Phong Hải là địa phương ven biển thuộc huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Hội viên nông dân xã Phong Hải chủ yếu hoạt động sản xuất ngư nghiệp và nuôi trồng thủy hải sản. Nghề ngư và nuôi trồng thường dựa vào thiên nhiên và đi cùng với đó là những rủi ro về thời tiết ảnh hưởng lớn đến sản xuất ngư nghiệp. Với tổng số hội viên nông dân trong toàn xã 392 hội viên, chủ yếu sinh hoạt trong các chi hội, tổ hội nghề nghiệp về đánh bắt gần bờ và nuôi trồng hải sản, chủ yếu là tôm, ốc hương và cá nước lợ.
Riêng chi hội - câu lạc bộ nuôi tôm xã Phong Hải đã tập hợp được 78 hội viên, hình thành sự liên kết giữa các hội viên nông dân tạo ra sinh kế và thu nhập tiền tỷ cho nông dân. Tuy nhiên, hai năm trở lại đây, do biến động về nguồn nước và biến đổi khí hậu, nuôi tôm trên cát của các hộ nông dân gặp thất bại, do dịch bệnh và thời tiết cực đoan.
Đồng chí Đinh Khắc Đính, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tham quan mô hình nuôi ốc hương của hộ nông dân Hồ Quang Lường
Nông dân Hồ Quang Lường, xã Phong Hải, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế tâm sự: Khoảng hai năm về trước, nuôi tôm trên cát được nhiều lợi nhuận và thu hút nhiều lao động tham gia. Từ hai năm trở lại đây, do thời tiết cực đoan, khi thì mưa nhiều làm cho nồng độ muối trong hồ giảm nhanh, nắng nóng nhiều ngày làm phát sinh dịch bệnh cho tôm, dẫn đến thua lỗ liên tục.
Trước tình hình đó, chi hội – câu lạc bộ nuôi tôm tại địa phương này đã cùng bàn bạc, trao đổi và chuyển đổi sang nuôi ốc hương và xen canh các loại cá kình, cá dìa.
Qua hơn một năm thử nghiệm, kết quả mang lại khả quan, nông dân có thu nhập ổn định. Có được kết quả này, theo hội viên Hồ Quang Lường cho biết: Nuôi ốc hương thương phẩm cho thu nhập khá cao, thương lái không chỉ ở Thừa Thiên Huế, mà cả Quảng Trị và các tỉnh lân cận cũng đến tận nơi hỏi mua. Giá cả ổn định, ít dịch bệnh, ốc hương có thể thích nghi với thời tiết, và đặc biệt là có thể nuôi xen canh với các loại cá nước lợ, tận dụng nguồn thức ăn dư thừa của ốc hương, giảm thiểu về khả năng rủi ro ô nhiễm của nguồn nước.
Điều đáng mừng là giá ốc hương hiện nay khá ổn định, sản lượng thương phẩm loại tốt có thể lên đến hơn 200.000 đồng/kg và có sức tiêu thụ mạnh khi người tiêu dùng ưa chuộng dòng hải sản này. Từ khi thả nuôi, đến khi thu hoạch khoảng từ 5 tháng đến 7 tháng và nông dân có thể nuôi trồng xen canh nên thu nhập lên tới tiền tỷ trên một năm.
Tuy nhiên, một khó khăn hiện nay mà theo đồng chí Hoàng Văn Hòa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phong Hải cho biết là các hộ nông dân khó tuyển dụng và thu hút lao động. Trước đây chủ yếu lao động là bà con, anh em bạn bè với chủ nông hộ, gần đây sau các vụ nuôi tôm mất mùa, bấp bênh, lao động đã chuyển đi làm việc nơi khác với độ ổn định cao hơn. Khó khăn hiện nay là làm sao phải đảm bảo sự ổn định cho kinh tế nuôi trồng tại địa phương giữ được sự ổn định, tránh mất mùa, thua lỗ rồi mới chuyển đổi.
Chia sẻ về những rủi ro khi nuôi tôm trên cát tại địa phương, đồng chí Hoàng Văn Hòa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phong Hải chia sẻ thêm, nhiều lúc nhìn mưa to gió lớn cuốn bay toàn bộ lưới bảo vệ của hồ nuôi mà thấy xót xa cho nông dân tại địa bàn xã. Xem như bao nhiêu vốn liếng bay cùng theo gió chỉ sau một trận bão. Ngoài thời tiết, thì việc quan trắc chất lượng nước hồ nuôi có vai trò quyết định, nhất là các chỉ số về sinh hóa, độ mặn. Nông dân chủ yếu nuôi trồng dựa vào … kinh nghiệm, khi nào thấy mưa nhiều, ra bơi giữa hồ và quan trắc nước cũng bằng … kinh nghiệm mà không có một dụng cụ đo đạc và phân tích bằng số liệu, dữ liệu nào.
Cùng sự bị động với thời tiết, con giống, thì quan trắc chất lượng nước thủ công đã dẫn đến sự không ổn định và rủi ro cao của ngành kinh tế đem lại lợi nhuận tốt này.
Theo đồng chí Trương Diên Hùng, Huyện ủy viên, Uỷ viên BTV Hội Nông dân tỉnh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phong Điền: Hiện trên địa bàn huyện có hơn 10.176 hội viên Hội Nông dân, sinh hoạt tại 137 chi hội nông dân và 17 chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp với 302 hội viên tham gia. Ngoài các lĩnh vực kinh tế nông nghiệp, chăn nuôi, thì nông dân sản xuất, nuôi trồng thủy hải sản đem lại thu nhập khá cao. Đi cùng với lợi nhuận thì độ rủi ro cũng cao hơn với các lĩnh vực khác của nông hộ.
Vì vậy, để đảm bảo sự ổn định cho sản xuất nông nghiệp của các hội viên nông dân, cần vai trò cầu nối của tổ chức Hội Nông dân cấp cơ sở, mà nòng cốt là Hội Nông dân cấp xã. Ngoài việc tăng cường cơ giới hóa bằng máy móc như thiết bị quạt tạo oxy, máy bơm, … các hộ nuôi trồng cần nghiên cứu lựa chọn con giống ổn định, dự báo được thời tiết và quan trắc chất lượng nguồn nước bằng công nghệ cao, dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo thông qua các thiết bị cảm biến và camera giám sát.
Mô hình nuôi ốc hương xen canh với 04 hồ nuôi gần 10.000m2
Thông qua tổ chức Hội Nông dân và sự chỉ đạo của lãnh đạo Huyện, sự hỗ trợ của các Sở, Ngành liên quan, cần tạo ra cầu nối giữa nông dân, cụ thể là các chi hội – câu lạc bộ nghề nghiệp với các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học. Thừa Thiên Huế là địa phương có lợi thế với Đại học Huế là các cơ sở đào tạo, nghiên cứu như Đại học Nông lâm Huế, Viện Công nghệ sinh học, cùng với đó là một trong những Tỉnh đầu tiên của các nước triển khai mô hình chuyển đổi số, đô thị thông minh và nông nghiệp thông minh.
Hội Nông dân các cấp cần tranh thủ tạo sự kết nối, hình thành cầu nối để nông dân đặt ra các bài toán và cùng các cơ quan nhà nước, trường Đại học, Viện Nghiên cứu và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hỗ trợ hội viên, nông dân không chỉ phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh nông sản và tăng thu nhập cho nông dân, mà còn tạo sự ổn định trong sản xuất nông nghiệp, không để hội viên nông dân đơn độc làm kinh tế.