Dân Việt

Hình phạt của tội danh cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng bị khởi tố

Quang Trung 05/01/2024 06:17 GMT+7
Ông Hoàng Quốc Vượng, cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương bị bắt cáo buộc đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng bị bắt

Chiều 4/1, Bộ Công an cho biết, Cơ quan An ninh điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam với ông Hoàng Quốc Vượng, cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Hình phạt của tội danh cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng bị khởi tố- Ảnh 1.

Ông Hoàng Quốc Vượng, cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương bị khởi tố, bắt tạm giam. Ảnh: Bộ Công an.

Đây là động thái mới trong quá trình Bộ Công an điều tra mở rộng vụ án Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Bộ Công Thương và các tỉnh, thành.

Ông Hoàng Quốc Vượng, 61 tuổi, tốt nghiệp Trường mỏ MGRI tại Moskva (Nga), sau đó trải qua nhiều vị trí như Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên trước khi được bổ nhiệm giữ chức thứ trưởng Bộ Công Thương từ tháng 8/2010.

Đến tháng 9/2012, ông Vượng được điều động sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giữ vai trò là Chủ tịch hội đồng thành viên, Bí thư Đảng ủy tập đoàn. Ba năm sau, ông thôi cương vị ở EVN để trở lại làm Thứ trưởng Công Thương.

Nếu gây thiệt hại 1 tỷ đồng trở lên sẽ bị phạt tù từ 10 đến 15 năm

Trao đổi với PV Dân Việt, luật gia Khổng Thùy Dung (Văn phòng luật sư Interla) cho biết, tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ mà cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương bị khởi tố được quy định tại Điều 356 Bộ luật hình sự.

Theo đó, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ là hành vi làm trái với nhiệm vụ được giao của người có chức vụ, quyền hạn, là hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm trước hết hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức. Đồng thời xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật.

Hành vi khách quan của tội này là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ. Trong thực tế làm trái công vụ có thể là không làm trong trường hợp phải làm và có điều kiện để làm hoặc làm nhưng không đầy đủ hoặc làm ngược lại quy định hoặc yêu cầu của công vụ.

Quy định về công vụ có thể tồn tại trong các quy định của pháp luật, nội quy, chế độ, thể lệ của ngành hoặc địa phương.

Theo bà Dung, hành vi làm trái của người có chức vụ, quyền hạn phải gây ra những thiệt hại cụ thể cho lợi ích của nhà nước, của xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Khi có hậu quả xảy ra, hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ bị coi là tội phạm.

Làm trái công vụ là dấu hiệu đặc trưng của tội phạm này. Nếu người phạm tội không làm trái công vụ mà làm đúng nhưng vẫn gây thiệt hại cho lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì không cấu thành tội phạm này mà tùy trường hợp cấu thành tội phạm khác.

Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý. Động cơ phạm tội là động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác. Động cơ vụ lợi là động cơ mưu cầu lợi ích vật chất cho mình hoặc cho người khác mà mình quan tâm.

Còn động cơ cá nhân khác trong thực tế có thể là động cơ củng cố địa vị, uy tín cá nhân hoặc quyền lực cá nhân mà không mưu cầu lợi ích vật chất. Động cơ phạm tội là dấu hiệu pháp lý bắt buộc của tội này.

Về hình phạt, theo bà Dung, Điều 356 quy định, người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10 đến dưới 200 triệu đồng hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 đến 5 năm.

Nếu phạm tội có tổ chức, phạm tội 2 lần trở lên, gây thiệt hại về tài sản từ 200 đến dưới 1 tỷ đồng sẽ bị phạt tù từ 5 đến 10 năm.

Còn trường hợp phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1 tỷ đồng trở lên sẽ bị phạt tù từ 10 đến 15 năm.