Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, tính đến hết nửa đầu tháng 12, Việt Nam đã xuất khẩu được hơn 7,9 triệu tấn gạo với trị giá hơn 4,5 tỷ USD, tăng 11% về lượng và 29% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Năm 2023, xuất khẩu gạo có thể lên tới 8,2 triệu tấn với kim ngạch đạt gần 4,8 tỷ USD, mức cao nhất từ năm 1989 (năm Việt Nam bắt đầu xuất khẩu gạo) tới nay.
Đáng chú ý, tỷ trọng giống lúa chất lượng cao của Việt Nam tăng từ 50% năm 2015 lên 74% năm 2020 và hiện đạt 85%. Khối lượng gạo xuất khẩu được giữ ở mức 6 triệu tấn, có xu hướng tăng trưởng qua các năm, giá trị xuất khẩu liên tục trên 3 tỷ USD/năm.
Đặc biệt, gạo Việt Nam ngày càng khẳng định được thương hiệu trên thị trường khi vừa qua, gạo ST25 một lần nữa được vinh danh gạo ngon nhất thế giới năm 2023. Cùng với ST25, 10 giống gạo của Việt Nam cũng được hưởng ưu đãi thuế khi xuất khẩu vào EU, bao gồm Jasmine 85, ST24, ST5, ST20, Nàng Hoa 9, VĐ20, RVT, OM 4900, OM 5451 và Tài Nguyên Chợ Đào cũng được EU chấp nhận cho hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu vào thị trường này. Đây là cơ hội gia tăng kim ngạch xuất khẩu gạo vào thị trường EU.
"Có một câu nói rất hay như thế này: "Mọi sự thay đổi đều khó khăn nhưng nếu không thay đổi còn khó khăn hơn nữa" và "Chúng ta cân nhắc cái giá phải trả nhưng ít khi cân nhắc cái giá phải trả khi không chịu thay đổi", do vậy, cả Bộ Nông nghiệp và PTNT các ngành chức năng, đoàn thể phải cùng bắt tay để tạo ra sự thay đổi từ chính những cánh đồng".
Bộ trưởng Lê Minh Hoan
Đối với mặt hàng sầu riêng, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tháng 11/2023, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam đạt 90,908 triệu USD, tăng 16,3% so với tháng 11/2022.
Tính chung 11 tháng năm 2023, xuất khẩu sầu riêng đạt hơn 2,1 tỷ USD, tăng 480,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Về thị trường, xuất khẩu sầu riêng tươi sang thị trường Trung Quốc tháng 11/2023 đạt 82,14 triệu USD, giảm 74,8% so với tháng 10/2023, tăng 37,2% so với tháng 11/2022...
Cùng với thị trường Trung Quốc, 11 tháng năm 2023, xuất khẩu sầu riêng tươi sang thị trường Séc tăng 28.195,4%; xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Papua New Guinea tăng 837,6%; xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Mỹ tăng 282,8%; xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Canada tăng 222%; và xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Pháp tăng 32%.
Với kết quả đạt được, dự báo kim ngạch xuất khẩu sầu riêng trong năm 2023 có thể đạt mức kỷ lục 2,2 - 2,3 tỷ USD, gấp 5 lần năm 2022 và gấp 10 lần năm 2021.
Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT), hiện nay sầu riêng tươi của Việt Nam đã xuất khẩu đi 24 thị trường. Còn với sầu riêng đông lạnh cũng có tới 23 thị trường xuất khẩu. Ngoài Trung Quốc là thị trường chủ đạo khi chiếm đến 90% tổng lượng sầu riêng tươi xuất khẩu thì những thị trường khác vẫn còn dư địa để có thể tập trung phát triển.
Thống kê của Bộ Nông nghiệp và PTNT cho thấy, nếu như năm 2010, cả nước có 92.000 ha sầu riêng, đến nay đã tăng lên 131.000 ha. Tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm của cả nước giai đoạn này là 24,5%. Sản lượng sầu riêng năm nay ước khoảng trên 1 triệu tấn, tăng 15,9% so với năm 2022. Riêng tại Tây Nguyên hiện có diện tích sầu riêng hơn 57.000 ha, sản lượng trên 394 nghìn tấn.
