Tin từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết, vừa qua, khoa Nội tiết – Đái tháo đường của bệnh viện vừa phối hợp với khoa Can thiệp tim mạch tiếp nhận và điều trị cho 1 bệnh nhân đái tháo đường biến chứng tim mạch.
Bệnh nhân là bà T.T.C (84 tuổi) có tiền sử đái tháo đường type 2 khoảng 1 năm, bị tăng huyết áp khoảng 5 năm, bị biến chứng hẹp động mạch vành nhưng không được phát hiện.
Người bệnh nhập viện khoa Nội tiết – Đái tháo đường vì đường máu cao, mệt. Sau khi làm các xét nghiệm, điện tim, siêu âm tim 4D, người bệnh được chẩn đoán: Đái tháo đường type 2 – Tăng huyết áp – Theo dõi bệnh mạch vành mạn.
Sau khi hội chẩn với chuyên khoa Tim mạch – Can thiệp, các bác sĩ phát hiện người bệnh bị hẹp 90% động mạch vành trái, 50% động mạch vành phải, 40% động mạch mũ.
Người bệnh đã được nong và đặt stent động mạch vành. Sau can thiệp, người bệnh tỉnh, đỡ mệt, toàn trạng ổn định, được xuất viện sau 07 ngày. Hẹn tái khám chuyên khoa Nội tiết và chuyên khoa Tim mạch.
Trường hợp người bệnh T.T.C là một trong nhiều ca bệnh đái tháo đường biến chứng tim mạch ở người bệnh cao tuổi, không có triệu chứng điển hình được phát hiện sớm và điều trị thành công tại Bệnh viện Phú Thọ.
Theo các bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ, biểu hiện lâm sàng bệnh mạch vành ở các người bệnh đái tháo đường rất nghèo nàn.
Một số các triệu chứng điển hình như đau thắt ngực (cơn đau thắt sau xương ức, đau có cảm giác như bóp nghẹt tim, lan lên vai trái, cằm hoặc cánh tay trái); hoặc cảm giác tức nặng ngực trái, hồi hộp đánh trống ngực, khó thở…
Nhưng cũng có rất nhiều người bệnh bị thiếu máu cơ tim, thậm chí nhồi máu cơ tim nặng mà không hề biết, chỉ khi đi kiểm tra sức khoẻ mới tình cờ phát hiện được.
Vì vậy, người bị bệnh đái tháo đường cần kiểm tra tim mạch định kỳ để có thể phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh mạch vành. Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, dù là rất nhỏ, người bệnh cũng cần được khám xét kỹ lưỡng về tim mạch để kịp thời phát hiện và xử trí.
Các biện pháp này cần được thực hiện thường xuyên và liên tục. Phải kiểm soát tốt lượng đường trong máu theo khuyến cáo của Bộ Y tế, tùy theo lứa tuổi và tình trạng bệnh lý kết hợp; cần cá thể hóa điều trị, mục tiêu chung là đường máu đói từ 4,4 7,2 mmol/l; HbA1c < 7%, đặc biệt ở người bệnh cao tuổi mục tiêu HbA1c có thể < 8 mmol/l, tránh tình trạng hạ đường máu trên những người bệnh này.
Kiểm soát đường máu là vấn đề mấu chốt nhất, tuy nhiên cần phối hợp với kiểm soát tốt huyết áp, mỡ máu… nhằm làm giảm biến chứng của bệnh.
Điều trị rối loạn lipid máu: bằng chế độ ăn và điều trị thuốc hạ mỡ máu (ưu tiên nhóm statin); Kiểm soát tốt huyết áp: mục tiêu điều trị tăng huyết áp ở người bệnh đái tháo đường là đưa mức huyết áp xuống dưới 130/80 mmHg.
Điều trị tăng huyết áp là 1 trong 4 điều trị thiết yếu để ngăn ngừa xơ vữa động mạch và biến cố động mạch vành ở người bệnh đái tháo đường.
"Người bệnh đái tháo đường cần điều trị toàn diện, không chỉ điều trị đường máu mà phải kết hợp với điều trị các yếu tố nguy cơ đi kèm, đặc biệt là tăng huyết áp, xơ vữa động mạch và rối loạn lipid máu. Theo dõi thường xuyên và đi khám định kỳ, kịp thời phát hiện các biến chứng để xử trí sớm", bác sĩ nhấn mạnh.