Dân Việt

NSND Thanh Hoa: “Tôi năm nay ngoài 70 nhưng hễ ai bảo hát nhép để giữ sức là tôi từ chối”

Mộc Cầm 02/01/2024 10:25 GMT+7
"Tôi năm nay đã ngoài 70 tuổi nhưng hễ ai đó bảo tôi hát nhép đi để giữ sức là tôi từ chối. Không hát được thì tôi không nhận lời, còn hát được thì tôi nhất định phải hát live dù bài hát khó tới cỡ nào”, NSND Thanh Hoa chia sẻ với Dân Việt.

NSND Thanh Hoa: Không hát live được thì không nên đi hát

Thời gian qua, xuất hiện rất nhiều câu chuyện ồn ào liên quan đến khả năng hát live (hát trực tiếp) của ca sĩ. Đỉnh điểm là lùm xùm liên quan đến ứng xử của ca sĩ Hoàng Thùy Linh trong buổi họp báo giới thiệu live concert tại TP.HCM vào tháng 9/2023 khi được hỏi về khả năng hát live.

NSND Thanh Hoa: “Ca sĩ mà không hát live được thì không nên đi hát” - Ảnh 1.

Hoàng Thùy Linh từng "nổi đóa" khi được hỏi về khả năng hát live. Ảnh: TL

Nghe ra thì có vẻ nực cười bởi làm ca sĩ, điều trước tiên và bắt buộc dĩ nhiên phải biết hát, cũng giống như làm họa sĩ thì phải biết vẽ tranh, nhà thơ thì phải biết làm thơ vậy, thầy lang thì phải biết bắt mạch và bốc thuốc. Tuy nhiên, một thực tế phũ phàng là trong làng showbiz hiện nay không phải ca sĩ nào cũng có thể hát live. Nói cách khác là ngày nay nhiều ca sĩ quá phụ thuộc vào công nghệ phòng thu nên giọng hát rất yếu, không thể hát live. Có người thậm chí còn không biết hát sao cho đúng nhạc. Chính vì lẽ đó, thỉnh thoảng người ta lại bắt gặp những cụm từ: "giọng hát thảm họa", "thảm họa âm nhạc", "robot phòng thu"… để chỉ về một diện mạo khác của thị trường âm nhạc hiện nay.

Đại tá, NSND Hà Thủy - nguyên Chủ nhiệm Khoa Thanh nhạc Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội cho rằng, trong thời đại 4.0, những thành tựu của công nghệ đã tác động và thay đổi hoàn toàn đời sống xã hội. Âm nhạc cũng bắt nhịp với cuộc sống hiện đại, các thể loại như: Pop, Rock, Electronic Dance Music, R&B dần lấn lướt các dòng nhạc khác.

Vì thế, thị trường âm nhạc cũng biến đổi không ngừng, đa sắc, đa thanh. Số lượng ca sĩ trẻ theo nghiệp ca hát chuyên nghiệp ngày càng nhiều, trong đó có nhiều người được đào tạo chính quy – bài bản từ các trường đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp nhưng cũng có nhiều ca sĩ là tay ngang (chưa qua trường lớp đào tạo). Đa số các ca sĩ tay ngang nổi lên nhờ hiệu ứng của công nghệ và truyền thông. Giọng hát của họ có nét bản năng và hồn nhiên của người chưa được đào tạo về âm nhạc. Nhưng cũng vì thế mà nhiều ca sĩ rời phòng thu bước lên sân khấu là không thể hát live hoặc hát live rất dở.

"Việc có nhiều người xưng danh ca sĩ mà không biết hát live có nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân đầu tiên là ca sĩ quá lệ thuộc vào công nghệ phòng thu mà không chịu rèn luyện, nâng cao kiến thức và kỹ thuật thanh nhạc. Có nhiều ca sĩ cũng quá tự tin vào bản thân mình nên không nhận ra điểm yếu của mình. Nhưng có một phần là do công chúng tiếp nhận mọi thứ quá dễ dãi. Họ chấp nhận cả những người cứ lên sân khấu là chỉ có thể hát nhép, hát đè. Vậy thì âm nhạc làm sao phát triển được?", NSND Hà Thủy bày tỏ.

NSND Thanh Hoa: “Ca sĩ mà không hát live được thì không nên đi hát” - Ảnh 2.

NSND Thanh Hoa từng song ca với Hòa Minzy "Tàu anh qua núi". Ảnh: TL

Trao đổi với Dân Việt, NSND Thanh Hoa cũng cho rằng, năm nay dù đã ngoài 70 nhưng khi lên sân khấu bà vẫn hát live vì đó là sự tôn trọng nghề, tôn trọng mình và tôn trọng khán giả. Với bà, một ca sĩ mà không biết hát live hoặc không thể hát live thì không nên gọi là "ca sĩ" bởi hai từ đó rất danh giá.

"Có thể tôi hơi cổ hủ nhưng với tôi hát là phải để khán giả nghe được mình hát gì. Một ca sĩ lên sân khấu mà thở hổn hển, hát không ra hơi, nhạc một đường lời một nẻo, hát mà không ai hiểu đang hát gì là thất bại. Cho dù trong phòng thu có hát tốt đến mấy mà lên sân khấu không hát live được thì không nên đi hát. Ca sĩ là danh dự và giá trị chứ không phải là danh hiệu để bán buôn. Khoác lên mình hai chữ ca sĩ mà để người ta chê bai giọng hát live của mình là không nên. Tôi năm nay đã ngoài 70 tuổi nhưng hễ ai đó bảo tôi hát nhép đi để giữ sức là tôi từ chối. Không hát được thì tôi không nhận lời, còn hát được thì tôi nhất định phải hát live dù bài hát khó tới cỡ nào", NSND Thanh Hoa nhấn mạnh.

