Đây là trọng tâm của các ý kiến chia sẻ của các doanh nghiệp tại chuyến Famtrip và tọa đàm "Du lịch cộng đồng nông nghiệp" mới diễn ra tại xã Đa Mi, Hàm Thuận, Bình Thuận. Trước đó, khoảng 100 doanh nghiệp, chuyên gia du lịch, những người trực tiếp làm du lịch cộng đồng nổi tiếng ở Mai Châu (Hòa Bình), Sin Suối Hồ (Lai Châu), (Thái Hải) Thái Nguyên, Tây Ninh, Vĩnh Long, Cà Mau… đã có chuyến khảo sát lòng hồ Hàm Thuận, thác Chín Tầng, thác Sương Mù và nhiều nơi khác trong vùng.
Nhiều doanh nghiệp và chuyên gia chia sẻ, Bình Thuận nổi tiếng nhiều năm qua với du lịch biển nhưng ít ai biết, nơi đây còn có cảnh quan rừng phong phú, cùng với lòng hồ Hàm Thuận rộng 2.500ha tại xã Đa Mi, phía Tây Bắc của Hàm Thuận Bắc.
Hồ Hàm Thuận nằm sát quốc lộ 55 nối Phan Thiết đi cao nguyên Di Linh. Tuy thuộc duyên hải Nam Trung bộ nhưng toàn bộ xã Đa Mi lại có hệ sinh thái chuyển tiếp của vùng cao nguyên Di Linh xuống đồng bằng, nên khí hậu dễ chịu, cũng là sự lựa chọn lý tưởng cho những ai muốn khám phá du lịch trên mặt hồ với các điểm đến xung quanh.
Tuy nhiên, tiềm năng và thế mạnh du lịch của huyện Hàm Thuận Bắc vẫn chưa được khai thác đúng mức và hiệu quả, bộc lộ rất nhiều hạn chế trên nhiều phương diện, có thể ảnh hưởng đến việc phát triển bền vững của ngành du lịch. Có thể liệt kê hàng loạt những hạn chế như hệ thống giao thông, cơ sở lưu trú, dịch vụ, chất lượng sản phẩm, tổ chức tour tuyến hầu như còn thiếu, nguồn nhân lực, sự quan tâm đầu tư của địa phương cho việc bảo tồn các điểm đến, vệ sinh môi trường, công tác quảng bá, xúc tiến nhiều hạn chế.
Nhìn chung, nhược điểm cơ bản của sự phát triển du lịch hiện nay tại Hàm Thuận Bắc và Tánh Linh vẫn đang trong tình trạng tự phát, manh mún; việc đầu tư phát triển du lịch chỉ dựa trên cái sẵn có và làm theo cách dễ nhất, chưa được tổ chức đồng bộ, bài bản, chưa chú trọng đến nhu cầu của khách du lịch.
Nhiều doanh nghiệp trong chuyến khảo sát đã tiếc rẻ khi tiềm năng du lịch ở xã Đa Mi của huyện Hàm Thuận Bắc với điểm nhấn là hồ Hàm Thuận cùng với những cảnh quan xung quanh chưa khai thác nhiều, số lượng các điểm du lịch cộng đồng nông nghiệp quá ít ỏi; chưa hình thành các tour tuyến kết nối du lịch biển Phan Thiết và rừng Hàm Thuận Bắc.
Ông Bùi Thế Nhân - Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Bình Thuận cho biết, du lịch Bình Thuận có nhiều điểm đến rất tốt, ngoài du lịch biển còn có rừng, vườn cây ăn trái, ao hồ rất kỳ vỹ và thú vị, thu hút đông đảo du khách, nhưng nhiều nơi đang làm dưới dạng tự phát, manh mún.
"Vấn đề thách thức của chúng ta là pháp luật quy định về hoạt động du lịch dưới tán rừng, hoạt động xây dựng du lịch trên đất nông nghiệp hiện đã dần mở ra nhưng cũng chưa đầy đủ cho mọi người tham gia. Bình Thuận đang chỉ đạo ngành nông nghiệp phối hợp ngành du lịch đề xuất các nội dung quy trình cụ thể để sớm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, người dân tham gia vào loại hình du lịch nông nghiệp - cộng đồng này", ông Bùi Thế Nhân cho biết.