Dân Việt

Vì sao cựu Bí thư, cựu Chủ tịch Thanh Hóa bị khởi tố tội đặc biệt nghiêm trọng nhưng được tại ngoại?

Quang Trung 04/01/2024 19:00 GMT+7
Chuyên gia pháp lý đã nêu quan điểm về việc ông Trịnh Văn Chiến, cựu Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa và ông Nguyễn Đình Xứng, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa bị khởi tố về tội đặc biệt nghiêm trọng, nhưng không bị tạm giam.

Cựu Bí thư, cựu Chủ tịch Thanh Hóa nộp 45 tỷ đồng khắc phục hậu quả

Công an tỉnh Thanh Hóa xác nhận hai bị can là ông Trịnh Văn Chiến, cựu Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa và ông Nguyễn Đình Xứng, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã nộp 45 tỷ đồng để khắc phục hậu quả gây ra trong vụ án liên quan đến dự án Hạc Thành Tower.

Vì sao cựu Bí thư, cựu Chủ tịch Thanh Hóa bị khởi tố tội đặc biệt nghiêm trọng nhưng được tại ngoại?- Ảnh 1.

Công an tỉnh Thanh Hóa đọc lệnh khởi tố bị can đối với cựu Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến. Ảnh: CACC

Theo đó, ông Trịnh Văn Chiến và ông Nguyễn Đình Xứng mỗi người đã nộp 22,5 tỷ đồng vào tài khoản tạm giữ của cơ quan công an nhằm khắc phục hậu quả gây ra trong vụ án.

Trước đó, tối 29/12/2023, Công an tỉnh Thanh Hóa khởi tố bị can đối với ông Trịnh Văn Chiến về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí theo Điều 219 Bộ luật hình sự.

Cùng tội danh trên, ngày 21/10/2023, Công an tỉnh Thanh Hóa khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú với ông Nguyễn Đình Xứng.

Liên quan đến vụ án Hạc Thành Tower, đến nay, Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố nhiều bị can là người có chức vụ tại tỉnh này. Trong đó, ông Chiến, ông Xứng là những người từng giữ chức vụ cao nhất bị khởi tố.

Các bị can trên đều bị cáo buộc có sai phạm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phê duyệt tiền sử dụng đất nộp ngân sách nhà nước của Công ty Sông Mã (nay là Công ty CP Sông Mã) tại dự án Hạc Thành Tower.

Vì sao phạm tội đặc biệt nghiêm trọng nhưng không bị tạm giam?

Sau thông tin này, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi, ông Trịnh Văn Chiến và ông Nguyễn Đình Xứng đều bị khởi tố về tội đặc biệt nghiêm trọng, nhưng vì sao không bị tạm giam?

Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, ý thức trong việc khắc phục hậu quả cũng như khả năng tài chính, khả năng huy động tiền của các bị can có ý nghĩa quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, là cơ hội để tìm kiếm các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Quá trình xác minh điều tra vụ án, có thể cơ quan tiến hành tố tụng cũng đã xác minh làm rõ các tài sản của các bị can trên. Trường hợp các bị can có tài sản tương đương với giá trị thiệt hại đã gây ra trong vụ án này, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ tiến hành kê biên, phong tỏa tài sản để đảm bảo thi hành án.

Tuy nhiên, trước khi cơ quan tố tụng áp dụng các biện pháp ngăn chặn để đảm bảo thi hành án, các bị can tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả, đây là một giải pháp tích cực, có lợi cho bị can bị cáo trong quá trình giải quyết vụ án.

Bởi vậy, việc bồi thường khắc phục hậu quả trong vụ án hình sự được thực hiện càng sớm càng có ý nghĩa trong việc xem xét giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự, nếu như bị cáo đã nhận thức được hành vi phạm tội của mình, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải.

Theo ông Cường, một điều đáng lưu ý trong vụ án này là cả hai bị can trên đều bị khởi tố cùng về một tội danh là tội Vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí, theo quy định tại khoản 3, Điều 219 Bộ luật hình sự với khung hình phạt là phạt tù từ 15 đến 20 năm.

Đây là tội đặc biệt nghiêm trọng, theo quy định pháp luật, các bị can có thể bị áp dụng hình biện pháp ngăn chặn là tạm giam trong quá trình điều tra truy tố xét xử.

Tuy nhiên, có thể các bị can đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, là người cao tuổi, sức khỏe yếu... nên được áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú.

Ngoài ra, việc các bị can tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả đáng kể cũng là tình tiết để cơ quan tố tụng áp biện pháp nhằm chặn là cấm đi khỏi nơi cư trú trong quá trình thực hiện hoạt động tố tụng của vụ án.

"Việc bồi thường khắc phục hậu quả không chỉ có ý nghĩa trong việc giảm bớt thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra, làm căn cứ để xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị can mà còn là cơ sở để cơ quan tố tụng cân nhắc áp dụng biện pháp ngăn chặn và có thể làm cơ sở để chuyển khung hình phạt" – vị chuyên gia thông tin.