Hát live tốt đến mấy, muốn đi đường dài nhất thiết phải học hành bài bản

Có một thực tế là đa số các giọng ca không thể hát live được đều chưa hề qua trường lớp đào tạo nào và không có giọng hát tốt. Chính vì thế, họ không thể xử lý được tác phẩm âm nhạc theo cách của mình mà phải nhờ người khác thị phạm. Đúng hơn là họ không thể tự vỡ bài hát. Đó là lí do khiến họ phụ thuộc hoàn toàn vào công nghệ phòng thu và không tự tin khi lên sân khấu.

Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cho rằng, các ca sĩ không được đào tạo bài bản nhưng vẫn thành công là do họ có giọng hát tốt, năng khiếu bẩm sinh cộng thêm yếu tố may mắn. Dẫu vậy, việc học hành một cách bài bản vẫn đóng một vai trò quan trọng đối với các ca sĩ, đặc biệt là trong môi trường nhiều cạnh tranh như hiện nay.

"Việc học giúp các ca sĩ phát huy được thế mạnh trong giọng hát, hạn chế các tật trong hơi thở, cách phát âm. Ngoài ra, việc học cũng giúp họ có được sự tinh tế trong việc xử lý tác phẩm. Âm nhạc là môn nghệ thuật của sự tinh tế và sự tinh tế không phải vật chất, không phải một cái gì đó đã định hình một cách cụ thể, mỗi nghệ sĩ chỉ có thể chạm tới bằng cảm nhận.

Tuy nhiên, nếu sự cảm nhận sai lệch, hoặc nhẹ hơn là chưa chính xác sẽ tạo ra những kết quả chưa đẹp. Giống như đang hát về tình yêu thương của một người mẹ dành cho đứa con bé dại nhưng lại thể hiện quằn quại hoặc nét mặt gợi cảm như hát về tình yêu đôi lứa. Đáng tiếc, điều này đang rất dễ gặp trong đời sống âm nhạc hiện nay. Để nhận thức đúng đắn về thẩm mỹ, để thể hiện một cách tinh tế tác phẩm âm nhạc, thì học vẫn là yếu tố quan trọng đối với người nghệ sĩ", nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long nhận định.

Trung tuần tháng 9/2023, khoa Thanh nhạc của Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội đã tổ chức hội thảo "Nâng cao chất lượng đào tạo thanh nhạc trong giai đoạn hiện nay". Trong tham luận của mình, Ths, ca sĩ Lê Xuân Hảo đặt vấn đề rằng, đào tạo thanh nhạc chuyên nghiệp trong các trường nghệ thuật tạo ra lớp ca sĩ có khả năng truyền tải những tác phẩm thanh nhạc giá trị của thế giới, đồng thời sáng tạo các giá trị mới, định hướng thẩm mỹ cho công chúng, đáp ứng nhu cầu giải trí lành mạnh của xã hội. Để đào tạo đúng hướng và hiệu quả, đòi hỏi các cơ sở đào tạo phải nắm vững hơn nữa về thực tế đào tạo thanh nhạc chuyên nghiệp và sự liên kết với các môi trường biểu diễn trong và ngoài nước.

"Trong giai đoạn mới, đào tạo ca sĩ cho từng dòng nhạc là mục tiêu được xác định rõ ràng, trong đó cần chú trọng đào tạo tài năng đỉnh cao, hướng tới phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Với mục tiêu đặt ra như vậy, đào tạo thanh nhạc chuyên nghiệp cần phải có những đổi mới cụ thể hơn.

Đổi mới phương pháp dạy học thanh nhạc dựa trên cơ sở kế thừa, bổ sung, phát triển những phương pháp sẵn có, loại bỏ những yếu tố chưa hiệu quả, thêm vào những sáng kiến mang tính tích cực, hấp dẫn người học. Trên thực tế, mặt bằng năng lực sinh viên không đồng đều, với nhiều loại giọng và các dòng hát khác nhau, đòi hỏi giảng viên phải đánh giá sát năng lực, từ đó vận dụng linh hoạt các phương pháp để đem lại hiệu quả cao. 

Bên cạnh đó, cần đổi mới quy trình dạy học, phối hợp hình thức tổ chức dạy học cá nhân và nhóm, sử dụng hiệu quả phương pháp thị phạm và gợi mở, vận dụng linh hoạt kỹ thuật thanh nhạc, sử dụng các giáo trình bổ trợ với phần hát mẫu, nhạc mẫu và nhạc đệm giúp sinh viên từng bước nuôi dưỡng cảm xúc và rèn luyện năng lực biểu diễn.

Ngoài việc đổi mới phương pháp dạy học trên lớp, giảng viên cần có những phương pháp thích hợp để hướng dẫn sinh viên tự học. Tự học, tự nghiên cứu là cách hiệu quả nhất để sinh viên có thể rèn luyện các kỹ năng thanh nhạc", Ths Lê Xuân Hảo nhấn mạnh.