Dân Việt

Đề thi Văn cuối học kỳ 1 lớp 6 và lớp 10 ở Hà Nam đều gây chú ý

Tào Nga 04/01/2024 18:23 GMT+7
Giáo viên nhận xét, đề thi cuối học kỳ 1 lớp 6 và lớp 10 ở Hà Nam có nội dung lủng củng khiến nhiều học sinh không làm được bài, lấy văn bản trong SGK là chưa phù hợp với công văn của Bộ GDĐT.

Có gì trong đề thi Văn cuối học kỳ 1 lớp 6, lớp 10 ở Hà Nam?

Trao đổi với PV báo Dân Việt, một số giáo viên ở Hà Nam cho biết, mới đây, Sở GDĐT địa phương này tổ chức kiểm tra khảo sát chất lượng học kỳ 1 năm học 2023-2024 cho học sinh. Tuy nhiên, theo giáo viên, cả 2 đề thi Văn cuối học kỳ 1 lớp 6, lớp 10 ở Hà Nam đều có điểm chưa phù hợp.

Theo đó, với đề thi lớp 6, giáo viên cho biết, ở Phần viết (4 điểm) có nội dung câu hỏi lủng củng. Học sinh đọc sẽ thấy rối, khó hiểu, ảnh hưởng đến việc làm bài. Cụ thể câu hỏi là: "Trong vai người chứng kiến tình cảnh của cô bé bán diêm trong truyện "Cô bé bán diêm" của nhà văn Cri-xti-an An-đéc-xen, hãy kể về trải nghiệm đáng nhớ của em trong đêm giao thừa khi chứng kiến tình cảnh đáng thương của cô bé. Hãy nêu một vài suy nghĩ của em về ý nghĩa của tình người trong cuộc sống".

Đề thi Văn cuối học kỳ 1 lớp 6 và lớp 10 ở Hà Nam đều gây chú ý- Ảnh 1.
Đề thi Văn cuối học kỳ 1 lớp 6 và lớp 10 ở Hà Nam đều gây chú ý- Ảnh 2.

Đề thi cuối kỳ 1 lớp 6 ở Hà Nam. Ảnh: NVCC

Với đề thi Văn lớp 10, Phần viết (4 điểm) lại lấy ngữ liệu của bài "Thu hứng" trong SGK Ngữ văn lớp 10 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống. 

Các giáo viên nêu ý kiến: "Trong công văn hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông của Bộ GDĐT nêu rõ 'tránh dùng các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết để đánh giá chính xác năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn'. Vì vậy đề thi lại lấy ngữ liệu trong 1 bộ sách là chưa phù hợp với hướng dẫn của Bộ".

Đề thi Văn cuối học kỳ 1 lớp 6 và lớp 10 ở Hà Nam đều gây chú ý- Ảnh 3.
Đề thi Văn cuối học kỳ 1 lớp 6 và lớp 10 ở Hà Nam đều gây chú ý- Ảnh 4.

Đề thi cuối kỳ 1 lớp 10 lấy ngữ liệu trong SGK. Ảnh: NVCC

Nhận xét đề thi Văn cuối học kỳ 1 lớp 6, lớp 10 ở Hà Nam cũng như phản ánh của các giáo viên, thầy Nguyễn Minh Toàn, giáo viên Văn ở TP.HCM cho hay: "Đề kiểm tra Văn lớp 6 hơi lủng củng, trúc trắc. Câu hỏi có thể sửa thành 'Nhập vai nhân vật hoặc kể lại câu chuyện "Cô bé bán diêm" của nhà văn...'.

Còn với đề kiểm tra Văn lớp 10 lấy ngữ liệu trong SGK là chưa phù hợp với hướng dẫn của Bộ GDĐT. Cần biết rằng, với môn Ngữ văn, trong chương trình giáo dục phổ thông (trang 86 - 87) hướng dẫn như sau: 'Trong việc đánh giá kết quả học tập cuối năm học, cuối cấp học, cần đổi mới cách thức đánh giá (cấu trúc đề, cách nêu câu hỏi, phân giải độ khó,...); sử dụng và khai thác ngữ liệu bảo đảm yêu cầu đánh giá được năng lực của học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép tài liệu có sẵn; tránh dùng lại các văn bản ngữ liệu đã học để đánh giá được chính xác khả năng đọc hiểu và phân tích, cảm thụ tác phẩm văn học'. 

Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH ngày 21/7/2022 về việc hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá môn Ngữ văn yêu cầu tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết".

 Sở GDĐT nói về đề thi Văn cuối học kỳ 1 lớp 6, lớp 10 ở Hà Nam 

Liên quan đến 2 đề thi trên, phía Sở GDĐT Hà Nam cho hay: “Việc lấy ngữ liệu bên ngoài sách giáo khoa đưa vào đề kiểm tra môn Ngữ văn là một chủ trương đúng đắn của Bộ GDĐT để khắc phục tình trạng học thuộc bài máy móc đồng thời phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh trong quá trình học tập”. Việc đổi mới nên được thực hiện theo đúng lộ trình và tránh máy móc. Trong định hướng của Bộ GDĐT đã nêu rõ: việc lấy ngữ liệu trong đề kiểm tra là “tránh dùng lại” chứ không nhất thiết là “không được dùng”. 

Thực tế, đối với các em học sinh lớp 6 và lớp 10 năm học 2023-2024, việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 chỉ mới được bắt đầu từ tháng 9/2023. 

Trước đó, các em được học sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006. Vì vậy, cần thiết có một khoảng thời gian để các em được bổ trợ các nội dung theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 về kiến thức, kỹ năng và phương pháp học tập để đáp ứng được yêu cầu của việc thực hiện chương trình. 

Do đó, việc lựa chọn ngữ liệu trong hoặc ngoài sách giáo khoa đối với đề kiểm tra môn Ngữ văn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 6, lớp 10 trong thời điểm này tại Hà Nam đã thực hiện một cách linh hoạt cho phù hợp với điều kiện thực tế”.

“Trong những năm qua, chất lượng giáo dục của Hà Nam luôn được duy trì ổn định và nâng cao. Chất lượng thi tốt nghiệp THPT luôn đứng trong tốp 10 toàn quốc. Đặc biệt, chất lượng môn Ngữ văn liên tục xếp thứ hạng cao. Có được những thành tích ấy là sự nỗ lực không ngừng của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh Hà Nam; sự quan tâm chăm lo của các cấp, các ngành và nhân dân địa phương đối với ngành giáo dục. Trong hành trình đổi mới, giáo dục Hà Nam nói chung và môn Ngữ văn nói riêng đang tiếp tục nỗ lực, bứt phá để khẳng định vị thế của mình trong giáo dục toàn quốc. Mỗi người giáo viên nói chung và giáo viên môn Ngữ văn nói riêng cần quyết tâm đổi mới, sáng tạo, đoàn kết nhất trí để phát huy được những thành quả tốt đẹp”, phía Sở GDDT Hà Nam chia sẻ thêm.

Liên quan đến đề thi Văn kỳ 1 lớp 6 và lớp 10 vừa qua, một số giáo viên ở Hà Nam còn băn khoăn vấn đề ngữ liệu trong đề kiểm tra định kỳ, đề khảo sát chất lượng môn Ngữ văn đối với các lớp thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Để làm rõ vấn đề này, chúng tôi đã tìm hiểu các văn bản hướng dẫn của Bộ GDĐT về hướng dẫn chỉ đạo chuyên môn đối với môn Ngữ văn. Cụ thể, Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH ngày 21/7/2022 về việc hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông đã nêu rõ: "Trong đánh giá kết quả học tập cuối học kì, cuối năm học, cuối cấp học, tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết để đánh giá chính xác năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn".