Dân Việt

Giảm tỷ lệ hộ nghèo, điều kiện quan trọng đưa Thừa Thiên Huế lên thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2025

An Sơn 06/01/2024 10:37 GMT+7
Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ, việc giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo là điều kiện, yếu tố quan trọng để đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2025.

Ngày 6/1, theo tin từ Ban Chỉ đạo giảm nghèo bền vững tỉnh Thừa Thiên Huế, trong năm 2023, việc triển khai thực hiện Đề án giảm nghèo bền vững tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

 Năm 2023, tổng số hộ nghèo ở tỉnh còn 7.540 hộ, tỷ lệ 2,27% (giảm 4.195 hộ so với năm 2022), vượt chỉ tiêu so với kế hoạch đề ra của năm 2022 là 1.826 hộ, tỷ lệ 0,52%. Trong đó, số hộ nghèo không có khả năng lao động giảm còn 2.869 hộ và hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng là 288 hộ. Tổng số hộ cận nghèo ở tỉnh là 9.002 hộ, tỷ lệ 2,71%, giảm 0,59%, tương ứng 1.852 hộ so với năm 2022. 

Giảm tỷ lệ hộ nghèo, điều kiện quan trọng đưa Thừa Thiên Huế lên thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2025 - Ảnh 1.

Hội Nông dân huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế) trao tặng lợn giống cho hội viên nông dân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện. Ảnh: N.D.P.Đ.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng công tác giảm nghèo ở tỉnh vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức. Trong điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo toàn tỉnh tuy có giảm nhưng vẫn còn ở mức cao, số hộ nghèo không có khả năng lao động còn nhiều (2.869 hộ), một số mục tiêu, chỉ tiêu chưa đạt yêu cầu đề ra.

Công tác giảm nghèo ở tỉnh chưa thực sự bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện A Lưới đến cuối năm 2023 vẫn còn cao, với tỷ lệ 24,4% (3.485 hộ), hộ cận nghèo là 15,65% (2.253 hộ). Có 11 xã ở huyện A Lưới tỷ lệ hộ nghèo trên 25% và còn 1.352 nhà tạm cần được hỗ trợ…

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình, nguồn lực tập trung vào công tác giảm nghèo ở tỉnh trong năm 2024 rất lớn. Vì vậy, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương phải xây dựng kế hoạch đầu năm, có kế hoạch giải ngân theo từng quý, từng năm.

Bên cạnh đó, các ngành, địa phương được giao phải tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, quản lý chặt chẽ, đảm bảo chính sách bình đẳng, các hộ xóa nhà tạm phải thực chất, phải xác định đối tượng đào tạo nghề phù hợp với thực tiễn địa phương…

Giảm tỷ lệ hộ nghèo, điều kiện quan trọng đưa Thừa Thiên Huế lên thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2025 - Ảnh 2.

Mô hình phát triển chăn nuôi bò đang giúp giúp người dân ở huyện A Lưới phát triển kinh tế hiệu quả để giảm nghèo bền vững. Ảnh: Hiếu Lê.

Ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo giảm nghèo bền vững tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, để triển khai thực hiện thành công Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế, việc giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo là điều kiện, yếu tố quan trọng để đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2025. Do đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền ở tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đề ra các giải pháp đồng bộ, sáng tạo, huy động vào cuộc sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2025.

Theo ông Phan Ngọc Thọ, xác định giảm nghèo bền vững để người dân khá giả hơn là mục tiêu xuyên suốt, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, xây dựng nông thôn mới, nâng cao mức sống người dân ở tỉnh. 

Năm 2024 huyện A Lưới phải giúp 74 hộ thoát nghèo, giảm tỷ lệ hộ cận nghèo, nâng cao tỷ lệ các xã không có hộ nghèo. Trong năm này, tỉnh tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả phong trào "Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo", tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn hỗ trợ và nguồn vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia để thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững...