Một nông dân Nghệ An chế loại nước gì mà đem treo trong vườn tiền tỷ, côn trùng lập tức tránh xa?
Một nông dân Nghệ An chế loại nước đặc biệt đem treo trong vườn tiền tỷ, côn trùng lập tức tránh xa
Thắng Tình
Chủ nhật, ngày 07/01/2024 06:00 AM (GMT+7)
Ông Biên ở xã Đồng Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An dùng cá đồng ủ thành loại nước đặc biệt. Ông chỉ cần bôi, hoặc treo loại nước đặc biệt này trên cây cam côn trùng gây hại lập tức tránh xa.
Chế phẩm sinh học đặc biệt treo lên cây côn trùng tránh xa vườn cam tiền tỷ
Năm nay, trang trại cam với diện tích 5ha của gia đình ông Trương Văn Biên (66 tuổi, trú xã Đồng Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) cây nào cũng trĩu quả.
Dự kiến, trang trại sẽ thu hoạch khoảng 100 tấn cam. Với giá bán trung bình khoảng 30.000 đồng/kg, ông Biên thu về hơn 3 tỷ đồng.
Gia đình ông Biên bắt đầu trồng thử nghiệm cây cam từ năm 2014. Đến năm thứ 4 thì cây cam bắt đầu cho thu hoạch quả.
Trên diện tích 5ha, ông Biên trồng hơn 2.400 cây cam xã đoài lòng vàng. Giống cam này nổi tiếng bởi vị ngọt thanh, thơm.
Ông Trương Văn Biên chia sẻ, năm nay thời tiết thuận lợi nên cây cam cho năng suất cao, chất lượng tốt. Cam xã đoài lòng vàng là loại cây "khó tính" nên quá trình chăm sóc cũng đòi hỏi nhiều công sức.
Đặc biệt, khi cây cam ra hoa kết quả rất dễ bị các loại côn trùng gây hại tấn công. Trong đó, ruồi vàng, sâu và bướm là những loài côn trùng gây hại ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất và chất lượng của quả cam.
Người dân dùng nhiều cách khác nhau để bảo vệ vườn cam trước sự tấn công của những loài côn trùng gây hại. Có người dùng biện pháp bao quả. Nhà khác lại dùng màn phủ kín từng cây cam. Đặc biệt có những gia đình chi hàng trăm triệu đồng dùng lưới che kín cả vườn cam.
Riêng tại trang trại cam của gia đình ông Biên, những cây cam vẫn phát triển tự nhiên, không cần phủ lưới nhưng côn trùng gây hại đều tránh xa.
Đó là nhờ 2 loại chế phẩm sinh học được ông Biên tự tạo ra. Trong đó, một loại ông Biên dùng để phun lên cây cam. Một loại chỉ cần bôi lên cành hoặc treo lên cây cam là côn trùng gây hại tự tránh xa.
Ông Biên chia sẻ, trong các loại côn trùng gây hại, nguy hiểm nhất vẫn là ruồi vàng. Quả nào bị ruồi vàng chích thì sẽ thối và rụng.
Ruồi vàng thường chích vào những loại quả có mùi thơm. Hương thơm sẽ thu hút ruồi vàng, còn khi có mùi hôi thì ruồi vàng sẽ không đến. Chính vì thế chỉ cần tạo ra mùi hôi treo lên cây thì sẽ xua đuổi được ruồi vàng.
Để tạo ra loại nước này, ông Biên dùng các loại cá đồng rồi ủ trong nhiều ngày để lên men. Sau đó trộn thêm nước lạnh để tạo ra mùi hôi và cho vào những chai nhựa nhỏ rồi treo cố định lên các cành cây cam.
Trong vườn của ông Biên, cây cam nào cũng được treo những chai nhựa chứa loại nước "đặc biệt" này.
Những cây nhỏ chỉ cần treo 1 chai chứa loại nước đặc biệt. Đối với những cây cam lớn, tán rộng ông Biên treo đến 3 chai để có hiệu quả. Để có thêm hiệu quả, ông Biên còn mua chất thơm thu hút ruồi vàng rồi cho vào chai nhựa treo phía ngoài vườn cam. Mục đích để đuổi ruồi vàng trong vườn cam và thu hút ruồi ra phía ngoài. Từ đó, vườn cam được đảm bảo an toàn khỏi các loại sâu bọ, côn trùng...
Diệt nấm, sâu bệnh bằng chế phẩm sinh học xay từ ớt, riềng, tỏi, gừng
Trang trại cam của ông Biên thuộc Hợp tác xã Cam Đồng Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An đã đạt chứng nhận Vietgap và là sản phẩm đạt OCOP 3 sao. Ông Biên trồng cam theo hướng an toàn.
Để diệt nấm, sâu bệnh trên cây cam ông Biên không dùng các loại thuốc bảo vệ thực vật. Thay vào đó, ông Biên dùng một loại chế phẩm sinh học.
Ông Biên dùng ớt cay, gừng, riềng, tỏi, xay thật nhuyễn. Sau đó trộn thêm rượu, mật, dấm và ủ trong vòng 20 ngày.
Mỗi lần ông Biên ủ hàng trăm lít chế phẩm sinh học rồi dùng để phun lên cây thay thuốc trừ sâu. Sử dụng chế phẩm sinh học vừa an toàn cho sức khỏe, lại giúp cây cam phát triển tốt. Qủa cam sẽ ngon hơn và không bị ảnh hưởng.
Hiện vườn cam của ông Biên đã chín và đang vào mùa thu hoạch. Nhiều gốc cam có tuổi đời từ 8 đến 10 năm cho nhiều quả. Có cây cam cho hơn 1 tạ quả. Để kịp thu hoạch bán cho khách dịp Tết, ông Biên phải thuê nhiều nhân công về cắt, chọn và phân loại cam.
Hiện tại cây cam đang trở thành một trong những loại cây trồng chủ lực của huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.
Người dân cũng canh tác theo hướng an toàn, chất lượng và thương hiệu đã được khẳng định. Nhờ đó, những vườn cam mang lại năng suất cao, giá trị kinh tế lớn. Toàn huyện Yên Thành hiện có hơn 335 ha cam, diện tích cho khai thác gần 290 ha.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.