Tại Diễn đàn "Kinh doanh theo phương thức đa cấp tại Việt Nam - giải pháp phát triển minh bạch và bền vững", Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng cho biết, mặc dù đã có quy định quản lý hoạt động bán hàng đa cấp nhưng trên thực tế nhiều vi phạm xảy ra, gây bức xúc dư luận và tổn thất cho người tiêu dùng.
Không ít đơn vị kinh doanh biến tướng đã từng bị nhận diện, xử lý. Tính sơ bộ, hàng trăm nghìn người bị ảnh hưởng bởi mua hàng đa cấp có vi phạm, với thiệt hại lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Thực tế này đặt ra yêu cầu tăng cường hiệu quả quản lý, kịp thời theo dõi để chấn chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các quy định, văn bản pháp luật điều chỉnh bán hàng đa cấp, đồng thời cải thiện niềm tin cũng như chất lượng hoạt động.
Hiệp hội bán hàng đa cấp Việt Nam (VMLMA) cho biết, tổng doanh thu của các đơn vị thành viên năm 2022 đạt khoảng 21 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 10% so với năm 2021.
Các doanh nghiệp bán hàng đa cấp nộp ngân sách trên 2.400 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp chủ động đào tạo, bổ sung kiến thức, nâng cao trình độ, chất lượng phục vụ cũng như tuân thủ quy định pháp luật.
Tuy mang về lợi ích lớn về kinh tế, nhưng hoạt động bán hàng đa cấp đến nay còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, đòi hỏi tốc độ phát hiện, xử lý vi phạm phải được nâng cấp nhằm lành mạnh hóa lĩnh vực nhạy cảm này.
Trả lời câu hỏi về tình trạng kinh doanh đa cấp vi phạm pháp luật liên tục xảy ra, gây bức xúc. Đơn vị nào sẽ chủ trì trong việc xử lý? Luật sư Võ Đan Mạch, Chánh văn phòng VMLMA cho biết, đó cũng là vấn đề nhiều năm qua chúng ta chưa tìm ra được câu trả lời phù hợp nhất. Đối với Hiệp hội, việc tiếp cận đơn thư với người dân gần như không có.
"Đối với xâm phạm sở hữu trí tuệ chúng ta có thể giám định được, nhưng với bán hàng đa cấp chúng ta giám định ra sao? Làm sao chúng ta xác định được đó là bán hàng không phép? Có dấu hiệu đa cấp hay không? Hiệp hội không chứng nhận được, Ủy ban cạnh tranh cũng không chứng nhận được. Vậy dựa trên cơ sở nào để xử lý? Trước mắt chỉ dựa trên điều kiện có phép hay không", Chánh văn phòng VMLMA nói.
Theo đó, ông Võ Đan Mạch đề nghị có cơ chế phối hợp giữa các cơ quan. Cụ thể khi Ủy ban cạnh tranh thu thập thông tin, xác định doanh nghiệp hoạt động không phép, cần phối hợp với cơ quan công an để có kết quả cuối cùng. Đồng thời, cần thêm đường dây nóng để tiếp nhận, mà theo đại diện VMLMA là hiện nay chưa có.
"Hiệp hội sẵn sàng cử người trực nhận phản ánh nhưng không nhận được gì cả. Nhiều người nói rằng đa cấp là lừa đảo này kia, nhưng hiện thực hóa thì không thấy đâu. Không có gì đặt lên bàn để xem được, ngay cả 1 cái đơn thôi", ông Võ Đan Mạch nhấn mạnh.
Đại diện Cục nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường, khẳng định các đơn vị thuộc Bộ Công thương như Tổng cục, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, đều có đầu mối để tất cả những người quan tâm đến loại hình đa cấp gọi đến để giải đáp thắc mắc. Thời gian qua, giữa Tổng cục và Ủy ban có sự phối hợp tương đối nhịp nhàng.
Thông thường chỉ có thành viên VMLMA khi có vấn đề gì mới bày tỏ, kiến nghị. Còn người dân không gọi vì họ sẽ tìm đến cơ quan quản lý.
Bà Nguyễn Thu Trang, đại diện Ủy ban cạnh tranh quốc gia khẳng định đơn vị nhận được nhiều đơn thư của người tiêu dùng. Cả về tố cáo vi phạm, cũng như đề nghị hỗ trợ thông tin, quy định.
"Doanh nghiệp khi tự tìm hiểu để hiểu rõ mô hình là gì, để xin cấp giấy chứng nhận, hoặc có ý kiến... Ủy ban sẽ trả lời dựa trên chứng cứ, dữ liệu được cung cấp. Mặc khác, việc đánh giá doanh nghiệp có hoạt động thuộc mô hình đa cấp hay không, Ủy ban đủ chuyên môn, thẩm quyền để xác định", bà Thu Trang nói.
TS. Nguyễn Tú Anh - Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế (Ban Kinh tế Trung ương) cho biết, kinh doanh theo phương thức đa cấp là loại hình kinh doanh có điều kiện, được cấp phép và là miếng ghép quan trọng trong hệ thống kinh tế thị trường.
Trong khi hình thức phân phối truyền thống đưa sản phẩm hàng hoá từ nhà máy đến người tiêu dùng có khoản chi phí lưu thông cho các cửa hàng, siêu thị thì ở hình kinh doanh theo phương thức đa cấp, chi phí lưu thông được chia sẻ lợi ích cho những người tham gia mạng lưới, hệ thống. Nhận thức rõ nội dung của vấn đề này, kinh doanh theo phương thức đa cấp không hề xấu.
Kinh doanh đa cấp có vấn đề khi nảy sinh một số bất cập như người bán hàng thông tin không đúng về sản phẩm, bán sản phẩm không đảm bảo chất lượng với giá cao… đồng thời tạo xu hướng tiêu dùng quá mức. Không quản lý tốt hình thức kinh doanh này sẽ gây hệ luỵ cho cộng đồng, xã hội.
Để giải quyết bất cập trên, TS. Tú Anh cho rằng, cần minh bạch khái niệm đa cấp theo hướng dễ nhận diện để doanh nghiệp, người dân cùng hiểu. Doanh nghiệp cần minh bạch thông tin, giá bán cuối cùng của sản phẩm. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền để người dân và cộng đồng hiểu rõ.
Còn đại diện Ủy ban cạnh tranh quốc gia thì cho rằng, để ta phát triển được, trước khi nhận thức ngành này có điểm tốt gì, cần phải nhận định được như thế nào là bất chính trong bán hàng đa cấp. Sau đó mới tìm cách phòng tránh. Khi nhận thức của người dân tăng lên rồi, mới tìm ra được giải pháp làm trong sạch.
Để người dân nhận diện, bà Thu Trang chỉ ra một số dấu hiệu vi phạm như bán hàng đa cấp nhưng không tập trung vào bán sản phẩm. Quy định hiện nay đang tập trung cấm những hành vi doanh nghiệp sử dụng chiêu trò để tuyển dụng người, không tập trung vào bán hàng. Hoặc yêu cầu người tiêu dùng bỏ một tiền nhất định, mua lượng hàng hóa nhất định để tham gia vào mạng lưới. Ngoài ra còn hành vi quảng cáo sai lệch về sản phẩm, sai lệch về lợi ích. Đặc biệt là vi phạm có thể xảy ra ở cả doanh nghiệp đã được cấp phép.
Để xác tín thông tin, ngoài những kênh trên website của Ủy ban cạnh tranh quốc gia, website của VMLMA, người dân cũng có thể gọi đến tổng đài 1800.68.38 Tổng đài về Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Ủy ban cạnh tranh Quốc gia để phản ánh, hoặc để được giải đáp thông tin.