Đến nay, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã cấp cho Việt Nam 422 mã số vùng trồng và 153 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng. Để ngành hàng sầu riêng lớn mạnh, phát triển bền vững, cần phải có sự chung tay và đồng hành của tất cả các địa phương, tổ chức, cá nhân cùng tham gia chuỗi sản xuất - xuất khẩu sầu riêng nhằm xây dựng uy tín của ngành hàng sầu riêng trên thị trường quốc tế.
Bắt tay tạo sự thay đổi
Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan, sự thành công trong xuất khẩu nông sản ngoài công sức của người nông dân, ngành nông nghiệp và các ngành chức năng trong việc mở cửa, tiếp cận những thị trường khắt khe nhất, đòi hỏi chất lượng cao nhất còn có sự đồng hành của các cấp Hội Nông dân để đến hôm nay, nhiều nông sản của Việt Nam đã chinh phục được những thị trường "khó tính".
"Việc ngày càng có nhiều nông sản Việt Nam chinh phục được các thị trường, mở ra những cánh cửa mới còn giúp vị thế, hình ảnh đất nước được nâng lên, niềm tin của khách hàng với nông sản Việt cũng cải thiện theo. Chủ trương của Đảng, Nhà nước là xem nông sản như một hình ảnh quốc gia, truyền đi thông điệp Việt Nam là quốc gia sản xuất nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm, bền vững", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Sự thành công trong xuất khẩu nông sản ngoài công sức của người nông dân, ngành nông nghiệp và các ngành chức năng trong việc mở cửa, tiếp cận những thị trường khắt khe nhất, đòi hỏi chất lượng cao nhất còn có sự đồng hành của các cấp Hội Nông dân, các cán bộ Hội Nông dân ở cơ sở luôn đồng hành cùng nông dân trong sản xuất để đến hôm nay, nhiều nông sản của Việt Nam đã chinh phục được những thị trường "khó tính".
Việc ngày càng có nhiều nông sản Việt Nam chinh phục được các thị trường, mở ra những cánh cửa mới còn giúp vị thế, hình ảnh đất nước được nâng lên, niềm tin của khách hàng với nông sản Việt cũng cải thiện theo. Chủ trương của Đảng, Nhà nước là xem nông sản như một hình ảnh quốc gia, truyền đi thông điệp Việt Nam là quốc gia sản xuất nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm, bền vững.
Cũng theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Đề án sản xuất 1 triệu hecta lúa chất lượng cao giảm phát thải của Việt Nam nhận được sự quan tâm của rất nhiều đối tác quốc tế, do vậy, chúng ta đứng trước thách thức lớn nhưng cũng là cơ hội lớn, kỳ vọng là quốc gia đi đầu trong ngành hàng lúa gạo giảm phát thải và chuyển sang tăng trưởng xanh trong bối cảnh khủng hoảng lương thực.
"Chúng ta có diện tích sản xuất nông nghiệp ko nhiều, quy mô sản xuất đất lúa trên nông hộ thuộc diện thấp nhất thế giới nhưng chúng ta vẫn có sản lượng xuất khẩu lớn, đóng vai trò quan trọng trong an ninh lương thực. Ngồi từ máy bay có thể thấy những thửa ruộng của chúng ta như những miếng vá, mỗi người vài sào thế nhưng chúng ta vẫn là cường quốc xuất khẩu lúa gạo và chứng minh được với thế giới chúng ta chủ động thay đổi sản xuất có trách nhiệm. ĐBSCL là 1 trong 5 đồng bằng trên thế giới chịu tác động lớn nhất của biến đổi khí hậu nhưng nếu làm thành công 1 triệu ha lúa chất lượng cao thì chúng ta chứng minh được trong khó khăn thách thức ấy chúng ta vẫn thay đổi, kiên cường đi lên", Bộ trưởng nói.
Nhiệm vụ của các ngành chức năng, các đoàn thể, trong đó có Bộ Nông nghiệp và PTNT, Hội Nông dân Việt Nam là kích hoạt tư duy sản xuất xanh của nông dân, bởi người tiêu dùng có xu thế mua cách bà con tạo ra sản phẩm, mua sản phẩm nhưng còn tính đến những yếu tố tác động đến môi trường, sức khỏe cộng đồng, biến đổi khí hậu.