54 người học vào các buổi tối thứ 2, 3 và thứ 5. Trường tiểu học và THCS Ngô Quyền ở thôn Đá Hang có 4 lớp với 50 người học các buổi tối thứ 2, 4 và thứ 6.

Theo ông Nguyễn Khắc Hòa – Phó chủ tịch UBND huyện Ninh Hải (Ninh Thuận), trong năm 2023 địa phương đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để tổ chức các lớp xóa mù chữ.

Hiện, toàn huyện Ninh Hải hiện có 9/9 xã, thị trấn đạt chuẩn giáo dục xóa mù chữ mức độ 2.

Lớp học đặc biệt của các bà, các mẹ người Raglai giữa rừng Núi Chúa ở Ninh Thuận - Ảnh 8.

Lớp học xóa mù chữ ở Trường TH và THCS Ngô Quyền mở ở thôn Đá Hang. Ảnh: Đức Cường

"Trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục kiện toàn Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục các cấp, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ phụ trách công tác phổ cập giáo dục ở các địa phương, phấn đấu trong năm 2024 sẽ mở thêm 1 lớp xóa mũ chữ nữa…", ông Hòa cho hay.

Theo BQL Vườn Quốc gia Núi Chúa, hiện có 4 dân tộc cùng sinh sống trong lâm phần của vườn. Trong đó người Kinh chiếm tỷ lệ cao nhất 75%; người Raglai chiếm 22% và người Chăm chiếm 3%. Ngoài ra, cũng có một tỷ lệ nhỏ người Hoa cũng sinh sống trong Vườn Quốc gia Núi Chúa.

Cuộc sống người Raglai nơi đây chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, do đất sản xuất chủ yếu là đồi núi khô cắn, chưa chủ động được nguồn nước nên sản lượng còn thấp.

Người dân 2 thôn Đá Hang – Cầu Gãy luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương. Nhiều chương trình, dự án, các chính sách dân tộc được Trung ương, tỉnh, huyện quan tâm đầu tư các công trình trên địa bàn từng bước ổn định cuộc sống cho nhân dân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem