Không phải một mà là rất nhiều lần, là "n" lần, Giám đốc CDC Bình Dương Nguyễn Thành Danh đã từ chối nhận tiền "hoa hồng" từ Việt Á. Phải nhấn mạnh đến con số 4,2 tỷ đồng và "n" lần không nhận, vì điều đó thật sự đang chứng minh thanh danh của một con người.
10 tháng 4 ngày tù giam là mức án mà cơ quan công tố đề nghị với bị cáo Nguyễn Thành Danh, cựu Giám đốc CDC Bình Dương, về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".
Hành vi của ông Danh khá là rõ ràng: "Mượn" kit xét nghiệm của Việt Á có giá 509.250 đồng, thay cho kit xét nghiệm của hãng Roche (thời điểm đó giá 176.000 đồng). Và sau đó mới hợp thức hoá thủ tục hồ sơ thanh quyết toán. Kết quả điều tra xác định, các hành vi này đã gây thiệt hại 55 tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước.
Theo quy định của hình luật, tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" có khung hình phạt lên tới 20 năm tù, trong trường hợp phạm tội gây thiệt hại từ 1 tỷ đồng trở lên. Mức án đề xuất 10 tháng 4 ngày tù giam bằng đúng thời gian tạm giam, vì thế là rất nhân đạo so với hậu quả của hành vi.
Nhưng nói đi cũng nên nói lại. Chính ông Nguyễn Thành Danh cùng với Giám đốc Sở Y tế Bình Dương Nguyễn Hồng Chương - không phải một, mà đã rất nhiều lần đã từ chối nhận hoa hồng từ Việt Á.
Trước toà, bị cáo Lê Trung Nguyên, nhân viên Công ty Việt Á khai rằng Phan Quốc Việt đã duyệt mức chi 20% hoa hồng cho các cán bộ ở Bình Dương. Theo đó, Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế Bình Dương được 7%; Nguyễn Thành Danh, Giám đốc CDC Bình Dương được 5%.
Tuy nhiên, dù nhiều lần Nguyên đã cố gắng gặp để đưa tiền, nhưng lần nào ông Danh cũng từ chối. Và số tiền được "nộp lại" vào tài khoản ngân hàng lên tới 4,2 tỷ đồng.
Đứng trước vành móng ngựa, với khuôn mặt khắc khổ và mái tóc bạc trắng, vị cựu Giám đốc CDC nói nhiều lần nhân viên Việt Á đã mời bị cáo đi cà phê, đi uống bia, nhưng ông đều từ chối, đều cáo bận. Bởi "việc tránh tiếp xúc cũng chính là cách từ chối khéo việc nhận tiền của Việt Á".
Năm đó, Bình Dương đang là một địa bàn khốc liệt về dịch bệnh. Chẳng hạn chỉ riêng một ngày 17/8/2021, đã có tới 3.332 ca dương tính mới được ghi nhận với tổng cộng 49.833 ca mắc COVID-19 và 550 đồng bào ở vào thế cận kề sinh tử.
Nói đến ngày 17/8 vì đó cũng là ngày cả nước bàng hoàng và xúc động trước sự hy sinh của nữ hộ sinh Dương Nguyễn Thùy Trinh, cùng với một cái thai 20 tuần tuổi. Cũng là ngày dư luận lặng người trước bức thư chia buồn được gửi tới gia đình nữ hộ sinh này.
Bức thư ấy viết rằng: "Điều khủng khiếp nhất trong đại dịch COVID-19 không chỉ là chia cách tinh thần, cắt đứt mọi giao tiếp xã hội mà còn đẩy những người bị nhiễm, người bị chết vào cảnh đơn độc đến tận cùng".
Và rằng: "Chúng ta chỉ có một con đường là phải chiến đấu và phải chiến thắng, như vậy mới đem cuộc sống mạnh khỏe, bình an vốn có trước đây của chúng ta quay trở lại".
COVID, giờ đây còn đáng sợ hơn, khủng khiếp hơn khi nó là cơ hội bộc lộ sự cấu kết, tha hoá từ ngay chính đội ngũ cán bộ về lý thuyết là đang chịu trách nhiệm cho sức khoẻ, và tính mạng nhân dân. Hãy nhớ: Đã có 109 bị cáo đã ra toà trong vụ Việt Á.
Nhưng "thử thách COVID-19" cũng cho thấy thế nào mới thật sự là thanh danh từ những người nói "Không", rất nhiều lần với hoa hồng, với tiền bạc. Những người dù phải chịu trách nhiệm vì những sai phạm, nhưng vẫn có thể ngẩng đầu với nhân dân, với bệnh nhân, với những đồng nghiệp đã mất của mình.
Mới biết thành danh là con đường cực kỳ khó khăn, nhưng gìn giữ thanh danh trước những viên đạn bọc đường, còn khó gấp ngàn vạn lần.