Dân Việt

Nhiều doanh nghiệp vẫn chật vật, cố gắng cầm cự qua khó khăn

Quốc Hải 08/01/2024 11:02 GMT+7
Tết năm ngoái, mặc dù có khó khăn nhưng một số doanh nghiệp vẫn còn tiền dự trữ, thì năm nay cũng đã cạn với chi phí vận hành lớn, trong khi doanh thu giảm mạnh.

Trao đổi với Dân Việt về tình hình xuất khẩu dịp Tết Nguyên đán năm nay, ông Nguyễn Ngọc Luận, CEO của Meet More cho hay, tình hình xuất khẩu rất chậm và gần như bị đóng băng khoảng 3 tháng nay. Vì vậy, doanh số năm 2023 của doanh nghiệp ước giảm tới 50%.

Nhiều doanh nghiệp vẫn chật vật, cố gắng cầm cự qua khó khăn- Ảnh 1.

Năm 2023, cà phê nông sản Meet More đang cố gắng cầm cự qua giai đoạn khó khăn bởi sức mua trên thị trường khá yếu. Ảnh: Meet More

Doanh nghiệp xoay xở cầm cự qua giai đoạn khó khăn

"Hồi đầu năm thì thị trường còn túc tắc, giờ thì rất khó khăn", ông Luận nói và cho biết thêm, hiện doanh nghiệp vẫn chưa tìm được hướng gỡ khó vì thực tế là do nhu cầu thị trường thế giới chậm, hơn nữa làn sóng vận chuyển cũng đang tăng nên cũng đang chờ khả năng thị trường các nước có kích được cầu lên hay không.

Cũng theo CEO của Meet More, doanh nghiệp đã chuyển hướng về khai thác thị trường nội địa từ năm ngoái nhưng nhìn chung thị trường nội địa năm nay sức cầu cũng khá yếu.

"Meet More đang làm thị trường nội địa là chủ yếu để giữ thôi, còn khả năng tăng trưởng và phát triển thị trường nội địa hiện nay gần như không có", ông Luận nói.

Nhiều doanh nghiệp vẫn chật vật, cố gắng cầm cự qua khó khăn- Ảnh 2.

Doanh số năm 2023 của Meet More ước giảm tới 50%.

"Những năm trước, bằng giờ này chúng tôi cũng ra được vài chục nghìn hộp quà tết để phục vụ đối tác, công ty xí nghiệp,... nhưng năm nay tới thời điểm này chỉ mới chỉ có được vài nghìn hộp quà được đặt, giảm tới 60%-70% so với cùng kỳ", ông Nguyễn Ngọc Luận, CEO của Meet More nói.

Doanh nghiệp sản xuất đã khó, các công ty lĩnh vực bất động sản (BĐS) càng khó khăn hơn.

Giám đốc truyền thông của một doanh nghiệp BĐS lớn khu vực phía Nam, cho hay, từ quy mô 350 nhân sự năm ngoái, năm nay doanh nghiệp chỉ còn lại khoảng 70 người, đều là những nhân sự chủ chốt và có lẽ phải mất khoảng 1 năm để xử lý những tồn đọng của năm 2023.

Theo vị này, do tình hình thị trường BĐS ảm đạm cùng một vài biến cố, hiện doanh nghiệp đang triển khai tái cơ cấu mạnh mẽ nhưng vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn bởi tài sản thì có nhưng phần bị vướng pháp lý, phần thì bị đối tác ép giá không thể thanh lý được để cơ cấu các khoản nợ.

"Có dự án chúng tôi mua tới 1.900 tỷ đồng nhưng đến nay đã qua mấy vòng đàm phán, đối tác nước ngoài họ chỉ trả có 800 tỷ đồng. Giá thế này sao bán được, bán rồi thì sao giải trình được. Nói chung doanh nghiệp đang bị ép giá đủ đường", người này nói thêm.

Tinh giảm bộ máy nhân sự

Thực tế, theo tìm hiểu của Dân Việt, năm 2023 vừa qua, thị trường BĐS tiếp tục đối diện với những khó khăn chưa từng có, việc kẹt dòng tiền khiến hàng loạt các doanh nghiệp BĐS điêu đứng. Để giảm áp lực, các doanh nghiệp BĐS đang tồn tại trên thị trường đều phải cắt giảm lượng lớn nhân sự, tái cơ cấu bộ máy. Một số doanh nghiệp thậm chí phải thông báo ngưng hoạt động tìm hướng đi mới.

Chẳng hạn, hồi tháng 11/2023, Công ty CP Phát triển và Kinh doanh nhà (HDTC) phát đi thông báo ngừng hoạt động và cho toàn bộ cho nhân viên nghỉ việc không lương cho đến khi có thông báo mới. Nguyên nhân là do nguồn tài chính của doanh nghiệp này vô cùng khó khăn, không có nguồn thu để chi trả.

HDTC cho biết, để phù hợp với tình hình hoạt động của công ty trong thời gian hiện nay, HĐQT đã thống nhất sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, chỉ giữ lại những nhân sự chủ chốt để củng cố công ty trong giai đoạn trước mắt.

Tương tự, "ông lớn" Đất Xanh Group cũng phải cắt giảm lượng lớn nhân sự. Đến ngày 30/9, số lượng nhân viên của tập đoàn là hơn 2.480 người, giảm gần 1.300 người so với thời điểm đầu năm. Hoặc tại Phát Đạt, tính đến cuối tháng 9, doanh nghiệp này có 254 nhân sự, giảm hơn 100 người so với năm ngoái…

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong năm 2023, trong lĩnh vực kinh doanh BĐS có 4.725 doanh nghiệp thành lập mới, giảm đến 45% so với năm 2022. Số doanh nghiệp BĐS giải thể tăng 7,7% so với cùng kỳ với 1.286 doanh nghiệp.

Như vậy, tính trung bình mỗi tháng có khoảng 107 doanh nghiệp địa ốc rời bỏ thị trường.

Còn theo báo cáo của Hội Môi giới bất động sản (VARS), hơn 95% môi giới BĐS được khảo sát có thu nhập giảm so với năm 2022. Trong đó, hơn 14% cho biết, thu nhập giảm 20-30% so với cùng kỳ, hơn 54% cá nhân ghi nhận mức tụt giảm 30-40%. Khoảng 5% môi giới bị giảm trên 70% thu nhập.

"Trong giai đoạn cuối năm 2023 và nửa đầu năm 2024, thị trường BĐS sẽ tiếp tục chứng kiến sự ra đi của một số doanh nghiệp đã kiệt sức, do phải chống chọi trong suốt thời gian dài vừa qua", đơn vị này nhận định.

VARS cũng nhận định rằng, việc khó khăn trong huy động vốn mới, cộng với nguồn thu bán hàng không đủ bù đắp, dẫn đến tăng rủi ro chậm trả nợ gốc và lãi. Bên cạnh áp lực đáo hạn trái phiếu tăng mạnh, nghẽn dòng tiền hoạt động thì lượng tiền mặt của các doanh nghiệp cũng đang giảm xuống mức rất thấp.